Huế bây chừ đã mới hơn xưa

Nói Huế tắc đường chắc chẳng ai tin ở cái thành phố được mệnh danh 'đi ngủ sớm' này và nói như mạ tôi là 'có mấy hột người' mà tắc! Thế nhưng cái sự tắc ấy không khiến cho mấy người lo nghĩ mà dường như còn là tín hiệu vui về một xứ Huế đang đổi thay năng động hơn xưa.

Chiều cuối thu, Huế đẹp như một nàng thơ kiều diễm. Tôi tranh thủ lúc hết giờ làm việc ở công sở chở cô em họ vừa từ Mỹ về thăm quê đi một vòng ngắm phố phường. Đang đi hắn chợt la lên: “Mạ ơi, Huế tắc rồi!”. Tôi giật mình quay lại: “Chi rứa mi?”. Hắn cười: “Tắc đường đó nờ!”.

Hình ảnh về một xứ Huế đổi mới, hiện đại hơn so với trước. Ảnh: Thanh Hòa

Hết hồn, cứ tưởng gì! Ờ mà cũng lạ thật! Lâu nay ngày nào đi làm tôi cũng lượn qua mấy con đường này mà chẳng bao giờ để ý. Đông cũng vậy mà vắng cũng thế, ngày nào cũng đi, đi hoài thấy quen, quen rồi thấy thường, thường rồi thì không thấy tắc hay vắng. Giờ hắn nhắc mới để ý thì thấy đúng là tắc thật. Cả cái ngã 6 ở đường Hùng Vương vốn rộng thênh thang là thế mà giờ tan tầm cũng đông kẹt người và xe.

Vậy rồi chẳng hiểu sao cái câu la bài hãi của cô em gái: “Mạ ơi, Huế tắc rồi!” tự dưng lại khiến tôi đâm ra nghĩ ngợi như vừa phát hiện ra điều gì đó mới mẻ, thú vị lắm. Có lẽ trong suy nghĩ của tôi và cũng như nhiều người Huế khác là Huế có khi nào tắc đường. Bởi cái thành phố từng được mệnh danh là “thành phố đi ngủ sớm” này lạ lắm, tối chưa nhọ mặt người đường sá đã vắng hoe; gặp hôm mưa dầm thì chẳng có ma nào ra đường, thành ra mọi con đường cứ dài hun hút, mưa cứ càng lê thê, thỉnh thoảng mới có bà bán trứng vịt lộn lầm lụi cắp cái thúng và xách cây đèn dầu bé xíu hắt lên thứ ánh sáng vàng vọt ma mị vừa đi vừa rao “lô…ộ…ô…n… đê…ê...ê…!”, hoặc họa hoằn lắm mới có bác xích lô già gò lưng đạp chậm rãi như phó mặc cái sự đời loanh quanh qua những vòng thành quách xám xịt cô liêu buồn tê tái.

Vậy mà ai cũng yêu Huế, thích tới Huế. Cái sự vắng vẻ và nỗi buồn cố hữu ấy phải chăng đã làm nên nét duyên thầm khiến nhiều người yêu Huế, thương Huế và nhớ Huế đến da diết.

Vẻ trẻ trung đầy sôi động của giới trẻ Huế hôm nay.

Mấy năm trước, đường sá ở Huế lúc nào cũng thưa thớt chứ có đâu cái cảnh nhộn nhịp đặc quánh người xe như ở Hà Nội với TP Hồ Chí Minh. Mạ tôi hay nói: “Huế có mấy hột người mà tắc!”. Mà cũng đúng thế thật, cả tỉnh Thừa Thiên Huế đâu chừng hơn 1 triệu người; riêng thành phố Huế có diện tích chừng hơn 265 cây số vuông với hơn 652 nghìn người, mật độ dân số khoảng hơn 234 người/cây số vuông thì cũng chưa đến độ phải tắc.

