Hưng Yên: Giá trị thu nhập bình quân năm 2023 đạt 238 triệu đồng/héc-ta

Ngày 11/1, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hưng Yên tổ chức hội nghị đánh giá sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn và xây dựng nông thôn mới năm 2023, triển khai nhiệm vụ, giải pháp năm 2024.

Sản xuất nông nghiệp năm 2023 diễn ra trong điều kiện gặp nhiều khó khăn, thách thức về diễn biến bất thường của thời tiết, khí hậu, giá vật tư đầu vào tăng cao, cùng với đó chuỗi cung ứng sản xuất và tiêu dùng bị đứt gãy làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất, dân sinh. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp tỉnh Hưng Yên đã vượt khó, giành nhiều thắng lợi.

Năm 2023, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt hơn 14 nghìn tỷ đồng; năng suất lúa đạt 62,69 tạ/héc-ta, giá trị thu nhập đạt bình quân 238 triệu đồng/héc-ta; diện tích trồng cây ăn quả có hơn 14,6 nghìn héc-ta; thực hiện được 169 mô hình sản xuất tập trung, quy mô lớn; 141 mô hình được chứng nhận VietGAP. Toàn tỉnh công nhận thêm 53 sản phẩm OCOP, nâng tổng số có 252 sản phẩm OCOP...

Nông dân tỉnh Hưng Yên đẩy mạnh áp dụng công nghệ mạ khay, máy cấy trong gieo cấy lúa. Ảnh: ST

Các lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản tăng trưởng khá. Công tác thú y, bảo vệ thực vật, quản lý đê điều, thủy lợi, kiểm lâm, chất lượng nông sản, xúc tiến thương mại, chuyển giao tiến bộ khoa học kĩ thuật được thực hiện tốt.

Trong công tác xây dựng nông thôn mới, dự kiến năm 2023 toàn tỉnh Hưng Yên có thêm 25 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là 108 xã; 15 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu là 34 xã và 142 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.

Năm 2024, ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hưng Yên phấn đấu giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt hơn 14,3 nghìn tỷ đồng, năng suất lúa bình quân đạt 62,95 tạ/héc-ta/vụ; có thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu...

Để đạt mục tiêu đề ra, ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh tập trung thực hiện một số giải pháp như, Tăng cường ứng dụng các quy trình tiên tiến vào sản xuất; đầu tư phát triển công nghệ sau thu hoạch theo hướng hiện đại; chuyển đổi cơ cấu chăn nuôi theo hướng giảm tỷ trọng chăn nuôi lợn, tăng tỷ trọng chăn nuôi gia cầm, đại gia súc và vật nuôi đặc sản có giá trị kinh tế cao, gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường.

Tiếp tục đẩy mạnh tổ chức lại sản xuất theo chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp; chú trọng phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản.

Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ thành lập mới và xây dựng hợp tác xã kiểu mẫu theo chuỗi sản xuất nông nghiệp sạch VietGAP gắn với thị trường; nâng cao khả năng phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường công tác xúc tiến thương mại, quảng bá các nông sản.

Trần Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/hung-yen-gia-tri-thu-nhap-binh-quan-nam-2023-dat-238-trieu-dong-hec-ta-post280524.html