HTX thu 'vàng' từ bưởi đỏ Tân Lạc

Quả bưởi đỏ Tân Lạc đã và đang là sản phẩm chủ lực mang lại nguồn thu chính cho HTX Bình Minh, giúp các thành viên HTX và nông hộ tại xã Thanh Hối (huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) thoát nghèo, một số hộ thậm chí còn giàu lên từ trồng bưởi.

Canh tác bưởi theo hướng hữu cơ mang lại chất lượng thơm ngon cho quả bưởi, đưa quả bưởi đỏ Tân Lạc đến với nhiều tỉnh, thành trong nước và đã được thị trường Anh quốc đón nhận.

HTX Dịch vụ tổng hợp và phát triển nông thôn Bình Minh được thành lập từ năm 2012 tại xóm Tân Tiến, xã Thanh Hối, huyện Tân Lạc, với nhiều ngành nghề, dịch vụ phục vụ cho hoạt động nông nghiệp của các thành viên.

Bưởi đỏ vỏ đẹp, tép ngon

Một trong những thế mạnh của HTX Bình Minh giúp các thành viên và nhiều nông hộ ở địa phương thoát nghèo, mang lại nguồn thu nhập ổn định là canh tác bưởi đỏ Tân Lạc.

Giám đốc Nguyễn Thị Oanh luôn trăn trở với việc giữ gìn và phát triển đặc sản bưởi đỏ.

Giới thiệu về đặc tính quả bưởi đỏ Tân Lạc, chị Nguyễn Thị Oanh - Giám đốc HTX cho biết: “Thiên nhiên vùng đất Tân Lạc đã ưu đãi cho chúng tôi một loại quả quý là bưởi đỏ. Giống bưởi phù hợp khí hậu địa hình miền đồi núi, dốc thoải. Cây bưởi đỏ trồng ở Tân Lạc có một hương vị đặc trưng không lẫn với bất kỳ giống bưởi nào. Vỏ ngoài màu vàng, ruột bên trong màu đỏ hồng, tép ráo, hương vị ngọt thanh, đặc biệt khi chín vàng tỏa hương thơm ngát”.

Năm 2017, bưởi đỏ Tân Lạc được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Đây là lợi thế lớn giúp bưởi Tân Lạc được nhiều người tiêu dùng biết và tin tưởng, có nhiều cơ hội thâm nhập vào thị trường trong và ngoài nước.

Theo chị Oanh, các thành viên HTX từng canh tác nhiều loại cây từ lúa đến rau màu, tuy nhiên xét tính kinh tế thì bưởi đỏ Tân Lạc cho hiệu quả cao hơn nhiều so với các loại khác. Chính vì vậy, bảo tồn và phát triển giống bưởi đỏ Tân Lạc là hướng đi lâu dài của HTX.

Anh Trần Văn Cường - thành viên HTX cho biết: “Trước đây, gia đình tôi có 2 ha trồng ngô, sắn, mía, bình quân mỗi ha trừ chi phí ban đầu, cho thu nhập mỗi năm khoảng 70 triệu đồng. Sau khi chuyển sang trồng bưởi đỏ Tân Lạc mấy năm nay, trừ mọi chi phí, mỗi ha bưởi mang lại thu nhập khoảng 200 triệu đồng/ha, cao gấp gần 3 lần với trồng các loại rau màu khác”.

Hiện, toàn HTX có 11 thành viên và hàng trăm hộ liên kết chuyên trồng bưởi, tổng diện tích canh tác khoảng 100 ha, gồm cả 35 ha bưởi sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP đáp ứng tiêu chí khắt khe của thị trường trong và ngoài nước, trong đó có thị trường EU.

Cụ thể, bưởi đỏ Tân Lạc của HTX Bình Minh qua kiểm tra chất lượng đạt yêu cầu kỹ thuật của 821 chỉ tiêu kiểm định về an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn của EU và Anh quốc.

Cuối năm 2022, hơn 5,4 tấn bưởi của HTX Bình Minh tương đương hơn 5.000 quả bưởi thông qua ký kết với Công ty CP Nông nghiệp hữu cơ FUSA đã được xuất khẩu sang thị trường Anh quốc. Với giá thu mua 20.000 đồng/quả, lần xuất khẩu đầu tiên đã mang về hơn 1 tỷ đồng cho HTX, lợi nhuận khoảng 400 triệu đồng.

