Hợp lực gỡ thẻ vàng EC

Với quyết tâm chính trị cao nhất, Kiên Giang đang cùng cả nước triển khai đồng bộ nhiều giải pháp với mục tiêu sớm gỡ cảnh báo thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản của Việt Nam, hướng tới tái cơ cấu ngành khai thác thủy sản theo hướng bền vững.

SIẾT CHẶT QUẢN LÝ TÀU CÁ

Sau gần7 năm kể từ ngày Ủy ban châu Âu áp cảnh báo thẻ vàng đối với thủy sản của Việt Nam, với trách nhiệm của một trong những tỉnh có đội tàu lớn nhất cả nước, Kiên Giang có nhiều nỗ lực gỡ thẻ vàng.

Tỉnh tăng cường công tác quản lý đội tàu; kiểm soát sản lượng thủy sản qua cảng và chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trên biển, ngăn chặn kịp thời các hành vi khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), hành vi đưa tàu đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Đoàn công tác Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU tỉnh thăm hỏi ngư dân Kiên Giang đang hoạt động khai thác thủy sản tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tình hình chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực hơn trước. Nhận thức của ngư dân về các quy định của pháp luật về khai thác thủy sản, các quy định chống khai thác IUU ngày càng được nâng cao.

Công tác quản lý tàu cá của tỉnh có sự thay đổi tích cực, Chi cục Thủy sản tỉnh tích cực phối hợp các địa phương rà soát, thống kê lại số tàu cá trên từng địa bàn. Ủy ban nhân dân tỉnh ra chủ trương cho phép đăng ký mới đối với những tàu đóng mới chưa đăng ký, đăng kiểm để đưa vào quản lý theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đồng thời thực hiện xóa đăng ký đối với những tàu cá không còn hoạt động.

Ngư dân bốc dỡ thủy sản tại cảng cá Tắc Cậu (Châu Thành).

Đến tháng 11-2023, toàn tỉnh có 8.212 tàu cá đã đăng ký; trong đó, có 7.834 tàu cá được cấp giấy phép khai thác, 100% tàu cá thực hiện đánh dấu tàu cá khi thực hiện thủ tục đăng ký, đăng kiểm, cấp phép khai thác thủy sản theo quy định. Tỉnh hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho 100% tàu cá thuộc diện buộc phải lắp đặt, thực hiện theo dõi quản lý vị trí tàu thông qua hệ thống giám sát hành trình.

Ông Ngô Văn Lâm - Giám đốc Ban Quản lý cảng cá tỉnh cho biết việc kiểm tra, kiểm soát tàu cá tại cảng cá chỉ định là nội dung trọng tâm trong thực hiện khuyến nghị của EC. Ban Quản lý cảng cá tỉnh đặc biệt quan tâm công tác giám sát sản lượng thủy sản qua cảng.

Tại cảng cá Tắc Cậu (Châu Thành), Ban Quản lý cảng cá tỉnh bố trí 14 cán bộ làm nhiệm vụ giám sát 100% sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng. Riêng cảng cá An Thới (TP. Phú Quốc), do lượng tàu cập cảng ít hơn nên bố trí 6 cán bộ đảm bảo giám sát suốt quá trình tàu cá hoạt động tại cảng.

Tàu cá cập cảng cá An Thới (TP. Phú Quốc).

Ban Quản lý cảng cá tỉnh xây dựng quy trình giám sát sản lượng tại cảng để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được tốt nhất. Đơn vị còn phối hợp lực lượng biên phòng kiểm soát chặt chẽ tàu cá ra, vào cảng, kiểm tra 100% tàu cá trên 15m cập cảng cá, kiên quyết xử lý nghiêm đối với những tàu cá không đủ giấy tờ pháp lý hoặc có hành vi khai thác IUU.

Đồng chí Cô Hồng Khởi - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư tỉnh cho biết bên cạnh việc sắp xếp, quản lý lại đội tàu, Kiên Giang đẩy mạnh công tác thực thi pháp luật trên biển thông qua việc tăng cường mở các đợt tuần tra, kiểm soát xử lý các hành vi khai thác IUU.

Năm 2023, các lực lượng chức năng của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, biên phòng, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, Hải đoàn Biên phòng 28 (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) đã xử lý trên 470 vụ, số tiền xử phạt trên 13 tỷ đồng. Qua công tác xử lý, hiện số trường hợp vi phạm khai thác thủy sản giảm rõ rệt.

Những hành vi vi phạm khai thác thủy sản, sử dụng các công cụ mang tính chất hủy diệt nguồn lợi thủy sản giảm trên 50%. Hành vi đưa tàu đi khai thác vùng biển nước ngoài năm 2017 tỉnh có 232 trường hợp vi phạm; năm 2023, tỉnh còn 17 trường hợp vi phạm, 26 tàu bị bắt.

QUYẾT TÂM GỠ THẺ VÀNG

Việc EC đưa cảnh báo thẻ vàng đối với thủy sản Việt Nam đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành thủy sản và đời sống của ngư dân, ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước. Thẳng thắn nhìn nhận vấn đề thực tế tại địa bàn tỉnh, đồng chí Lê Quốc Anh - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cho biết tỉnh đã làm hết sức để ngăn chặn tình trạng khai thác IUU, song đến nay tỉnh vẫn còn tàu cá vi phạm khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Giải pháp trọng tâm trong thời gian tới của tỉnh là tiếp tục tăng cường công tác thực thi pháp luật, quyết tâm chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm khai thác IUU. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các địa phương tổng kiểm tra, rà soát toàn bộ số lượng tàu cá trên địa bàn bao gồm tàu cá đang hoạt động ngoài tỉnh, tàu hết hạn đăng ký, đăng kiểm, cấp phép; tàu đã chuyển nhượng, mua bán, xóa đăng ký; tàu chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.

Nhận thức của ngư dân là một trong những yếu tố quyết định việc gỡ thẻ vàng EC, do đó Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác thông tin, phổ biến pháp luật, tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành nghiêm các quy định về chống khai thác IUU.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, các lực lượng chức năng tỉnh phối hợp lực lượng chức năng Trung ương đóng trên địa bàn, các tỉnh bạn tăng cường công tác thực thi pháp luật, thường xuyên mở các đợt tuần tra, kiểm tra trên biển, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm.

Công an tỉnh tiếp tục theo dõi, nắm chặt diễn biến tình hình và củng cố các hồ sơ khai thác IUU, khi có đủ điều kiện phải khởi tố theo quy định của pháp luật. Tỉnh gắn việc xử lý vi phạm với công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Bài và ảnh: THÙY TRANG

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/trong-tinh/hop-luc-go-the-vang-ec-19030.html