Hơn 100 nước được tiếp nhận vắc xin COVID-19 theo cơ chế COVAX

Ảnh minh họa. Nguồn: Canadian Press

* Đối mặt nguy cơ cạn nguồn thuốc thiết yếu điều trị bệnh nhân COVID-19

Theo Liên minh vắc xin toàn cầu GAVI và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến ngày 8/4, cơ chế chia sẻ vắc xin toàn cầu COVAX đã phân phối gần 38,4 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 tới hơn 100 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới sau khi cơ chế này bắt đầu tiến hành hoạt động cung cấp vắc xin hồi tháng 2.

Tuyên bố của WHO và Liên minh vắc xin GAVI cho biết bất chấp nguồn cung vắc xin có sẵn bị giảm trong tháng Ba, tháng Tư và nhu cầu về vắc xin ở Ấn Độ tăng cao, dự kiến trong khuôn khổ COVAX, các liều vắc xin sẽ được phân phối tới tất cả các nền kinh tế có yêu cầu cung cấp vắc xin trong sáu tháng đầu năm 2021.

Theo dự báo mới nhất về nguồn cung, COVAX dự kiến phân phối ít nhất 2 tỉ liều vắc xin ngừa COVID-19 trong năm 2021.

Liên minh GAVI và WHO sẽ đa dạng hóa vắc xin ngừa COVID-19 trong bối cảnh chương trình COVAX do hai cơ quan này thúc đẩy, dựa chủ yếu vào các vắc xin của AstraZeneca và Pfizer&BioNTech.

Cùng ngày, người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh châu Phi, John Nkengasong cho biết Liên minh châu Phi (AU) đã từ bỏ kế hoạch mua vắc xin ngừa COVID-19 do Viện Serum của Ấn Độ sản xuất và đang nghiên cứu các lựa chọn khác với vắc xin của hãng Johnson&Johnson.

Phát biểu với báo giới, ông Nkengasong cho biết Viện Serum sẽ vẫn cung cấp vắc xin AstraZeneca cho châu Phi theo cơ chế COVAX. Tuy nhiên, AU sẽ tìm nguồn cung bổ sung từ hãng dược phẩm Johnson&Johnson.

AU đưa ra tuyên bố trên sau khi Cơ quan dược phẩm Anh ngày 7/4 công bố báo cáo về vắc xin của AstraZeneca, trong đó cũng khẳng định hiện tượng xuất hiện huyết khối hiếm gặp trong não chỉ là phản ứng phụ có thể gặp phải khi tiêm vắc xin này, và phản ứng phụ này cũng xuất hiện rất ít.

Kết luận của cơ quan này cũng đồng nhất với kết quả báo cáo do Cơ quan quản lý dược phẩm của Liên minh châu Âu (EMA) công bố, theo đó khẳng định lợi ích từ vắc xin AstraZeneca đối với đa số mọi người lớn hơn nhiều so với các nguy cơ.

* Theo phóng viên TTXVN tại Canada, các bác sĩ ở Ontario (tỉnh đông dân nhất Canada) được khuyến nghị sử dụng hạn chế thuốc chống viêm tocilizumab - một trong hai loại thuốc được biết đến ở thời điểm này giúp giảm tỉ lệ tử vong ở những bệnh nhân mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 thể nặng.

Đây được xem là dấu hiệu cảnh báo rằng các tỉnh khác của Canada cũng sẽ gặp phải vấn đề tương tự, nếu làn sóng lây nhiễm thứ ba của dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp và quốc gia Bắc Mỹ này không có thêm nguồn cung thuốc thiết yếu điều trị COVID-19.

Tình trạng thiếu thuốc tocilizumab chỉ là một trong những thách thức mà các bệnh viện tại Canada phải đối mặt khi các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh hơn và nguy hiểm hơn so với các biến thể trước đó.

Chưa có thời điểm nào trong đại dịch mà các tỉnh như British Columbia, Saskatchewan, New Brunswick và Ontario lại có nhiều bệnh nhân COVID-19 phải điều trị tích cực như hiện nay. Ngày 7/4, lần đầu tiên kể từ khi đại dịch bùng phát, tỉnh Ontario chứng kiến số ca bệnh phải điều trị tích cực vượt mốc 500 ca.

Trước đó một ngày, Bệnh viện Nhi ở Toronto thông báo sẽ mở một đơn vị điều trị tích cực gồm 8 giường cho bệnh nhân COVID-19 là người trưởng thành, để giúp đối phó với cuộc khủng hoảng thiếu giường bệnh.

Được bán dưới thương hiệu Actemra, tocilizumab là một kháng thể đơn dòng, ngăn chặn hoạt động của interleukin-6, một loại protein giúp điều chỉnh phản ứng miễn dịch của cơ thể.

Trong một năm qua, các bác sĩ đã thử nghiệm hàng chục loại thuốc hiện có để điều trị các ca nhiễm COVID-19, nhưng chỉ có corticosteroid và tocilizumab qua các thử nghiệm lâm sàng cho thấy đủ công dụng để kê đơn cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 ở thể bình thường và thể nặng.

Hoffman-LaRoche Ltd. - công ty sản xuất tocilizumab - đang chật vật đáp ứng nhu cầu tăng đột biến trên toàn thế giới khi dịch COVID-19 lây lan rất nhanh với sự xuất hiện của các biến thể mới.

Vào cuối tháng 2/2021, Bộ Y tế Canada đã đưa tocilizumab vào danh sách thiếu hụt “cấp độ 3” - biểu thị sự thiếu hụt có nguy cơ tác động mạnh nhất đến hệ thống chăm sóc sức khỏe.

Vào giữa tháng 3 vừa qua, chính phủ liên bang đã ký hợp đồng với Hoffman-LaRoche để mua thêm tocilizumab. Bác sĩ Srinivas Murthy chuyên về bệnh truyền nhiễm của Đại học British Columbia dự báo tỉnh British Columbia sẽ bắt đầu thiếu tocilizumab trong vài tuần tới. Theo thống kê của Global News, tổng số ca mắc COVID-19 tại Canada hiện đã lên tới hơn 1.033.000 người, trong đó hơn 23.200 người đã tử vong.

L.H (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/254291/hon-100-nuoc-duoc-tiep-nhan-vac-xin-covid-19-theo-co-che-covax.html