Quy trình sản xuất được kiểm soát nghiêm ngặt

Gia đình chị Bùi Thị Vân - thành viên trồng bưởi giỏi của HTX, có 11 ha bưởi, bình quân mỗi năm cho thu nhập ngót nghét 1 tỷ đồng. Theo chị Vân, ngoài yếu tố hợp thổ nhưỡng, để tạo ra quả bưởi thực sự chất lượng, quy trình chăm sóc đóng vai trò quyết định.

Vấn đề đảm bảo đầu ra, câu chuyện tiêu thụ tại thị trường nội địa là nội dung luôn được Ban quản trị HTX hết sức chú tâm.

Để đưa được quả bưởi đỏ Tân Lạc sang thị trường Anh quốc, HTX đã nỗ lực rất nhiều trong quá trình canh tác đảm bảo yêu cầu khắt khe về chất lượng của thị trường này. Quy trình sản xuất được kiểm soát chặt chẽ trong từng công đoạn.

Chị Vân cho hay, người trồng bưởi muốn tạo sản phẩm tốt phải biết chọn từ cây giống thế nào cho chuẩn, phải mua giống ở những nơi sản xuất giống chuẩn, sạch bệnh.

Khâu xử lý đất, trước khi canh tác, xử lý thực bì, đào hố cũng cần đúng kỹ thuật. Theo đó, đất được phát dọn, làm sạch cỏ dại trước khi làm đất 1- 2 tháng. Thực bì không được đốt mà sử dụng làm vật liệu che phủ, giảm tình trạng gây xói mòn, rửa trôi đất, đặc biệt là ở vùng đồi dốc.

Khâu bón phân, giai đoạn nào dùng phân nào, tỷ lệ sao cho phù hợp phụ thuộc nhiều vào trình độ, kinh nghiệm của người canh tác, khả năng cập nhật ứng dụng công nghệ khoa học kỹ thuật vào quá trình canh tác.

Chị Vân “tiết lộ”, trồng bưởi muốn ngon, không nên dùng hoàn toàn phân hóa học mà trồng theo hướng hữu cơ là tốt nhất. Phân bón chủ yếu là phân chuồng ủ hoai mục, xử lý bằng chế phẩm sinh học. Phải biết quan sát kỹ quá trình sinh trưởng của cây, người trồng kinh nghiệm phải biết nhìn biểu hiện để biết cây ở giai đoạn nào cần bổ sung dưỡng chất gì.

“Nói chung, trồng bưởi theo hướng hữu cơ chú trọng phòng bệnh hơn chữa bệnh. Tất cả các loại thuốc bảo vệ thực vật đều có trong danh mục thuốc thảo mộc cho phép, hoặc sử dụng thuốc có nguồn gốc sinh học", Giám đốc Nguyễn Thị Oanh cho biết.

Ban quản trị HTX thường xuyên sát sao quy trình canh tác của các thành viên, hộ liên kết. Khi quan sát một cây có bệnh, HTX lập tức tổ chức khoanh vùng, xử lý gọn tại chỗ không để sâu bệnh lây lan.

Trong phòng trừ sâu hại ưu tiên các biện pháp thủ công, qua tập huấn, bằng kinh nghiệm sản xuất lâu năm, HTX tự chế ra các loại thuốc có tính kháng sinh cao mà không gây hại môi trường, không hại sức khỏe người phun.

Chẳng hạn thuốc trừ sâu chế từ gừng, tỏi, ớt giã nát rồi trộn với nhau phun định kỳ 2-3 lần/tháng tránh được rất nhiều loại sâu bệnh, tiết kiệm chi phí hơn nhiều so với dùng biện pháp xử lý khi dịch bệnh lan rộng; với một số sâu hại dùng các biện phá bắt, bẫy, dùng bả…

Kinh nghiệm lâu năm trồng bưởi, chị Vân chia sẻ: “Kẻ thù lớn của cây bưởi là giống ruồi vàng. Khi quả bưởi được khoảng 7 tháng, hương thơm bắt đầu lan tỏa chính là lúc thu hút ruồi vàng đến nhiều. Ban quản trị HTX chỉ đạo chúng tôi không dùng bất cứ thuốc hóa học nào diệt ruồi mà dùng một bình treo trong có chứa dung dịch sinh học tạo mùi tự nhiên, loại mùi này ruồi vàng ngửi thấy khó chịu nên tự động bay đi”.

