Hôm nay, sinh nhật Maradona: Vĩ đại, và bình thường đến tầm thường

Hôm nay (30/10) là sinh nhật 56 tuổi của huyền thoại Diego Armando Maradona. Vntinnhanh xin đăng lại bài viết về "Cậu bé vàng" do nhà báo Trương Anh Ngọc chắp bút, đăng tải trên Tạp chí Thể thao & văn hóa - Đàn ông số ra tháng 5/2007, thời điểm ông đang chiến đấu giữa ranh giới sự sống và cái chết.

Hôm nay (30/10) là sinh nhật Diego Maradona (Ảnh: El Portal)

Người ta gọi Diego Armando Maradona là thi sĩ của bóng đá. Không đơn giản là như thế. Không thể và không bao giờ có thể tìm một định nghĩa chi tiết để miêu tả con người chỉ cao 1m68 mà tài năng và những điều kì diệu đôi chân và trái tim anh đã làm được phải được đo từ mái tóc anh đến tận trời (hệt như lời của Napoleon, người cũng chỉ cao như Maradona). Maradona là một chỉnh thể của nhiều hơn một thi sĩ.

Con người sinh ra trong một đất nước Mỹ Latinh của những nhà độc tài, những cuộc đảo chính, khủng hoảng kinh tế và những giấc mơ thoát khỏi đói nghèo thường trực ấy là một tấm gương phản ánh rõ nhất thế giới đầy phức tạp và trái ngược mà anh đang sống, phức tạp và trái ngược như chính anh, một người vĩ đại trong tầm vóc của một người bình thường và một con người bình thường đến mức tầm thường trong cuộc đời của một thiên tài. Cầu thủ trên sân và một kẻ nghiện ngập và yếm thế ngoài sân không chỉ là 1, mà 2 con người. Trận đấu trong cuộc đời của Diego, chống lại những thế lực đen tối vô hình, hữu hình và cả do anh tưởng tượng ra, và trận đấu với chính bản ngã của anh, tiếc thay, không gói gọn trong 90 phút, mà dài hơn cả 2 hiệp phụ và chưa kết thúc sau loạt penalty!

1. Diego đã tin vào Chúa, dù bản thân anh cũng đã là một vị Chúa (chính anh coi mình như thế) của bóng đá thế giới, một thần tượng lớn của hàng triệu người hâm mộ mà bốn phương tám hướng trên trái đất này, tên anh được nhắc đến nhiều không kém Jesus. Tình yêu thương của Chúa với nhân loại và bản năng sinh tồn còn sót lại trong người anh đã cứu Maradona khỏi một cơn bạo bệnh nữa, cũng giống như một bàn thắng bằng tay mà anh biện hộ là bàn tay của Chúa 21 năm trước vào lưới đội tuyển Anh ở Mexico 86 đã đưa anh vào lịch sử bóng đá thế giới như một trong những kẻ trâng tráo nhất. Khi nằm trên giường bệnh của viện điều trị Guemmes sau một cú đột quỵ vì đã uống quá nhiều rượu, hút quá nhiều thuốc và dùng quá nhiều ma túy trong một thời gian ngắn do chứng trầm cảm, căn bệnh quen thuộc của những vĩ nhân luôn cô đơn trước đồng loại, Diego đã phải tìm đến những niềm tin khác tồn tại ngoài sự tự tin, đúng hơn là tự tôn, của chính anh để vượt qua cơn hiểm nghèo. Đó là một điều lạ. Cả cuộc đời anh, trong những bài phỏng vấn của anh, và cuốn tự truyện của anh, anh chỉ nhắc đến chữ Chúa chỉ vài lần, 1 lần về bàn thắng bằng tay của Chúa, 1 lần để cảm ơn Chúa trời đã phù hộ anh và gia đình anh có ngày hôm nay (nhưng trên thực tế, anh nói câu ấy còn sau khi anh cảm ơn bóng đá về tất cả những gì nó đem lại cho anh) và 1 lần, anh xếp Chúa ngang với Fidel Castro mà anh rất thần tượng.

