Hội thảo quốc tế 'Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn và công nghệ đảm bảo phát triển tại Việt Nam và Lào'

Ngày 29/6, tại tỉnh Lào Cai, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Khoa học Kinh tế và Xã hội quốc gia Lào phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế 4 bên Việt - Lào năm 2023 với chủ đề 'Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn và công nghệ đảm bảo phát triển nhanh và bền vững tại Việt Nam và Lào'.

Quang cảnh hội nghị.

Tham dự và chủ trì hội thảo có các đồng chí: Tiến sỹ Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Phó Giáo sư Phouvong Ounkhamsane, Giám đốc Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào; Tiến sĩ Sonethanou Thammavong, Chủ tịch Viện Khoa học Kinh tế và Xã hội quốc gia Lào.

Dự hội thảo về phía tỉnh Lào Cai có đồng chí Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh Lào Cai; các đại biểu, nhà khoa học ở Trung ương và địa phương, các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và tỉnh Lào Cai.

Các đại biểu dự hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Tiến sỹ Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam khẳng định: Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Lào và Việt Nam trong những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu, góp phần nâng cao cuộc sống của người dân và được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Tuy nhiên, trước những tác động tiêu cực của các cuộc khủng hoảng trên thế giới, cả Lào và Việt Nam đều đang đối mặt với những thách thức lớn, cần có các đối sách phù hợp để tiếp tục duy trì và thúc đẩy tăng trưởng cũng như cải thiện hệ thống an sinh xã hội. Trong các thách thức đó, vốn và công nghệ đang là hai nhân tố quan trọng, có tính chất quyết định đến sự thành công của hai nước, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học và công nghệ lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới.

Tiến sỹ Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp của Việt Nam và Lào chia sẻ, thảo luận các kết quả nghiên cứu khoa học, các kinh nghiệm thực tiễn về huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn và công nghệ đảm bảo phát triển nhanh, bền vững tại Việt Nam và Lào cũng như những kinh nghiệm quốc tế về lĩnh vực này.

Hội thảo sẽ cung cấp các cơ sở khoa học và thực tiễn cho các nhà hoạch định chính sách, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển đã được đặt ra của mỗi nước, đồng thời thúc đẩy sự hợp tác giữa hai nước trong quá trình thực hiện.

Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo.

Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: Kinh nghiệm quốc tế hiện nay về huy động và sử dụng hiệu quả nguồn vốn, công nghệ đối với phát triển nhanh và bền vững có rất nhiều trên thế giới. Việt Nam và Lào là những quốc gia đi sau, có nhiều lợi thế trong việc học hỏi các kinh nghiệm quốc tế nhưng vấn đề đặt ra là không phải bài học kinh nghiệm nào của các nước đi trước cũng phù hợp với tình thế và định hướng của Việt Nam và Lào. Bài học kinh nghiệm thì có thành công và thất bại, chúng ta không chỉ học những bài học thành công mà còn học cả những bài học thất bại để tránh đi vào vết xe đổ của các quốc gia đi trước.

Trên cơ sở chia sẻ, phân tích khoa học của các nhà khoa học của Việt Nam và Lào, Hội thảo kỳ vọng sẽ cung cấp được nhiều thông tin khoa học xác đáng cho không chỉ các đại biểu, các nhà khoa học tham gia hội thảo, mà còn lan tỏa tới các nhà hoạch định chính sách của hai đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đặt ra của hai quốc gia.

Phó Giáo sư Phouvong Ounkhamsane, Giám đốc Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào phát biểu tại hội thảo.