Nhiều phương pháp phòng trừ sâu bệnh đơn giản, hữu hiệu khác được HTX áp dụng. Anh Trần Văn Hoàn - thành viên HTX cho hay, qua tập huấn, anh đã dùng nước vôi quét vào gốc cây giúp thân cây sạch, tránh được nhiều dịch bệnh.

Bưởi cũng là nơi trú ngụ lý tưởng của nhiều loại rệp, nhện đỏ, nhện xám, sâu vẽ bùa, nhện đen..., bà con dùng nước rửa bát pha với dung dịch khoáng tỷ lệ hợp lý bít lỗ thở của nhện đỏ, gây ngán ăn cho sâu bệnh, sâu bệnh bị tiêu diệt mà không gây hại cho người phun thuốc.

“Chúng tôi thường trêu nhau, nuôi lợn ăn cơm nằm, trồng bưởi chẳng khác nuôi tằm ăn cơm đứng. Chúng tôi chăm bưởi còn hơn chăm em bé, giai đoạn nào, tập trung làm tốt giai đoạn đó.

Chăm sóc kỹ, mất công chút, nhưng phòng được dịch hại cho cây, cây khỏe cho năng suất cao, thu nhập các thành viên ổn hơn. Nhà tôi có 3 ha bưởi mỗi năm cho thu hoạch cũng được ngót nghét 250-300 triệu đồng.

Trước đây, nhà tôi thuộc diện hộ cận nghèo, nay điều kiện sống dư dả hơn trước nhiều, trồng bưởi vất vả chút nhưng làm ra đồng tiền ngay tại quê nhà, không phải đi xa, cũng có động lực hơn”, anh Hoàn tâm sự.

Theo chị Oanh, làm ra quả bưởi ngon rồi khâu thu hoạch cũng được làm cẩn trọng. Bưởi được chọn xuất khẩu vỏ vàng đều, bóng nhẵn, đều tay, quả nào quả nấy kích cỡ sàn sàn từ 9 lạng đến 1kg.

Sau khi chọn lựa xong, bưởi được rửa, xử lý sạch sẽ, bọc bằng màng bọc thực phẩm rồi cho vào phòng lạnh để ở nhiệt độ 26 độ C nhằm giữ cho bưởi được tươi ngon lâu.

Năm nay, thời tiết không ủng hộ, quả bưởi nhỏ hơn tuy nhiên vẫn được chăm sóc theo quy trình nghiêm ngặt, quả bưởi đỏ Tân Lạc của HTX Bình Minh vẫn đủ điều kiện xuất đi nước ngoài.

“Giá bưởi năm nay cao hơn năm ngoái, thị trường bưởi chín sớm thời điểm này năm ngoái thương lái mua giá 5.000-7.000 đồng/quả, năm nay chúng tôi bán tại vườn cho bà con với giá khoảng 15.000 đồng/quả.

Với mặt hàng bưởi xuất khẩu, sắp tới doanh nghiệp sẽ cử người xuống kiểm định chất lượng, từ đó định giá và đặt số lượng thu mua cho bà con. Nếu công ty có nhu cầu thu mua 5.000-7.000 tấn, HTX vẫn đáp ứng được”, chị Oanh cho hay.

Hướng tới chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm

Cây bưởi đỏ Tân Lạc là giống bưởi có nhiều quả, bình quân một cây có thể cho hoạch 400-500 quả, cá biệt có cây sai tới 700, thậm chí 900 quả.

HTX hướng tới đầu tư nhà lạnh để bảo quản sản phẩm được tươi ngon, kéo dài thời gian tiêu thụ.

Chính vì vậy, đến mùa thu hoạch rộ, sản lượng rất lớn, nhưng lượng bưởi XK mới chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số bưởi thành phẩm.

Có những thời điểm bưởi dư thừa bán không hết, giá thương lái mua sụt giảm nghiêm trọng. Năm 2020-2012, khi đại dịch Covid-19 hoành hành, thương lái không vào được làng thu mua, người trồng bưởi cũng không mang hàng đi bán được, bưởi ế chất hàng đống ven đường.