Nghĩ lại cái đợt sống ở Hà Nội, hễ ra đường là thấy cảnh người xe ngược xuôi chóng cả mặt mà lòng tự dưng nhớ Huế chi lạ. Khi đó chỉ ước được bay liền về Huế để được thong dong rong chơi trên những con đường thênh thang rợp bóng cây và đong đầy hoa nắng trong thành nội, hay vi vu trên cầu Trường Tiền lộng gió sông Hương.

Trên một nẻo đường xứ Huế.

Vậy mà Huế giờ cũng có cảnh tắc đường, nhưng cái sự tắc đường ở Huế nếu so với Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh thì chẳng thấm vào đâu. Thỉnh thoảng người ta cũng thấy Huế tắc đường, chủ yếu là vào giờ cao điểm ở những giao lộ lớn như đoạn ngã 6 Hùng Vương trước mặt tòa tháp Vinpearl cao vòi vọi, hay chỗ đầu cầu Phú Xuân, cầu Trường Tiền, cầu An Cựu…

Nhiều người, chả riêng gì người Huế mà ngay cả du khách đến Huế cũng thừa nhận rằng cái thành phố xinh xắn, êm đềm bên dòng sông Hương thơ mộng bây giờ cũng nhộn nhịp, đông vui đáo để. Cái sự nô nức, đông vui ấy có lẽ do đời sống của Huế giờ đã khác xưa, điều kiện kinh tế khá hơn, người dân ra đường nhiều hơn, xe cộ nhiều hơn và đặc biệt là du khách đến Huế cũng nhiều hơn.

Huế - thành phố của cây xanh.

Theo thống kê của Công an TP Huế, chỉ tính riêng xe mô tô các loại, năm 2021, trên địa bàn thành phố có 9.254 xe đăng kí mới, năm 2022 là 16.673 phương tiện và chỉ riêng từ 1/1/2023 đến 15//3/2023 đã có đến 3.516 phương tiện. Thế mới biết, dân Huế bây giờ cũng khá giả nên việc sắm ô tô không còn là chuyện khó như xưa.

Song song với đó lượng du khách đến Huế giờ cũng đông, năm 2022 là 2,05 triệu lượt; chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, đã đạt khoảng hơn 1,64 triệu, trong đó khách quốc tế đạt khoảng gần 568.000 lượt, tổng thu từ du lịch 6 tháng ước đạt khoảng gần 3.500 tỉ đồng, tăng 148% so với cùng kì năm 2022. Khách quốc tế phần lớn đến từ Thái Lan, Pháp, Úc, Đức, Mỹ, Anh, Hà Lan, Tây Ban Nha, Đài Loan, Malaysia và một số thị trường khác.

Cầu Phú Xuân – cây cầu ở trung tâm thành phố Huế.

Nhẩm qua các con số ấy cũng có thể hình dung ra lí do Huế giờ đây cũng có tắc đường. Thảo nào cô em họ tôi, một đứa vốn sinh ra và lớn lên từ xứ Huế mộng mơ, đêm đềm và vắng lặng giờ sống ở trời Tây nay quay về bỗng thấy lạ. Tuy nhiên, tắc đường ở Huế chỉ diễn ra cục bộ, hay nói đúng hơn là ùn ứ một lúc rồi lại thôi chứ chưa đến nỗi trở thành căn bệnh trầm kha đau khổ như ở các thành phố lớn.

Cái sự tắc đường ở Huế cũng bắt đầu ít nhiều khiến cho người ta khó chịu, thậm chí chính quyền cũng đã đôi lần bày tỏ sự lo lắng, thế nhưng cũng có không ít ý kiến bày tỏ sự cảm thông, thậm chí cho rằng đó là tín hiệu vui về một xứ Huế đang trở mình đổi mới, phát triển, một xứ Huế đang thay da đổi thịt để không còn phải mang tiếng là “thành phố đi ngủ sớm” như ngày xưa nữa bởi Huế sắp trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, một đô thị hứa hẹn sẽ xứng tầm trên con đường di sản của miền Trung và tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây.

Hình ảnh những chiếc xích lô quen thuộc trước chợ Đông Ba.

