HỒN XUÂN TRONG NÉT CHỮ

Trong những năm gần đây, việc treo một bức thư pháp trong nhà nhân dịp tết đến xuân về không còn lạ đối với người dân Việt Nam, môn nghệ thuật thư pháp đã thu hút một bộ phận giới trẻ đam mê theo đuổi và phát triển, nét chữ hồn xuân là một phong tục truyền thống, vẻ đẹp văn hóa dân tộc.

Ảnh minh họa.

Năm nào cũng vậy, khoảng hai mươi tháng chạp, mọi người lại xúng xính rủ nhau đi phố Ông Đồ ở Cung văn hóa lao động Thành phố Hồ Chí Minh, bên cạnh nhà văn hóa Thanh Niên, phần đông là các bạn trẻ. Người thì chiêm ngưỡng chọn những tác phẩm thư pháp đúng nghĩa để làm quà tặng năm mới cho người thân, bạn bè. Người đi xin chữ như xin một thứ phúc lộc may mắn, nét chữ xin được thể hiện lời chúc của người viết hoặc mong ước của người xin, thường là sự an lành, may mắn, thành công, đỗ đạt, con cháu đầy nhà.

Nét chữ đầu xuân không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật đẹp mà còn mang cả linh hồn người viết và người xin chữ, cái thanh tao, nho nhã của văn hóa chơi chữ như gói gọn vào niềm tin cho một năm mới cát tường như ý. Các câu lạc bộ thư pháp và tranh trang trí trong những năm gần đây cũng bắt đầu ra đời, không chỉ trong khuôn khổ giấy trắng mực đen mà được sáng tạo thêm trên nhiều chất liệu và thể thức khác nhau như gỗ, đá, lá cây, gốm sứ, vải, áo dài... mang lại sự đa dạng và thú vị cho các sản phẩm thư pháp. Ngoài chữ thuần túy còn kết hợp tranh ảnh, vật dụng trang trí với nét đẹp sáng tạo mới.

Hiện nay, thư pháp chữ Việt có năm kiểu chữ chính: chữ chân phương, chữ cách điệu, chữ cá biệt (cuồng thảo), chữ mô phỏng, chữ mộc bản. Nhìn chung, đều có tính biểu cảm, xuất phát từ bản tính người Việt trọng tình cảm, hiếu hòa nên ít có những nét mạnh mẽ, cứng nhắc mà là nét bút khoan thai, bay bướm. Bên cạnh đó còn là tính linh hoạt không câu nệ khuôn sáo, nhấn mạnh một từ hay một ngữ trong câu mang nghĩa khái quát hay mượn nét ký tự giống nhau làm một.

Ba mẹ tôi cũng thích dạo phố Ông Đồ ngày cuối năm, tận hưởng không khí giao niên đón chào năm mới và trên tay luôn có những bức thư pháp mang về nhà. Không chỉ có người Việt mới yêu thích thú chơi tao nhã này, từ lâu những vị khách nước ngoài đến du lịch Việt Nam cũng rất say mê từng nét bút, nó thể hiện phong cách, dấu ấn và cả trình độ thẩm mỹ của người tạo ra nó trong không khí xuân rộn ràng. Sức hấp dẫn của phố Ông Đồ cho thấy sự trở lại của bộ môn nghệ thuật vang bóng một thời.

Khi bắt đầu hiểu biết về thư pháp, tôi và các bạn cũng hẹn du xuân phố Ông Đồ cùng tham quan, tìm hiểu các gian hàng thư pháp. Ấn tượng để lại trong chúng tôi là sự đa dạng, thể thức thể hiện của thư pháp, những ông Đồ tuy tuổi đời còn rất trẻ nhưng bút tích tinh xảo, mỗi gian hàng một phong cách, một điểm nhấn và nét thú vị riêng.

Những tác phẩm thư pháp mang lại giá trị nghệ thuật cao, được công chúng yêu quý và xác lập kỷ lục như cuốn thư pháp kỷ lục về Truyện Kiều dài ba trăm mét, cuốn thư pháp thơ Lục Vân Tiên dài một trăm hai mươi mét, cuốn thư pháp gỗ về Tuyên ngôn độc lập nặng bốn trăm ki lô gam... đã đánh dấu chặng đường mới của môn nghệ thuật này, khẳng định chỗ đứng trong lòng người dân Việt.

Năm mới tết đến, việc treo một bức thư pháp trong nhà, ngoài ý nghĩa thêm xuân còn mang ý nghĩa văn hóa cao đẹp, lưu giữ giá trị truyền thống một thời của cha ông. Thổi hồn xuân vào trong nét chữ.

NGUYỄN LÊ ÁI NGỌC

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/van-hoa-the-thao/hon-xuan-trong-net-chu-34118.html