“Nhìn đống bưởi thơm ngon, ngọt nước vứt la liệt khắp vệ đường mà lòng tôi quặn thắt, bao công chăm bón 4 năm cây mới cho thu hoạch, mỗi năm chỉ 1 vụ, bưởi ngon mà phải vứt bỏ, quá lãng phí, xót xa cho công sức bà con. Hai năm Covid, bà con trồng bưởi thất thu hàng tỷ đồng”, chị Oanh kể.

Làm gi để bà con Tân Lạc một lòng với cây bưởi, không phá vườn khi giá cả “xuống đáy”, phải giải được bài toán thiết thực này thì cây bưởi mới trở thành cây chủ lực gắn bó với bà con lâu dài.

Chính vì vậy, vấn đề đảm bảo đầu ra, câu chuyện tiêu thụ tại thị trường nội địa là nội dung luôn được chị Oanh cũng như Ban quản trị HTX hết sức chú tâm.

Nếu như xuất khẩu giá bán cao hơn so với thị trường nội địa, đem lại hiệu kinh tế tốt hơn nhưng thực tế tỷ trọng xuất khẩu còn quá ít so với tổng sản lượng hàng chục ngàn tấn mỗi năm.

HTX xác định thị trường nội địa vẫn là kênh tiêu thụ chính, bên cạnh kênh thương lái tìm vào vườn, chị Oanh đã sắp xếp các chuyến đi đến các tỉnh, thành để “chào hàng”, tìm đối tác tiêu thụ quả bưởi quý.

Nhiều năm cất công đi tìm bạn hàng, giờ đây bưởi đỏ của HTX Bình Minh đã thâm nhập vào thị trường một số tỉnh thành như Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Vĩnh Phúc… một số chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, một vài siêu thị và cửa hàng tiện ích tại các chung cư tại Hà Nội. Bên cạnh đó, nữ giám đốc HTX còn tranh thủ tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm.

Theo chị Oanh, tới đây, HTX tiếp tục mở rộng vùng trồng bưởi phục vụ xuất khẩu đồng thời phát triển thị trường nội địa. Đặc biệt, HTX tăng cường tập huấn kỹ thuật canh tác để giúp bà con chăm bón hiệu quả, nâng cao chất lượng quả bưởi, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

HTX còn hướng tới đầu tư nhà lạnh để bảo quản sản phẩm được tươi ngon, kéo dài thời gian tiêu thụ. Bên cạnh đó, HTX còn định hướng đầu tư cơ sở chế biến sản phẩm tươi thành các thành phẩm đa dạng như: tinh dầu bưởi, mứt bưởi, rượu bưởi… để nâng cao giá trị sản phẩm, tận thu hết lượng lớn sản phẩm của bà con trong mỗi mùa vụ để tránh tồn đọng, để các thành viên, hộ liên kết yên tâm tập trung sản xuất.

Định hướng phát triển của HTX còn nhiều ý tưởng gợi mở, tuy nhiên thực tế nguồn kinh phí, quỹ đất còn eo hẹp, dù đã được các cấp ban ngành, Liên minh HTX tỉnh hết sức tạo điều kiện hỗ trợ HTX thông qua các dự án, chương trình cho vay vốn, các chương trình xúc tiến thương mại, các lớp tập huấn…

Vì vậy, HTX mong muốn chính quyền địa phương, Liên minh HTX tỉnh thông qua cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện sâu hơn để các HTX nói chung, HTX Bình Minh nói riêng có điều kiện hoạt động hiệu quả, tăng tỷ trọng bưởi xuất khẩu, mở rộng thị trường.

Đặc biệt, HTX rất cần được hỗ trợ quỹ đất để xây dựng kho bãi, có thêm nguồn vốn đầu tư chế biến sâu sản phẩm, nâng cao giá trị giúp bà con tăng thu nhập, làm giàu từ cây bưởi, từ đó gắn bó, phát triển, bảo tồn được giống bưởi đỏ đặc sản của địa phương.

Thu Hường

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/htx-thu-vang-tu-buoi-do-tan-lac-1095798.html