Sự vĩ đại của một tài năng lớn không thể che giấu hết sự mong manh của cuộc đời cùng sự hủy hoại của thời gian cũng như sự hủy hoại của chính anh. Maradona dùng ma túy từ khi còn rất trẻ, uống rượu, hút thuốc và quậy phá thâu đêm trong những quán bar và nhà thổ còn sớm hơn thế nữa và đó là lí do tại sao cơ thể của một người 47 tuổi như anh nay đã già nua và tiều tụy như một ông lão 60. Trong 7 năm, anh đã trụy tim 3 lần và vào viện cả thẩy 4 lần! Ba năm trước, khi những tấm ảnh chụp anh đi chữa bệnh ở Cuba được công bố khắp thế giới, tôi không khỏi giật mình thảng thốt và vừa buồn, vừa giận, vừa trách anh khi nhìn thấy trong ảnh không phải là Maradona mà tôi và hàng triệu người trên khắp địa cầu, những người đã sinh ra và lớn lên cùng những phép màu trong đôi chân anh, đã từng ngưỡng mộ. Trong ảnh là một gã mafia bụng phệ và nụ cười đàng điếm của một trọc phú. Diego vĩ đại trong cả cách giết chính mình. Chẳng phải có lần anh đã nói: “Tôi là Maradona, và tôi có thể làm bất cứ những gì mình muốn” đó sao?

Maradona trong trận đấu từ thiện do Giáo hoàng Francis tổ chức trong tháng 10/2016 (Ảnh: CNN)

2. Không có gì ngạc nhiên khi những bó hoa, những biểu ngữ, những dòng chữ viết tay đầy xúc động và số người đứng chầu chực phía ngoài của bệnh viện Guemmes mới đây không còn nhiều như lần anh nhập viện năm 2005 nữa. Không phải là những người yêu mến anh ít đi, mà vì người ta đã quá quen với việc vị thánh của họ ngự trị nhiều trong bệnh viện hơn là trong ngôi đền thiêng của riêng anh. Họ cũng không còn thực sự sốc nếu một ngày nào đấy thể xác anh không tồn tại trên cõi đời này nữa. Họ đã phải dần quen với việc tự giải quyết những vấn đề của mình bằng bản lĩnh và nghị lực của chính mình, như một sự tỉnh ngộ phũ phàng, rằng tại sao cứ phải bấu víu về mặt tinh thần vào thần tượng của họ, trong khi chính anh ta cũng có giải quyết được những vấn đề của mình đâu.

Con người ấy, Maradona, đã trở thành một con người vĩ đại trên tầm thế giới, nhưng mãi chỉ là một đứa trẻ với chính mình, như người kể chuyện cổ tích đêm đêm cho những đứa trẻ, một dạng Hans Christian Andersen của nhân loại, nhưng lại không thể có một câu chuyện cổ tích cho riêng mình. Diego không bao giờ trưởng thành và mãi mãi bị đóng đinh trên cây thập giá của đời mình...

3. Nếu Chopin là người đã đem cây dương cầm bước ra ánh sáng của cuộc sống âm nhạc thế giới và Beethoven là người có công phổ cập nó ra khắp địa cầu, thì Pele là người biến bóng đá thành môn thể thao vua và Maradona chính là nguời làm cho trái bóng trở thành một thứ đồ vật có linh hồn trong những điệu vũ mê hoặc. Anh chơi bóng, đi bóng, anh ghi bàn, anh ngã gục và thất bại. Anh đem đến cho bóng đá những gì tinh tế nhất mà thời trước anh không có, biến bóng đá những năm tháng của thập niên 1980 thành một sân khấu tôn vinh anh, nhưng cũng là nơi không thể che giấu được hết những khoảng tối của đời anh. Cocaine và cuộc sống trác táng đã hiện diện trong đời anh nhiều như những bàn thắng và những pha đột phá. Cuộc hôn nhân với Claudia Villafane (anh chỉ chấp nhận cưới cô năm 1989 chỉ sau khi cô đã sinh cho anh 2 con gái Dalma và Gianna) chẳng có ảnh hưởng đến đời anh nhiều như những scandal liên quan đến ma túy và doping.

