Huawei thiết lập mô hình phát triển tài năng kỹ thuật số châu Á - TBD

Châu Á - Thái Bình Dương đang trải qua cuộc cách mạng kỹ thuật số mạnh mẽ. Bắt nhịp thời cuộc, Huawei đã thiết lập mô hình PIPES Talent Model để phát triển tài năng kỹ thuật số.

Khi các quốc gia trong khu vực chủ động số hóa, nhu cầu chuyên gia kỹ thuật số lành nghề tăng mạnh. Tuy nhiên, tự động hóa đang thay thế nhiều việc làm, khiến việc đào tạo lại và nâng cao năng lực lao động càng trở nên quan trọng.

Một nghiên cứu của Gallup cho thấy có khoảng cách kỹ năng ngày càng rõ rệt: Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hơn 76% nhà tuyển dụng đòi hỏi kỹ năng số, trong khi 72% nhà tuyển dụng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các ứng viên phù hợp cho những vị trí này. Nhu cầu tuyển dụng tài năng am hiểu công nghệ không chỉ giới hạn trong ngành ICT mà còn mở rộng sang chăm sóc sức khỏe, khai thác mỏ và các lĩnh vực khác đang trải qua quá trình chuyển đổi số.

Để giải quyết vấn đề này cần các chương trình đào tạo phù hợp nhằm nuôi dưỡng một lực lượng lao động sẵn sàng với thách thức của hôm nay và tương lai. Các nhà cung cấp công nghệ như Huawei, với việc có nhiều kinh nghiệm trong ngành và năng lực đổi mới, có thể đóng một vai trò then chốt trong nỗ lực này.

Tại châu Á - Thái Bình Dương, Huawei đã thiết lập mô hình PIPES Talent Model như một kế hoạch chi tiết để phát triển tài năng kỹ thuật số. PIPES là từ viết tắt của “Nền tảng” (Platforms), “Đổi mới” (Innovation), “Chuyên nghiệp” (Professionalism), “Kinh nghiệm” (Experience) và “Kỹ năng” (Skills). Mô hình này cung cấp các chương trình tài năng phù hợp cho cá nhân từ mọi tầng lớp xã hội, bao gồm thế hệ trẻ, các nhà hoạch định chính sách, học viên ICT, doanh nhân và công chúng.

Nền tảng (Platform): Tạo điều kiện trao đổi và ươm tạo

Phối hợp với các trường đại học, chính phủ và các đối tác trong ngành, Huawei thiết lập một hệ sinh thái năng động của các nền tảng ảo và vật lý. Doanh nghiệp này trao quyền cho các cá nhân và cộng đồng bằng cách kết nối họ với các ý tưởng và tài nguyên được chia sẻ.

Cuộc thi ICT Competition khu vực được tổ chức ở Indonesia gần đây đã thể hiện rõ cam kết này bằng cách xây dựng một sân chơi toàn cầu để sinh viên đại học trao đổi ý tưởng, thể hiện sự sáng tạo và áp dụng các công nghệ đột phá.

Những nhân tài ICT đoạt các giải thưởng quan trọng trong cuộc thi ICT Competition 2023.

Từ năm 2018, Huawei đã thiết lập quan hệ đối tác với hơn 300 trường đại học ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đào tạo hơn 50.000 sinh viên thông qua phát triển chương trình hợp tác, nền tảng học tập trực tuyến và cuộc thi ICT.

Đối với các doanh nhân trẻ, "Vườn ươm đám mây Huawei" trao cho các công ty khởi nghiệp công nghệ quyền truy cập vào nền tảng đám mây của Huawei. Đến nay, chương trình hỗ trợ hơn 110 startup trên toàn khu vực.

Đổi mới (Innovation): Thúc đẩy ý tưởng và công nghệ

Nhằm truyền cảm hứng cho các nhà lãnh đạo tương lai với ý tưởng và công nghệ tiên tiến, Huawei đang cung cấp các khóa đào tạo khoa học và công nghệ tiên tiến. Đồng thời, doanh nghiệp này thúc đẩy sự đánh giá và hiểu biết về các vấn đề mới nổi trong hệ sinh thái công nghệ.

Ra mắt tại Thái Lan năm 2008, chương trình “Hạt giống cho tương lai” (Seeds for The Future) trao quyền cho sinh viên đại học thông qua các buổi đào tạo sáng tạo, công nghệ và tiếp xúc với văn hóa độc đáo.

Trong khi đó, cuộc thi “Tech4Good” khuyến khích người tham gia phát triển giải pháp sáng tạo cho các vấn đề xã hội cấp bách, định hình một thế hệ nhà lãnh đạo nhận thức xã hội. Một trong những người chiến thắng trong khu vực năm 2022 - phái đoàn của Quỹ ASEAN - đã giới thiệu dự án có tên "N-ABLE". Đây là nền tảng hỗ trợ các cá nhân có nhu cầu đặc biệt với công việc thông qua tư vấn, kết hợp công việc và đào tạo.

Ông Jun Zhang, Chủ tịch Quan hệ công chúng và truyền thông, Huawei châu Á - Thái Bình Dương, cho rằng các doanh nghiệp cần các chương trình đào tạo phù hợp nhằm nuôi dưỡng một lực lượng lao động sẵn sàng với thách thức của giai đoạn chuyển đổi số.

