Hơn 80% cơ sở y tế chưa triển khai kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử

Theo Thông tư 27/2021/TT-BYT của Bộ Y tế, ngày 30/6/2023 là hạn cuối cùng cho các cơ sở y tế khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc triển khai kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có khoảng 20% các cơ sở y tế, trong đó chủ yếu là đơn vị công lập thực hiện.

Tập huấn cho các cơ sở y tế về kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử.

Hiệu quả của kê đơn bằng hình thức điện tử

Theo báo cáo của Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế về việc thực hiện chỉ thị 23/CT-TTG quản lý cơ sở bán lẻ thuốc, hiện cả nước có khoảng 68 nghìn cơ sở bán lẻ thuốc và tất cả đều đã có phần mềm quản lý, tuy nhiên việc quản lý bán thuốc theo đơn hiện nay còn gặp nhiều thách thức.

Tính xác minh, chính xác của mỗi đơn thuốc giấy người bệnh mang tới cơ sở bán lẻ thuốc là rất khó xác định. Với mỗi đơn thuốc được kê, người bệnh có thể đi mua ở nhiều nơi, nhiều lần khác nhau vì các nhà thuốc không thể nắm được đơn thuốc ấy đã được bán rồi hay chưa bán toàn phần hay một phần.

Người dân vẫn còn hiện tượng mượn đơn thuốc của nhau để tự điều trị cho mình, thay vì đi khám bệnh hoặc tự ý ra mua thuốc phải kê đơn mà không cần đơn.

Để quản lý tình trạng bán thuốc không có đơn của bác sĩ, Bộ Y tế đã xây dựng đề án từ năm 2019 và thí điểm thành công việc vận hành Hệ thống thông tin quốc gia về quản lý kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn, đưa các ứng dụng công nghệ vào quản lý.

Trên cơ sở đó Bộ Y tế ban hành Thông tư 27/2021/TT-BYT Quy định kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử và Thông tư 04/2022/TT-BYT sửa đổi mẫu đơn thuốc ngoại trú đáp ứng yêu cầu. Bộ y tế cũng đã ban hành Quyết định 808/QĐ-BYT ngày 1/4/2022 về việc Ban hành Tài liệu hướng dẫn kết nối với hệ thống kết nối với hệ thống thông tin quốc gia về quản lý kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn đối với các cơ sở khám chữa bệnh và cơ sở cung ứng thuốc để các cơ sở liên thông đơn thuốc về hệ thống.

Đây là hệ thống tiếp nhận lưu giữ báo cáo đơn thuốc điện tử được kê từ phần mềm của các cơ sở khám chữa bệnh và thông qua người bệnh đơn thuốc được chia sẻ tới phần mềm quản lý cơ sở bán lẻ thuốc. Sau khi thực hiện bán, cấp phát thuốc cho người bệnh, phần mềm quản lý cơ sở bán lẻ thuốc gửi báo cáo số lượng đã bán về hệ thống để lưu giữ.

Việc triển khai bán thuốc bằng đơn thuốc điện tử từ cơ sở dữ liệu đơn thuốc quốc gia sẽ giúp các cơ sở bán lẻ thuốc thực hiện việc bán thuốc theo đơn, bảo đảm bán đúng đủ và tránh tái bán hay bán thuốc không đơn. Mã đơn thuốc mà người bệnh mang tới cơ sở bán lẻ thuốc là đường dẫn để cơ sở bán lẻ gọi dữ liệu từ kho dữ liệu quốc gia đơn thuốc về thực hiện bán hàng.

Hệ thống thông tin quốc gia về quản lý kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn sẽ tự tạo ra cảnh báo đơn đã bán hết số lượng, đơn quá hạn (kể từ khi kê đơn 5 ngày) để cơ sở bán lẻ thuốc tránh bán thuốc không đơn. Hình ảnh đơn thuốc ở thời điểm bán sẽ được lưu giữ làm bằng chứng cho cơ sở bán lẻ thuốc tại phần mềm cơ sở đáp ứng thanh kiểm tra.

Các cơ sở khám chữa bệnh, nếu chưa đăng ký bán lẻ thuốc đạt chuẩn sẽ không thực hiện được việc bán thuốc.

Theo Bộ Y tế, việc triển khai hệ thống khép kín trên phạm vi toàn quốc sẽ thực hiện được việc bán thuốc theo đơn đúng và chính xác, tránh việc mua thuốc tràn lan bừa bãi tự làm bác sĩ và đại dịch nhờn thuốc đang diễn ra, từng bước tiến tới bệnh viện không giấy tờ, phục vụ người dân ngày một tốt hơn.

Điều này cũng thúc đẩy người bệnh đi khám bệnh nhiều hơn ở mỗi cơ sở khám chữa bệnh.

