Hớn Quản vững bước đi lên

Thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 11-8-2009 của Chính phủ, huyện Hớn Quản chính thức được tái lập từ 1-11-2009. Sau 13 năm, bức tranh kinh tế - xã hội của huyện Hớn Quản có nhiều mảng sáng và điểm nhấn tích cực. Huyện đã phát huy tiềm năng, thế mạnh về vị trí, đất đai, nguồn nhân lực để đạt được những thành tựu ban đầu, làm tiền đề cho sự phát triển trong tương lai.

Những dấu ấn quan trọng của Hớn Quản kể từ ngày tái lập đến nay phải nói đến tốc độ phát triển kinh tế vượt bậc, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo đạt hiệu quả cao.

Những gam màu sáng

Từ ngày tái lập đến nay, huyện Hớn Quản luôn đạt mức tăng trưởng kinh tế trung bình hằng năm hơn 12%. Cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch mạnh mẽ, hiện tỷ trọng nông nghiệp giảm còn dưới 50%, công nghiệp, xây dựng và dịch vụ trên 50%. Thu ngân sách luôn đạt và vượt chỉ tiêu, riêng 9 tháng năm 2022 thực hiện hơn 504 tỷ đồng, đạt 150% dự toán tỉnh giao. Thu nhập bình quân đầu người hơn 66 triệu đồng/năm. Cơ sở hạ tầng giao thông đã được đầu tư cơ bản và kết nối liên xã, liên huyện và về tỉnh. Riêng 9 tháng năm 2022, huyện đã huy động hơn 642 tỷ đồng để thực hiện đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Hớn Quản ngày nay đã có nhiều đổi thay với cơ sở hạ tầng được đầu tư ngày càng khang trang, hiện đại - Trong ảnh: Đường vào trung tâm hành chính huyện Hớn Quản

Trong kinh tế nông nghiệp, huyện định hướng tăng cường ứng dụng khoa học - kỹ thuật, liên kết tập trung và ưu tiên phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hiện nay, toàn huyện có 249 trang trại, 33 tổ hợp tác, 24 hợp tác xã, trong đó rất nhiều mô hình đã đầu tư theo hướng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ đem lại hiệu quả kinh tế và nâng cao giá trị nông sản.

Về phát triển công nghiệp, huyện phối hợp các ngành liên quan của tỉnh đang triển khai đầu tư xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng 3 khu công nghiệp (KCN), gồm: KCN Tân Khai II, KCN Minh Hưng - Sikico và KCN Việt Kiều. Bước đầu, các KCN đã thu hút một số dự án đến đầu tư. Về thương mại, dịch vụ, trên địa bàn huyện có hơn 200 doanh nghiệp hoạt động, chủ yếu trong ngành nghề nông nghiệp, xây dựng, chế biến gỗ, sản xuất phân bón, thức ăn chăn nuôi, chế biến nông sản, bán buôn, đạt giá trị hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm.

Trung tâm hành chính huyện Hớn Quản

Trung tâm hành chính huyện Hớn Quản

Cùng với phát triển kinh tế, lĩnh vực xã hội cũng được huyện quan tâm chú trọng. Hệ thống trường học không ngừng được đầu tư khang trang, đến nay 5/33 trường học trên địa bàn đạt chuẩn quốc gia. Mạng lưới y tế, cơ sở vật chất, trang thiết bị tiếp tục được đầu tư, đáp ứng tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn. Các chính sách an sinh xã hội được đảm bảo; hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục thể thao thường xuyên được tổ chức, góp phần xây dựng đời sống tinh thần nhân dân ngày càng phong phú, lành mạnh.

“Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, Hớn Quản sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa để đưa kinh tế - xã hội của huyện ngày càng phát triển. Đảng bộ và chính quyền các cấp trên dưới một lòng phấn đấu xây dựng Hớn Quản phát triển trên tất cả các mặt, lĩnh vực để nâng cao đời sống nhân dân, xứng đáng với sự kỳ vọng của các thế hệ lãnh đạo và niềm tin của nhân dân”.

Chủ tịch UBND huyện Hớn Quản PHAN THỊ KIM OANH

Phấn đấu đạt huyện nông thôn mới năm 2025

Về xã Minh Đức những ngày này, trên khắp ngả đường, đi đến đâu cũng dễ dàng bắt gặp những công trình đang gấp rút thi công để chuẩn bị đưa xã về đích nông thôn mới (NTM) trong năm 2022. Theo kế hoạch, năm nay xã Minh Đức được đầu tư 20 công trình, chủ yếu là nâng cấp, mở rộng, làm mới các tuyến đường giao thông nông thôn, với tổng vốn hơn 30 tỷ đồng. Hiện nhiều công trình cơ bản hoàn thành, chuẩn bị nghiệm thu, bàn giao.