Sự thật hiển nhiên là Maradona bị đè nặng bởi ánh hào quang của bản thân mình và anh không bao giờ thoát ra khỏi nó. Anh đã quen sống trong tiếng hát của các CĐV vang tên anh, những bài xã luận to như đại bác trên trang nhất, nhưng suốt quãng đời cầu thủ vinh quang, chân anh đau, đầu anh nhức, anh không thể ngủ được hàng đêm mà không có thuốc. Con người sinh ra từ những sân bóng gồ ghề của quận Fiorito ở Buenos Aires đủ thông minh để hiểu, anh không thể cứ mãi mang trách nhiệm của một vị thánh, nhưng anh không thể rời khỏi ngai vàng trừ khi có kẻ hất anh khỏi đó và chính anh tự làm việc đó. Cả 2 điều ấy đều đã xảy ra hầu như cùng lúc. Có người hại anh và chính anh hại anh.

Diego là một trong những người vĩ đại nhất, nhưng cũng là kẻ bại trận lớn nhất trong lịch sử bóng đá thế giới. Anh sống trong một thế giới mà niềm vui thích cực độ của công chúng là đốn gục các thần tượng cũng nhanh và khoái trá như khi người ta dựng họ lên. Khi anh chơi bóng cho Barcelona, cả nước Tây Ban Nha và thế giới đã nguyền rủa kẻ đã đốn anh gẫy chân năm 1984, Goicoechea. Khi anh đến Napoli năm sau đấy và đưa Napoli đến 2 Scudetto 1987, 1990 và 1 Cúp UEFA năm 1989, anh trở thành Santa Maradona và thánh bảo hộ của thành phố, Thánh Gennaro, trở thành Thánh Gennarmando. Con người thấp và chắc nịch ấy đã làm hồi sinh cả một đô thị lớn nhất nhì nước Ý nhưng đã bao nhiêu năm sống trong cảnh bị miền bắc ghẻ lạnh và coi thường khi đưa Napoli đến biết bao chiến thắng.

Bi kịch lớn của đời anh là ở Italia 90, cũng trên cái sân San Paolo rực lửa mà anh đã cùng Napoli làm nên những điều kì diệu, chính những CĐV điên cuồng ấy đã quay sang nguyền rủa anh vì anh đã cùng đội tuyển Argentina loại đội Ý Thiên thanh của họ ở bán kết. Diego thần thánh đã trở thành Diego xấu xa. Nhưng chưa hết, có những thế lực không muốn Argentina vào chung kết. Họ đã sắp đặt sẵn một trận chung kết Ý-Đức cho Italia 90. Cuộc báo thù đã xảy ra trong trận chung kết khi Argentina thua Đức bằng một quả penalty tưởng tượng. Diego đã khóc tức tưởi. Những giọt nước mắt của một ông thánh tử vì đạo. Một năm sau, khi anh tuyên bố rời Napoli, người ta càng vì yêu anh mà căm thù anh dữ tợn. Những cô gái điếm đứng đường trong những khu bẩn thỉu nhất chống lại anh, những đứa trẻ trên đường phố mà cha mẹ chúng đặt tên Diego như anh căm thù anh, những băng đảng mafia Camorra phản đối anh vì chúng sẽ mất đi một người bạn. Và rồi đúng lúc ấy vụ scandal anh dùng cocaine nổ ra. Maradona trở thành Maracoca. Sau khi FIFA trả thù anh, đến lượt nước Ý. Ở Argentina, người ta cũng không khóc cho anh. Một thần tượng đã sụp đổ.