Đối với nhà quản lý hệ thống còn có công năng hỗ trợ trong việc thanh kiểm tra giám sát hoạt động hành nghề, quản lý khối người hành nghề, cơ sở hành nghề trên môi trường điện tử một cách chi tiết. Tiến tới mang lại các trình thống kê về bệnh học về khả năng sử dụng thuốc của mỗi địa phương.

Theo báo cáo thống kê từ các sở y tế trên toàn quốc, tới thời điểm này mỗi Sở Y tế trung bình đã liên thông khoảng 700.000 đơn thuốc, kho đơn thuốc quốc gia đã quản lý hơn 40 triệu đơn thuốc được kê gửi về. Chủ yếu khối đơn thuốc này được gửi về từ các bệnh viện công lập (bệnh viện hạng 3 trở lên).

Đặc biệt, đã có hàng trăm nghìn đơn thuốc được bán gửi báo cáo về hệ thống từ phần mềm của các cơ sở bán lẻ thuốc trên phạm vi toàn quốc.

Việc bán thuốc theo đơn thuốc điện tử sẽ giúp các nhà thuốc tiết kiệm 3-6 phút cho một lần kê đơn, bán thuốc.

Toàn bộ hệ thống này, là hệ thống tiếp nhận báo cáo từ các phần mềm của các cơ sở khám chữa bệnh và chia sẻ tới phần mềm của cơ sở bán lẻ thuốc vì vậy không gây ảnh hưởng gì cho người hành nghề y và dược trong quá trình thăm khám hay bán, cấp thuốc cho bệnh nhân.

Đơn thuốc điện tử quản lý được số lượng thuốc đã được bán ra.

Theo thông tin từ Công ty cổ phần Mạng y tế cộng đồng, hệ thống này được đơn vị tài trợ trao tặng bộ hoàn toàn miễn phí bao gồm cả chi phí vận hành trong 5 năm tiếp theo (kể từ ngày 31/12/2022). Hệ thống đã được Bộ Y tế hoàn tất thủ tục xác lập tài sản công sở hữu toàn dân. Vì vậy, có thể khẳng định đây là hệ thống không tốn kém chi phí đầu tư của Bộ Y tế, cơ sở y tế, người dân.

Công tác triển khai còn chậm trễ do đâu?

Theo Thông tư 04/2022/TT-BYT ban hành ngày 12/7/2022, Bộ Y tế quy định lộ trình đến 31/12/2022 các bệnh viện từ hạng 3 trở lên phải thực hiện kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử; đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác phải hoàn thành trước ngày 30/6/2023.

Tuy nhiên, tới thời điểm này, theo thống kê từ các Sở Y tế, hiện chủ yếu mới có các bệnh viện hạng 3 trở lên thực hiện liên thông và khối các trạm y tế xã phường với khoảng gần 14 nghìn cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc thực hiện liên thông.

Theo khảo sát của chúng tôi với một số Sở Y tế, từ tháng 1/2023 đến nay, toàn bộ số đơn đã liên thông hệ thống khoảng hơn 40 triệu đơn. Trong khi đó, ước tính, mỗi năm, các cơ sở y tế trên toàn quốc kê khoảng 400-500 triệu đơn thuốc (bao gồm cả công lập và tư nhân). Như vậy, con số 40 triệu đơn trong nửa năm qua được cập nhật lên hệ thống là còn quá ít, mới chỉ liên thông khoảng 20% số đơn theo thực tế, chủ yếu là từ các bệnh viện công lập từ hạng 3 trở lên.

Hiện Việt Nam có khoảng hơn 60 nghìn cơ sở khám chữa bệnh, tức là chúng ta mới có gần 1/3 số cơ sở thực hiện liên thông đơn thuốc. Ngay kể cả các cơ sở đã liên thông đơn thuốc về hệ thống, việc triển khai gửi đơn đầy đủ đúng quy định vẫn chưa đầy đủ, nhiều cơ sở liên thông “làm vì”. Việc xử phạt trong lĩnh vực này còn khá nhẹ.

Chu trình kết nối liên thông việc bán thuốc theo đơn.

Khảo sát của chúng tôi với nhiều cơ sở khám chữa bệnh tư nhân, nhà thuốc trên địa bàn một số tỉnh cho thấy các cơ sở vẫn chưa biết gì về các quy định này của ngành y tế hoặc nếu có biết thì vẫn còn chần chừ triển khai.

Hiệu quả kê đơn thuốc điện tử rất rõ ràng trong cả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế. Đây là một việc làm rất tốt của Bộ Y tế, thực hiện đúng chủ trương của Đảng và Chính phủ nhưng vẫn chưa được triển khai đồng bộ. Hy vọng có thêm những tác động mạnh mẽ nữa của cơ quan quản lý nhà nước để hệ thống đi vào cuộc sống và thật sự việc triển khai bán thuốc theo đơn được thực hiện hiệu quả nhằm nâng cao đời sống sức khỏe cho người dân.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/hon-80-co-so-y-te-chua-trien-khai-ke-don-thuoc-bang-hinh-thuc-dien-tu-post760706.html