Hội thảo quốc tế về kinh doanh quốc tế Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 4 tại Tokyo

Hội thảo quốc tế về kinh doanh quốc tế Việt Nam - Nhật Bản (VJIBC) lần thứ 4 với chủ đề 'Creating Sustainable Value for Global Prosperity: From the Multidisciplinary Perspectives' đã được tổ chức tại Đại học Rikkyo, Tokyo (Nhật Bản).

Trong hai ngày 27/3 và 28/3, Trường Đại học Ngoại thương và Đại học Rikkyo đã đồng tổ chức Hội thảo VJIBC, với các đơn vị đầu mối thực thi là Viện phát triển nguồn nhân lực Việt Nam - Nhật Bản (VJCC) và Trường Kinh doanh (College of Business), Đại học Rikkyo.

Các diễn giả và các thành viên đến từ Việt Nam tham dự Hội thảo.

Tham dự hội thảo, về phía Đại học Rikkyo có sự tham dự của GS. TS. Ishikawa Jun - Phó Hiệu trưởng; GS. TS. Yamaguchi Kazunori – Nguyên Hiệu trưởng Trường Kinh doanh; GS. TS. Nishihara Ayano – Tân Hiệu trưởng Trường Kinh doanh; GS. TS. Kataoka Mitsuhiko và TS Okamoto Noriaki cùng các giảng viên, nghiên cứu sinh và sinh viên của Đại học Rikkyo.

Về phía Trường Đại học Ngoại thương có sự tham dự của PGS. TS. Phạm Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Nhà trường; PGS. TS. Vũ Hoàng Nam – Trưởng phòng Quản lý Khoa học; lãnh đạo của các đơn vị, Viện VJCC cùng các giảng viên, học giả trình bày đến từ các Khoa, Viện chuyên môn trong trường và nhiều sinh viên, cựu sinh viên Nhà trường đang học tập bậc sau Đại học và trao đổi sinh viên tại Đại học Rikkyo. Đặc biệt là sự tham dự của các học giả trình bày tham luận, đến từ 21 trường đại học của Nhật Bản, Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới.

PGS. TS. Phạm Thu Hương – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS. TS. Phạm Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương đã nhấn mạnh: “Việc tổ chức Hội thảo VJIBC lần thứ tư 2024 có nhiều ý nghĩa tốt đẹp, không chỉ ở việc tạo ra cơ hội kết nối và hợp tác nghiên cứu giữa các học giả trên thế giới, mà còn ở việc tổ chức rất đúng lúc và rất có giá trị với tổ chức, các doanh nghiệp đang theo đuổi giá trị bền vững và cần đưa ra các quyết định chiến lược phù hợp trong bối cảnh kinh tế, kinh doanh nhiều biến động”.

PGS. TS. Phạm Thu Hương bày tỏ mong đợi những học giả tham gia Hội thảo sẽ nhân cơ hội này tiếp thu và trao đổi quan điểm và tri thức để phát triển các nghiên cứu trong tương lai, góp phần gia tăng kết nối trong các nghiên cứu về kinh doanh, quản trị giữa hai quốc gia Việt Nam và Nhật Bản cũng như với thế giới.

GS. TS. Ishikawa Jun - Phó Hiệu trưởng Đại học Rikkyo khẳng định Hội thảo VJIBC lần thứ 4 được Đại học Rikkyo rất chú trọng các khâu tổ chức, đảm bảo chất lượng chuyên môn của một Hội thảo quốc tế. Các bài viết nhận được đều Hội đồng chuyên gia kiểm duyệt, bình duyệt và tuyển chọn nghiêm túc và minh bạch. Do vậy, GS mong đợi nhiều trao đổi chuyên môn sâu sẽ tiếp tục được khai thác và mở rộng ở các phiên thảo luận, giúp các nhà khoa học hoàn thiện các nghiên cứu ngay sau Hội thảo lần này.

GS. TS. Ishikawa Jun, Phó Hiệu trưởng Đại học Rikkyo, Tokyo, Nhật Bản phát biểu chào mừng và nhận quà lưu niệm từ Trường Đại học Ngoại thương.

Phiên Khai mạc toàn thể với tham luận của diễn giả chính (Keynote speaker) là GS. TS. Allan Bird – Giáo sư của Đại học Rikkyo, Biên tập viên phản biện Tạp chí Nghiên cứu Kinh doanh quốc tế (Journal of International Business Studies), chuyên gia đầu ngành về quản trị và lãnh đạo.

Bài tham luận với chủ đề “Leading Globally to Create Sustainable Value” đã đem tới góc nhìn sâu sắc về quản trị và lãnh đạo, gợi mở nhiều định hướng mới trong nghiên cứu về lãnh đạo bền vững trong bối cảnh kinh doanh thay đổi và biến động. Bài trình bày đã nhận được nhiều câu hỏi và bình luận trực tiếp từ các học giả tham dự tại Hội thảo.

Tiếp đó, trong hai ngày 27/3 và 28/3, 39 tham luận chia thành 10 Phiên thảo luận do các học giả đến từ 21 trường đại học trình bày, đã thu hút tổng số 162 lượt tham dự, lắng nghe và thảo luận của các giảng viên, nhà nghiên cứu, nghiên cứu sinh, sinh viên quốc tế và Việt Nam.

Các phiên tham luận đa dạng các chủ đề thuộc lĩnh vực Kinh doanh quốc tế như: kinh tế kinh doanh, chiến lược quản trị doanh nghiệp, quản trị sự thay đổi, quản trị nhân sự, quản trị tài chính và kế toán, sự bền vững và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp,… Chủ trì các phiên thảo luận là các giáo sư, học giả, nhà nghiên cứu có uy tín của các trường đại học Nhật Bản (Đại học Waseda, Đại học Toyo, Đại học Rikkyo, Đại học Kyushu, Đại học Nữ sinh Ewha, Đại học Kokushikan, Đại học Suguradai) và Trường Đại học Ngoại thương.

Các giáo sư Đại học Rikkyo và diễn giả chính GS. TS. Allan Bird chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo Trường Đại học Ngoại thương.

Lần đầu tiên tổ chức trực tiếp tại Nhật Bản, Hội thảo quốc tế VJIBC lần thứ 4 năm 2024 của Trường Đại học Ngoại thương đã ghi dấu ấn rất tốt đẹp đối với các học giả, nhà khoa học của Việt Nam, Nhật Bản và quốc tế. Điều này là minh chứng rõ nét của tinh thần đổi mới sáng tạo cũng như năng lực kết nối và hợp tác quốc tế không chỉ dừng lại ở các hoạt động giảng dạy mà mở rộng, khẳng định trách nhiệm, sự tự chủ cả trong các hoạt động nghiên cứu quốc tế của Nhà trường.

Hội thảo quốc tế VJIBC sẽ tiếp tục được tổ chức định kỳ hàng năm và xin hẹn gặp các nhà khoa học trên toàn thế giới tại VJIBC lần thứ 5 tổ chức tại Việt Nam mùa xuân 2025.

Nguyễn Linh Chi

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/hoi-thao-quoc-te-ve-kinh-doanh-quoc-te-viet-nam-nhat-ban-lan-thu-4-tai-tokyo-post1625926.tpo