Theo Phó Giáo sư Phouvong Ounkhamsane, Giám đốc Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào, bên cạnh những thành tựu đã đạt được trong thời gian qua, việc huy động, sử dụng vốn và công nghệ để phát triển đất nước Lào gặp phải nhiều khó khăn. Chính sách thu hút đầu tư chưa tạo được động lực cho các nhà đầu tư; viện trợ phát triển chính thức (ODA) có xu hướng giảm dần, đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) không tăng; khoa học và công nghệ ngày càng phát triển nhưng việc sử dụng các thành tựu công nghệ vào phát triển còn nhiều hạn chế. Vì vậy, để huy động, sử dụng vốn và công nghệ một cách hiệu quả, đảm bảo cho sự phát triển của Lào, một trong những giải pháp quan trọng cần tập trung là tăng cường hợp tác giữa Lào và Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài vào phát triển kinh tế - xã hội và khoa học - công nghệ; phối hợp nghiên cứu, khuyến khích tìm kiếm các nguồn vốn, nhà đầu tư để phát triển các dự án trọng điểm mà hai nước đã hợp tác hiện thực hóa và đảm bảo theo hướng bền vững.

Tiến sĩ Sonethanou Thammavong, Chủ tịch Viện Khoa học Kinh tế và Xã hội quốc gia Lào phát biểu tại hội thảo.

Tiến sĩ Sonethanou Thammavong, Chủ tịch Viện Khoa học Kinh tế và Xã hội quốc gia Lào nêu rõ: Đảng và Chính phủ Lào đã đề ra tầm nhìn và quy định mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhằm thoát khỏi tình trạng các nước kém phát triển, hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững và tiến tới là nước đang phát triển có nguồn thu nhập trung bình cao trước kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Nhân dân Cách mạng Lào (1955 - 2055). Tầm nhìn và mục tiêu phát triển kinh tế và xã hội đó có tính khả thi trong tổ chức thực hiện thành công trên cơ sở sự đầu tư và sử dụng công nghệ, kỹ thuật và sáng tạo mới hiện đại vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội ở 4 nguồn gồm: Từ ngân sách nhà nước (Nhà nước đầu tư), sự đầu tư của các doanh nghiệp hay bộ phận kinh doanh trong nước, sự đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI), sự hỗ trợ chính thức để phát triển (ODA) từ tổ chức quốc tế và chính phủ nước ngoài.

Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường bày tỏ niềm vui mừng được đón tiếp các đại biểu đến dự Hội thảo “Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn và công nghệ đảm bảo phát triển tại Việt Nam và Lào” do 4 cơ quan thuộc Việt Nam - Lào phối hợp tổ chức.

Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã giới thiệu khái quát về vị trí địa lý, việchuy động và sử dụng các nguồn vốnđầu tư, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lào Cai và mục tiêu xây dựng Lào Cai trở thành cực tăng trưởng của vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ, trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc.

Các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia dự hội thảo.

Đồng chí Trịnh Xuân Trường mong muốn nhận được sự hỗ trợ của các đối tác trong và ngoài nước, nhất là sự hỗ trợ của Đoàn công tác của Việt Nam và Lào trong hội thảo để báo cáo Trung ương tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách đặc thù nhằm tạo thuận lợi cho công tác thu hút đầu tư, công nghệ, đặc biệt đối với các tỉnh còn nhiều điều kiện khó khăn như vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Hỗ trợ và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp của Lào đến đầu tư các dự án tại tỉnh Lào Cai đối với lĩnh vực thế mạnh của tỉnh. Những giá trị về bản sắc văn hóa đậm chất Tây Bắc Việt Nam, cảnh quan, tình cảm, nét đẹp của con người Lào Cai sẽ để lại những ấn tượng tốt đẹp đối với các đại biểu và qua đó trở thành cầu nối, thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị giữa Nhân dân Lào với Nhân dân Việt Nam nói chung và Nhân dân tỉnh Lào Cai nói riêng.

Các phiên thảo luận tại hội thảo.

Trong khuôn khổ chương trình hội thảo diễn ra 3 phiên thảo luận gồm: Vốn cho phát triển tại Việt Nam và Lào; công nghệ cho phát triển tại Việt Nam và Lào; kinh nghiệm quốc tế và giải pháp thúc đẩy việc huy động, sử dụng vốn và công nghệ cho phát triển.

Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường chụp ảnh lưu niệm với đại biểu.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/hoi-thao-quoc-te-huy-dong-va-su-dung-hieu-qua-cac-nguon-von-va-cong-nghe-dam-bao-phat-trien-tai-viet-nam-va-lao-post370176.html