Ngày 31/3, OpenLab châu Á - Thái Bình Dương 3.0, trung tâm khu vực gần đây nhất của Huawei về R&D giải pháp và đổi mới sáng tạo, sẽ ra mắt. Được trang bị 4 phòng thí nghiệm công nghệ ICT tiên phong, phiên bản mới nhất của Huawei OpenLab tôn vinh sức mạnh tổng hợp năng lực đổi mới từ Huawei và các đối tác với mục đích đẩy mạnh sự sáng tạo và chuyển đổi số ở Singapore và cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tính chuyên nghiệp (Professionalism): Nuôi dưỡng một lực lượng lao động sẵn sàng kỹ thuật số

Huawei đang chuẩn bị một lực lượng lao động sẵn sàng cho tương lai với chứng nhận ICT, cố vấn, tài nguyên mạng và đào tạo trước khi làm việc… Và hãng không làm điều này một mình.

Tại Singapore, Huawei ICT Academy hợp tác Trường Đại học Singapore Polytechnic giới thiệu một khóa học dựa trên chứng nhận ngành, bao gồm các lĩnh vực lập trình, AI và các giải pháp đám mây. Các cá nhân với thời gian làm việc lâu năm cũng có thể tận dụng các khóa học này để nâng cao kỹ năng, tăng khả năng làm việc trong lĩnh vực công nghệ.

Năm 2020, dưới sự hướng dẫn của KSP và quá trình làm việc với các cơ quan chính phủ khác nhau ở Indonesia, Huawei đã khởi động chương trình đào tạo 100.000 tài năng kỹ thuật số để nuôi dưỡng 100.000 chuyên gia cho Indonesia trong 5 năm. Đến nay, sau 3 năm, mục tiêu hoàn thành 80%.

Chương trình “Hạt giống cho tương lai” tạo cơ hội tiếp thu kiến thức mới về công nghệ cho hàng trăm nghìn sinh viên.

Kinh nghiệm (Experience): Tận dụng chuyên môn và bí quyết trong ngành

Là nhà cung cấp công nghệ có trụ sở tại châu Á - Thái Bình Dương trong hơn 20 năm, Huawei tích lũy được những kinh nghiệm và bí quyết vô giá. Hãng sẵn sàng chuyển giao kiến thức này cho các cá nhân, tổ chức và cộng đồng trên toàn khu vực.

Đặc biệt, Viện Kinh doanh thuộc Học viện ASEAN của Huawei cung cấp kinh nghiệm tích lũy của hãng trong quản trị doanh nghiệp và chuyển số đến giám đốc điều hành các cấp và các quan chức chính phủ. Việc này nhằm giúp họ có những định hướng trong kỷ nguyên kỹ thuật số và đưa ra quyết định sáng suốt.

Kỹ năng (Skills): Thúc đẩy kiến thức kỹ thuật số và lãnh đạo

Viện Kỹ thuật của ASEAN Academy phục vụ nhu cầu của các học viên ICT, cung cấp các khóa đào tạo về chứng nhận ICT, kỹ năng tại chỗ... Đến năm 2022, các viện hàn lâm ASEAN ở Thái Lan, Indonesia và Malaysia đã đào tạo được hơn 75.000 chuyên gia.

Cùng nhau, chúng ta có sức mạnh để định hình bối cảnh kỹ thuật số của châu Á - TBD, qua đó mở ra kỷ nguyên mới của thịnh vượng, đổi mới và cơ hội.

Ông Jun Zhang

Chủ tịch Quan hệ công chúng và truyền thông, Huawei châu Á - TBD

Mục tiêu của Huawei là đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau. Ở Thái Lan và Bangladesh, xe buýt kỹ thuật số đã trang bị cho hơn 60.000 phụ nữ và trẻ em vùng sâu vùng xa những kỹ năng kỹ thuật số cần thiết. Ở Philippines, hơn 10.000 trẻ em từ 15 ngôi làng hiện có thể tiếp cận việc học từ xa qua dự án School-in-a-Bag.

Năm 2021, Hội nghị Phụ nữ Quốc hội Indonesia (KPP-RI) và Huawei đã cùng tổ chức một hội thảo để chuẩn bị tốt hơn cho các nhà lập pháp nữ trong kỷ nguyên kỹ thuật số, đồng thời tăng cường kỹ năng lãnh đạo của họ, cho phép họ đảm nhận các vai trò quan trọng hơn trong tương lai.

Cuối cùng, việc thu hẹp khoảng cách kỹ năng đòi hỏi nỗ lực phối hợp từ các chính phủ, ngành công nghiệp và tổ chức giáo dục. Thông qua thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, tiên phong nghiên cứu sáng tạo, chế tạo các tài nguyên học tập tùy chỉnh và chia sẻ kinh nghiệm mới nhất trong ngành, con người có thể tạo ra một thị trường việc làm năng động, có khả năng vượt qua những thách thức của kỷ nguyên kỹ thuật số.

Bằng cách thúc đẩy một hệ thống nhân tài mạnh mẽ, Huawei không chỉ đầu tư vào tương lai của chính doanh nghiệp mà còn đóng góp vào sự thịnh vượng kỹ thuật số của toàn khu vực.

Giang Phương Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/huawei-thiet-lap-mo-hinh-phat-trien-tai-nang-ky-thuat-so-chau-a-tbd-post1416447.html