Maradona trong trận chung kết World Cup 1990 (Ảnh: Daily Star)

4. Nhưng anh không chết nên người ta vẫn tiếp tục muốn anh chết, vì anh nói nhiều quá và mạnh mẽ quá. Anh không phải là người duy nhất không biết ngậm miệng, nhưng tiếng nói của anh như những mũi dao chích vào tim những thế lực lớn nhất của bóng đá thế giới. Diego trở thành ngọn lửa bừng sáng lần cuối cùng với Argentina ở World Cup 94. Một scandal doping đã khiến người hùng rớt xuống đất một lần nữa, và từ đó mãi mãi biến khỏi cầu trường thế giới. Anh đã bị hạ bởi những liều ephedrine anh đã dùng trên đất Mỹ, loại thuốc không bị cấm trong thể thao chuyên nghiệp Mỹ và nhiều nước, nhưng lại là thuốc bị cấm trong các đấu thể thao quốc tế. Diego nghẹn ngào một lần nữa. Anh không bao giờ dùng doping trước các trận đấu để biến mình thành một cỗ máy. Anh đã dùng cocaine để tìm sự bình yên và cái tôi vĩ đại của mình trong bóng tối, nhưng anh chơi hay hơn tất cả không phải nhờ cocaine. Những thế lực lớn đã thề sẽ giết anh và họ đã làm được điều ấy.

Trong cuốn tự truyện “Tôi là Diego”, anh cam đoan rằng đã có một âm mưu nhằm loại anh khỏi giải đấu lớn ấy. Anh viết: “Tôi khẳng định người ta đã tìm cách chặt chân tôi. Tôi sẽ còn tiếp tục đấu tranh bởi muộn còn hơn là không bao giờ. Kể cả là tôi phải đợi 60 năm, tôi cũng sẽ đập cửa FIFA để tìm ta chân lý”. Những kết quả giám định mập mờ, việc xét nghiệm và kết luận vội vã là những cơ sở để người ta tin rằng anh đã bị hại. Nhưng bi kịch là ở chỗ, chính anh đã cầm dao đưa cho họ đâm vào trái minh mình: người ta quá hiểu thói quen dùng thuốc và ma túy của anh để tìm ra thời điểm thích hợp nhất nhằm làm hoen ố tên tuổi của một người vĩ đại nhất, hệt như khi các cô gái đã cài bẫy để tống tiền và tống vào tù Mike Tyson để tay đấm thép tự đấm vào mặt mình với tật háu gái kinh niên.

Cuộc chiến của một mình Don Quijote chống lại những quyền lực lớn trong bóng đá thế giới, thứ bóng đá chính trị và bóc lột tận xương tủy các cầu thủ, là một cuộc chiến không có hồi kết và dường như Diego đang thất bại một cách không tránh khỏi, hệt như chính những kẻ mặc áo vét đang thống trị thế giới bóng đá kia mong muốn và khoan khoái ngắm nhìn anh chết. Ở Mexico 86 và World Cup 94, anh đã lên tiếng tố cáo truyền hình đang làm hỏng bóng đá khi bắt các trận phải diễn ra vào giữa trưa ở nhiệt độ 44 độ C nhằm phục vụ cho truyền hình châu Âu. Bây giờ, truyền hình đã thâu tóm tất cả bóng đá, nuốt nó vào cái bụng khổng lồ không đáy. Anh đã đặt ra câu hỏi tại sao luật lao động tối thiểu lại không được áp dụng vào bóng đá, tại sao những người chiến đấu trên sân như anh chỉ được lĩnh một mẩu vụn bánh doanh thu chỉ 1% trong hàng tỉ USD người ta thu được từ bóng đá trong khi những kẻ kia đâu có đổ mồ hôi trên sân, nhưng rốt cục cái Nghiệp đoàn cầu thủ quốc tế mà anh lập ra với mục tiêu đòi quyền lợi chính đáng về thu nhập cho các đồng nghiệp cũng chẳng làm được gì đời, nhóm G14 mang tiếng là đứng ra bảo vệ sức khỏe cầu thủ trong cuộc chiến chống lại việc triệu tập vào đội tuyển của FIFA cho các “trận đấu vô nghĩa” nhưng thực ra là để bảo vệ quyền lợi ích kỷ của họ, UEFA và FIFA ra sức lên tiếng về cái gọi là quá tải trong bóng đá nhưng vẫn nghĩ ra đủ mọi thứ giải để cỗ máy kiếm tiền của họ không trở nên nhàn rỗi lấy một phút. Tại World Cup 94, khi vụ scandal ephedrine nổ ra, chủ tịch FIFA lúc ấy, Joao Havelange, người mà Diego căm thù đến tận xương tủy, không thèm mở miệng bình luận câu nào. Nhưng cánh tay phải của ông ta, người hiện đã kế nhiệm Havelange, Sepp Blatter, kẻ chẳng bao giờ chạm chân vào quả bóng nhưng lại là ông chủ của một nhà nước bóng đá còn lớn hơn cả LHQ và có doanh thu hàng chục tỉ USD đã buông ra một câu mà tất cả những ai am tường bóng đá đều hiểu ông ta nói gì:“Ngôi sao lớn cuối cùng của bóng đá Argentina là Di Stefano”. Với FIFA, Maradona không tồn tại. Họ không thừa nhận anh là ngôi sao lớn nhất của bóng đá thế giới thế kỷ 20. Trong cuộc bầu chọn danh hiệu ấy vào năm 2001, anh bị buộc phải đứng sau Pele!