Còn Thanh Bình sau khi đạt xã NTM năm 2016, đã được đầu tư thêm hơn 54 tỷ đồng để hoàn thành 14 tiêu chí NTM nâng cao và được công nhận vào năm 2021. Đến nay, trên địa bàn xã đã kiên cố hóa 100% tuyến đường. Bên cạnh đó, các ban, ngành, đoàn thể cùng nhân dân xây dựng được rất nhiều tuyến đường “sáng, xanh, sạch, đẹp”.

Khu công nghiệp Minh Hưng - Sikico trên địa bàn Hớn Quản đang thu hút các nhà đầu tư

Khu công nghiệp Minh Hưng - Sikico trên địa bàn Hớn Quản đang thu hút các nhà đầu tư

“Các tiêu chí về y tế, trường học, nơi làm việc được củng cố; đời sống văn hóa, tinh thần người dân được quan tâm đầu tư; nhà văn hóa được sửa sang xây dựng lại, các thiết chế bên trong đã được đầu tư theo tiêu chí NTM nâng cao, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí cho người dân” - ông Lê Đình Vân, Chủ tịch UBND xã Thanh Bình cho biết.

Với sự đầu tư hàng ngàn tỷ đồng từ nhiều nguồn lực cùng sự chung tay góp sức của các tầng lớp nhân dân, tính đến hết năm 2022, khi xã Minh Đức về đích NTM, huyện Hớn Quản có 10 xã đạt chuẩn NTM và 1 xã đạt NTM nâng cao. Trên cơ sở này, Hớn Quản quyết tâm xây dựng trở thành huyện NTM vào năm 2025.

Chú trọng giảm nghèo bền vững

Nhiều năm qua, Huyện ủy Hớn Quản xác định công tác giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm, nhất quán, thường xuyên trong quá trình xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Giảm nghèo bền vững là 1 trong 5 kế hoạch, đề án được Huyện ủy đưa vào Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025.

Mô hình trồng chuối ứng dụng công nghệ cao ở xã Tân Hưng, huyện Hớn Quản

Mô hình trồng chuối ứng dụng công nghệ cao ở xã Tân Hưng, huyện Hớn Quản

Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Quách Thị Ánh cho biết: “Hớn Quản xuất phát điểm là huyện điều kiện kinh tế khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo còn nhiều, đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Bên cạnh đó, giảm nghèo là nhiệm vụ khó khăn, đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, trong khi ngân sách nhà nước khó có thể đảm đương hết, cần có sự vào cuộc, chung tay của cả hệ thống chính trị. Xuất phát từ thực tế đó, Ban Thường vụ Huyện ủy đã bàn bạc, cho chủ trương phân công mỗi cấp ủy viên, đảng viên phụ trách hỗ trợ 1 hộ nghèo nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và huy động tối đa các nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững”.

Hớn Quản đang hình thành những khu đô thị mới

Hớn Quản đang hình thành những khu đô thị mới

Thực hiện chủ trương này, mỗi năm hàng trăm cấp ủy viên, hàng ngàn đảng viên ở các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Huyện ủy Hớn Quản đã tham gia công tác giảm nghèo. Các cấp ủy viên, đảng viên tập trung tuyên truyền, vận động hộ nghèo thay đổi nhận thức, nỗ lực vươn lên thoát nghèo; đồng thời tranh thủ vận động các nguồn lực cùng Nhà nước tiếp sức hộ nghèo. Cách làm này đã tạo sự gắn kết trách nhiệm của đảng viên với cộng đồng dân cư, góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và đặc biệt mỗi năm, hàng trăm hộ đã thoát nghèo và có sinh kế bền vững.

Hớn Quản đặt mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định; đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, thương mại - dịch vụ; sớm hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật để đưa các KCN đi vào hoạt động; ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô trang trại. Tranh thủ tối đa nguồn lực cho đầu tư kết cấu hạ tầng; ưu tiên các dự án giao thông kết nối, tạo động lực phát triển cho huyện. Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống địa phương; coi trọng giáo dục - đào tạo. Quan tâm củng cố hệ thống y tế, nhất là ở cơ sở. Tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập, nâng cao mức sống người dân.

Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Hớn Quản QUÁCH THỊ ÁNH

Về Hớn Quản hôm nay, có thể nhận thấy sự đổi thay rõ nét của một huyện đang phát triển vững bước đi lên. Nhiều nhà cao tầng khang trang mọc lên, nhiều khu dân cư, đô thị đang dần được hình thành cùng với đó là màu xanh bạt ngàn của các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, nông thôn mới đã về khắp các thôn, ấp đem đến cho Hớn Quản một diện mạo mới. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hớn Quản đã và đang phát huy truyền thống cách mạng, tiềm năng, thế mạnh của địa phương, khơi dậy sức dân và khát vọng vươn lên, xây dựng Hớn Quản ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Thanh Lâm

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/32/138355/hon-quan-vung-buoc-di-len