Hướng đến nền nông nghiệp sạch với công nghệ nano

Công nghệ nano giúp Việt Nam hướng đến nền nông nghiệp sạch, tiết kiệm chi phí trong sản xuất và gia tăng giá trị cho các mặt hàng nông, thủy sản.

Đó là những kết quả nghiên cứu của các chuyên gia Viện công nghệ môi trường, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam công bố tại Hội thảo “Xu hướng ứng dụng công nghệ nano trong canh tác cây trồng, thủy sản”. Sự kiện này do Trung tâm Thông tin và Thống kê, thuộc Sở khoa học và công nghệ (KH&CN) TP.HCM tổ chức sáng 7/10.

Công nghệ nano được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực

Chương trình sáng kiến công nghệ nano quốc gia (NNI) Hoa Kỳ định nghĩa “Công nghệ nano là sự hiểu biết và kiểm soát vật chất ở kích thước nano trong khoảng từ 1nm (nano mét) đến 100nm. Tại đó, nhiều hiệu ứng đặc biệt xảy ra cho phép tạo ra các ứng dụng mới”.

TS Lê Quý Kha, Viện phó Viện khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam cho biết, công nghệ nano được các nước trên thế giới ứng dụng từ lâu trong các lĩnh vực như y học, công nghệ, nông nghiệp, thủy sản…

Cụ thể, nhiều nước trên thế giới đã ứng dụng các hạt nano để xử lý hạt giống nhằm cải thiện tốc độ nảy mầm và sinh trưởng, chất lượng và năng suất thu hoạch của nông sản. Công nghệ nano cũng được ứng dụng trong phân bón lá bao gồm các nguyên tố vi lượng cần thiết trong từng giai đoạn phát triển của cây trồng. Việc sử dụng các công cụ hỗ trợ như cảm biến, công nghệ nano cũng có thể phát hiện và chẩn đoán nhanh các chứng bệnh do vi sinh vật gây ra cho cây trồng. Ngoài ra nhiều ứng dụng của công nghệ nano trong nông nghiệp cũng được đề cập.

Những thông tin về công nghệ nano trong nông nghiệp dành được sự quan tâm của các khách mời tại hội thảo. Ảnh: Hà Thế An.

“Việc ứng dụng công nghệ nano tại Việt Nam cần được đầu tư mạnh mẽ hơn nữa để tạo ra được các giá trị cho nền nông nghiệp nước ta. Công nghệ nano góp phần tạo ra nông sản sạch, chất lượng cao, giảm thiểu các chi phí trong quá trình sản xuất” - TS Kha nói.

Công nghệ nano rất có giá trị thực tiễn trong nông nghiệp

Để hiện thực hóa mong muốn phát triển công nghệ nano trong nông nghiệp. Nhiều năm qua, Viện công nghệ môi trường đã có nhiều nghiên cứu mang lại những tín hiệu tốt.

PGS.TS Nguyễn Hoài Châu, nguyên Trưởng ban ứng dụng và triển khai công nghệ, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam cho biết: “Năm 2009 một cuộc triển lãm về các công nghệ trong nông nghiệp đã được tổ chức tại Nga. Tôi cũng may mắn được tham dự sự kiện đó và bắt đầu dành sự quan tâm lớn đến công nghệ nano. Đến năm 2011, chúng tôi mời các chuyên gia từ Nga về Việt Nam cùng nghiên cứu công nghệ này. Sau đó Viện công nghệ môi trường đã cho ra nhiều kết quả nghiên cứu tích cực về công nghệ nano ứng dụng tại Việt Nam”.

Quá trình nghiên cứu của Viện công nghệ môi trường cho ra các sản phẩm nano như: nano sắt, nano đồng, nano oxit kẽm, nano coban, nano selen, nano chitosan…

PGS. TS Nguyễn Hoài Châu cho biết, cần phải sớm thực nghiệm các kết quả nghiên cứu để đưa những ứng dụng nano vào nông nghiệp. Ảnh: Hà Thế An.

Các sản phẩm nano sau đó được tiếp tục nghiên cứu để đưa ra các giải pháp trong nông nghiệp và thủy sản. Cụ thể, với sản phẩm phân bón lá nano, theo nghiên cứu các hạt nano vi lượng sắt, đồng, kẽm, coban, boron… được tổng hợp bằng phương pháp khử hóa học, sử dụng các hóa chất thân thiện với môi trường. Phân bón lá nano giúp cây trồng dễ hấp thu nhờ sử dụng các hạt nano siêu phân tán. Nhờ vậy mà có thể giảm lượng phân bón sử dụng trong sản xuất nông nghiệp.

Ưu điểm của phân bón lá nano là cây trồng dễ hấp thu hơn so với các loại phân bón lá truyền thống do kích thước nhỏ, dễ lan tỏa và bám dính trên lá. Phân bón nano cung cấp các nguyên tố vi lượng cần thiết cho cây trồng, không gây hại môi trường sinh thái và giá thành rẻ.

Sản phẩm nano cũng được ứng dụng trong công nghệ bọc hạt giống nhằm tăng thời gian bảo quản, chống nấm cho đất trồng và cung cấp dinh dưỡng cho cây mọc mầm. Vật liệu này bao gồm: phân bón vi lượng, nano bạc và một số vi sinh vật có lợi cho cây trồng. Ưu điểm của phương pháp này là chống nấm, tăng cường sinh trưởng của cây con; tăng thời gian bảo quản hạt giống; giảm chi phí lao động chăm sóc cây…

Một ứng dụng khác, hạt nano có thể sử dụng làm phụ gia thức ăn chăn nuôi gồm các nguyên tố vi lượng như đồng, kẽm, mangan, coban… có kích thước nano được dùng với hàm lượng rất nhỏ để thay thế một số nguyên tố vi lượng dạng muối, dạng phức đang được sử dụng hiện nay để bổ sung vào thức ăn chăn nuôi.

Phương pháp này sẽ giúp vật nuôi dễ dàng hấp thu các nguyên tố vi lượng dưới dạng hạt kích thước nano, hạn chế tác dụng phụ của các muối kim loại trong thức ăn chăn nuôi truyền thống.

Một sản phẩm vi lượng dạng nano được trưng bày tại hội thảo. Ảnh: Hà Thế An.

PGS.TS Nguyễn Hoài Châu mong muốn, sẽ nhận được những kết nối từ các đơn vị, doanh nghiệp để Viện công nghệ môi trường thực hiện việc chuyển giao các kết quả nghiên cứu, ứng dụng vào thực tế để phát triển nông nghiệp nước nhà.

Hà Thế An

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/huong-den-nen-nong-nghiep-sach-voi-cong-nghe-nano-c7a455198.html