Những pha biểu diễn và ghi bàn đẹp nhất của Maradona

5. Tôi yêu Maradona hơn là Pele. Kẻ được gọi là Vua bóng đá kia là một kẻ hợm hĩnh và dốt nát mà như chính Maradona đã nói: “Tất cả trí thông minh của ông ấy không nằm ở trên đầu, mà là dưới đôi chân”. Diego trách Pele là ông đã chỉ luôn lo cho cuộc sống của riêng mình mà không làm cho nền bóng đá được hưởng lợi khi nhảy vào chính trị và khai thác tối đa hình ảnh bản thân cho kinh doanh. Pele chẳng có gì sai. Ông chỉ sống không theo đúng cách của Diego vĩ đại. Pele có lẽ biết cách sống và cách chết hơn Maradona.

Những người đã sống và đã chết như George Best, đang sống và đang chết như Maradona ở đời nhiều lắm, trong khi những cựu danh thủ biết sống như Pele hay Platini chỉ có mấy người. Diego của tôi không thể sống tròn trịa và giả dối như thế, vì anh không biết giả dối với tất cả, trừ đôi khi giả dối với chính mình, khi không phải tất cả những đau khổ trong cuộc đời anh đều do người khác gây ra như anh đã tuyên bố. Nhưng tôi và nhiều người hâm mộ bóng đá khác vẫn yêu anh, con người tượng trưng cho sự kết hợp hoàn hảo của 2 mặt cuộc sống, giữa những điều tốt đẹp và cả xấu xa nhất, giữa sự cao thượng và thấp hèn, giữa lòng dũng cảm và sự hèn nhát, giữa sự mạnh mẽ và yếu đuối, sự vĩ đại và tầm thường tồn tại trong cùng một con người. Và vì thế, người ta không khâm phục anh như đã từng với Pele hay Platini, mà yêu anh bằng cả trái tim, bởi tất cả đều thấy một phần con người mình ở trong đó, một cách chân thực và sống động nhất.

Vẫn biết điều khó nhất ở đời là được sống như mình là mình. Thế nên, bạn sẽ hạnh phúc biết bao nếu một ngày nào đó được hét lên với mọi người, “tôi là tôi, chính tôi”, kể cả phải chết vì điều đó, cũng như Maradona đã luôn tự hào nói to cho tất cả: “Tôi luôn là tôi, là chính tôi. Tôi là Diego”.

Theo Trương Anh Ngọc (Thể thao & văn hóa - Đàn ông)

Tiêu đề do Vntinnhanh đặt lại

Nguồn Tin Nhanh: http://vntinnhanh.vn/the-thao/hom-nay-sinh-nhat-maradona-vi-dai-va-binh-thuong-den-tam-thuong-131080