Hơn 5 tỷ USD nâng cao tốc độ đường sắt Bắc - Nam

Tổng mức đầu tư của "phương án cơ sở" là 3,96 tỷ USD, trong khi mức đầu tư của "phương án cao" là 5,15 tỷ USD.

Báo Tuổi trẻ đưa tin, đó là một trong những nội dung được Cục Đường sắt VN nêu rõ trong công bố quy hoạch chi tiết hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc Nam dài 1.726 km từ ga Hà Nội đến ga Sài Gòn.

Đơn vị tư vấn cho biết các nhóm giải pháp về hạ tầng, phương tiện khai thác đến năm 2020 gồm cải tạo các nút cổ chai trên tuyến đường xây hầm Khe Nét, hầm Hải Vân, di dời ga Đà Nẵng ra khỏi TP, nâng cấp cải tạo cầu yếu, mua 14 đầu máy kéo tàu khách, 24 đầu máy kéo tàu hàng.

Đường sắt cao tốc Bắc - Nam: Đừng làm theo cách lãng phí

Sau năm 2020 đến 2030, trên cơ sở kế thừa các giải pháp của “phương án cơ sở” sẽ đầu tư thực hiện tiếp các giải pháp để đạt “phương án cao”.

Theo đơn vị tư vấn, tổng mức đầu tư của “phương án cơ sở” là 3,96 tỷ USD. Tổng mức đầu tư của “phương án cao” là khoảng 5,15 tỷ USD. Đến năm 2020, tốc độ bình quân tàu khách là 95,7 km/h, tàu hàng là 63,1 km/h.

Bộ GTVT sẽ sử dụng nguồn vốn đầu tư từ vốn ngân sách, vốn trái phiếu, ODA, BOT (đầu tư, kinh doanh, chuyển giao), BT (đầu tư, chuyển giao) hoặc vốn từ các doanh nghiệp tư nhân kinh doanh khai thác vận tải.

Trước đó, báo VnExpress đưa tin, tại cuộc họp Bộ GTVT ngày 2/6, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã yêu cầu các cơ quan chức năng triển khai kế hoạch Chiến lược phát triển đường sắt đến năm 2030, trong đó, chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, lập đề án đường sắt cao tốc Bắc -Nam, phấn đấu trước năm 2020 sẽ trình Quốc hội báo cáo chủ trương xây dựng.

Dự án hiện đại hóa đường sắt

Mặt khác, theo Chiến lược phát triển đường sắt đã được Thủ tướng phê duyệt đầu năm nay, trước năm 2020, ngành giao thông sẽ nghiên cứu xây dựng mới đường sắt tốc độ cao, đường sắt đôi khổ 1.435mm, điện khí hóa trên trục Bắc - Nam.

Chính vì thế, có nhiều ý kiến cho rằng, nên làm từng bước, nâng cấp khổ đường ray rồi tiến lên đường sắt tốc độ cao.

Trao đổi với Đất Việt, trước vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hùng - Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng HN cho biết: "Nếu trên nền tảng đường sắt cũ muốn nâng cấp, cải tạo, thì phải nâng lên làm sao tận dụng được cơ sở hạ tầng ấy, có nghĩa nếu vẫn chỉ nâng cấp, cải tạo trong khuôn đường sắt là 1m thì có nghĩa không thay đổi gì, khi xây tuyến đường sắt cao tốc mới sẽ không tận dụng được cái cũ, như vậy là rất lãng phí".

Hơn nữa, phải tận dụng làm sao để khi làm đường sắt cao tốc, tránh lãng phí. Chỉ bù đắp thêm phần bên cạnh là thành khổ đôi hai tuyến, làm sao tận dụng cái hiện tại, nâng cấp lên như vậy mới đỡ tốn kém.

Tái khởi động dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam

Đồng tình quan điểm, PGS.TS Nguyễn Đình Thám - Trưởng Bộ môn Công nghệ và Quản lý xây dựng, Đại học Xây dựng HN cho rằng, nếu thực hiện hai dự án như vậy là vô cùng lãng phí. Trong khi, cứ bám lấy công nghệ lạc hậu, rồi sau này nâng cấp lên lại mất tiền

Dự án hiện đại hóa sắp thực hiện, cũng nên nâng cấp đường đơn thành đường đôi, có cả đường đi, đường về, tăng khổ đường từ khổ 1m lên khổ 1.435m, để sau này khi làm đường sắt cao tốc sẽ không mất tiền làm đường hoàn toàn.

Sơn Ca (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/hon-5-ty-usd-nang-cao-toc-do-duong-sat-bac--nam-3286105/