Nếu như mọi việc hanh thông, thiên thời, địa lợi, nhân hòa thì có lẽ sẽ không còn bao lâu nữa Huế sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, một sự kì vọng lớn lao không chỉ của riêng người dân Huế mà còn đối với cả những người yêu Huế gần xa. Bởi trên cơ sở Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, tỉnh Thừa Thiên Huế đang nỗ lực tập trung hoàn thành các quy hoạch, đề án quan trọng, hướng tới xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025 trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

Để đạt được mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo đúng định hướng Nghị quyết này và xa hơn nữa là giảm áp lực giao thông trong vùng lõi, vai trò công tác quy hoạch là rất quan trọng. Đó là phải xây dựng và tạo ra hình ảnh, môi trường đô thị hiện đại, thân thiện môi trường, thông minh nhưng đảm bảo việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản là mục tiêu mà Thừa Thiên Huế hướng đến.

Huế - thành phố của lễ hội.

Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đang đồng loạt triển khai nhiều nội dung quy hoạch như: Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; Quy hoạch Bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050… Theo đó, tỉnh đã xem xét, tính toán quy hoạch lại hệ thống từng đô thị và toàn đô thị nói chung bao gồm việc quy hoạch hệ thống hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật,.. nhằm quy hoạch lại hệ thống không gian đô thị, đảm bảo đúng định hướng và mục tiêu về quy hoạch đô thị chung theo tinh thần Nghị quyết số số 54-NQ/TW.

Để làm được điều đó, nói như Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thừa thiên Huế Lê Trường Lưu là tỉnh giữ vững quan điểm không đánh đổi môi trường lấy kinh tế; xây dựng Thừa Thiên Huế phát triển theo hướng hài hòa, bền vững, giảm áp lực dân cư đô thị, hạn chế can thiệp vào kiến trúc, cảnh quan; tiếp tục phát triển bền vững trên cơ sở phát huy các giá trị văn hóa, di sản gắn với bảo vệ cảnh quan môi trường.

Sự cuồng nhiệt và tươi mới của giới trẻ Huế hôm nay.

Với chủ trương đó, Huế đang nỗ lực bảo tồn nguyên vẹn khu vực phía Bắc, nơi có kinh thành Huế, được xác định là khu vực lõi của Quần thể Di tích Cố đô Huế; tập trung phát triển khu vực phía Nam và các vùng phụ cận, nơi ít có sự hiện diện của các di tích; chỉnh trang, nâng cấp hệ thống đường sá, công viên, cây xanh, ánh sáng và các công trình phụ trợ phục vụ dân sinh. Nhờ đó mà bộ mặt đô thị Huế đang thay đổi nhanh chóng theo hướng hiện đại, năng động, cởi mở nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp truyền thống và lãng mạn riêng có của mình.

Ngày nay đến với Huế, du khách không chỉ được khám phá những di sản văn hóa thế giới vàng son rực rỡ đang được hồi sinh một cách mạnh mẽ, một xứ Huế mộng mơ vốn có trong kí ức của bao người yêu Huế mà còn có cả một xứ Huế trẻ trung, năng động với những công viên xanh, những con đường đẹp và cả những tuyến phố vui náo nhiệt thâu đêm. Và biết đâu, dịp tới về thăm quê, cô em họ tôi lại ngỡ ngàng thốt lên đầy thú vị vì phát hiện ra Huế có thêm nhiều điều đổi mới khác.

Xích lô du lịch - một nét văn hóa của Cố đô.

Huế - thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam.

Một điểm vui chơi về đêm ở thành phố Huế.

Huế giờ không còn là “thành phố đi ngủ sớm”.

Đường phố Huế đông đúc náo nhiệt mỗi khi có sự văn hóa diễn ra.

Những vũ điệu rực lửa tạo nên nét sôi động đầy mới mẻ cho Cố đô.

Bài, ảnh: Thanh Hòa

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/hue-bay-chu-da-moi-hon-xua-post284243.html