Hội thảo khoa học quốc tế 'Giải quyết mối quan hệ giữa phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế-xã hội: Nhìn từ quản trị vùng và địa phương'

Ngày 22/12, tại thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình phối hợp với Tạp chí Cộng sản, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế 'Giải quyết mối quan hệ giữa phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế-xã hội: Nhìn từ quản trị vùng và địa phương'.

Quang cảnh Hội thảo khoa học quốc tế. Ảnh: Minh Quang

Hội thảo được tổ chức nhằm xác định các giải pháp giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế-xã hội, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trên cơ sở quản trị vùng, liên vùng và địa phương, định hướng và tư vấn chính sách cho công tác phục dựng, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Ninh Bình một cách bền vững trong thời gian tới.

Đồng chủ trì Hội thảo có các đồng chí: PGS.TS Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình; TS.KTS Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; PGS. TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình; GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam.

Đồng chí PGS.TS Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình đồng chủ trì Hội thảo. Ảnh: Trường Giang

Dự Hội thảo, đại biểu Trung ương có các đồng chí: TS. Phùng Quốc Hiển, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội; GS.TS Phùng Hữu Phú, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương; lãnh đạo Ủy ban Văn hóa-Giáo dục của Quốc hội; Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật; Hội Khoa học lịch sử Việt Nam; Hội Khảo cổ học Việt Nam; Hội Di sản văn hóa Việt Nam; Hội Kiến trúc sư Việt Nam; Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.

Cùng dự Hội thảo có lãnh đạo các Vụ, Viện, Ban nghiên cứu, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Tạp chí Cộng sản, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; lãnh đạo các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Hồng cùng các Giáo sư, Tiến sĩ, chuyên gia đầu ngành về lịch sử, văn hóa, kinh tế, quản trị trong nước, quốc tế, địa phương và các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương, địa phương.

Đại biểu cơ quan ngoại giao, tổ chức, học giả quốc tế dự Hội thảo có ông Bành Thế Đoàn, Tham tán Văn hóa Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam; GS.TS Mô-mô-ki Shi-rô, Trường Đại học Ossaka Nhật Bản; giảng viên Trường Đại học Việt-Nhật, Đại học Quốc gia Hà Nội; TS Ni-shi-nô Nô-ri-kô, Quỹ Bảo tồn Di sản văn hóa dưới lòng đất Đông Nam Á; ThS Min Young Kim, Khoa tiếng Việt, Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc.

Đại biểu tỉnh Ninh Bình, dự Hội thảo có đồng chí Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; Hội Khoa học lịch sử tỉnh, Chi hội Di sản văn hóa tỉnh; lãnh đạo UBND, Phòng Văn hóa -Thông tin các huyện, thành phố...

Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, Trưởng Ban Tổ chức phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Minh Quang

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo nhấn mạnh: Ninh Bình-vùng đất có bề dày lịch sử và văn hóa, với tài nguyên di sản văn hóa vật thể và phi vật thể rất phong phú, đa dạng, có giá trị nổi bật, mang bản sắc văn hóa đặc sắc riêng có, hội tụ đầy đủ tiềm năng, thế mạnh cho sự phát triển nhanh và bền vững.

Với địa thế, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, lưu giữ nhiều dấu ấn văn hóa nổi bật; cách đây hơn 3 vạn năm, Ninh Bình từng là nơi cư trú của người tiền sử, thế kỷ X nơi đây được chọn làm quốc đô đầu tiên của Nhà nước Đại Cồ Việt, gắn liền với sự nghiệp của 6 vị vua thuộc ba triều đại: Đinh - Tiền Lê - Lý. Ninh Bình sở hữu Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, di sản kép đầu tiên và duy nhất đến thời điểm hiện nay của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á; Vườn Quốc gia Cúc Phương là Vườn Quốc gia đầu tiên ở Việt Nam, với hệ thực vật, động vật phong phú, đặc sắc và đa dạng, được Tổ chức giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards) bầu chọn và vinh danh là Vườn quốc gia hàng đầu châu Á trong 5 năm liên tiếp vừa qua; Khu di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư được ghi nhận là mẫu mực trong nghệ thuật kiến trúc các công trình đền thờ ở Việt Nam; Di tích quốc gia đặc biệt núi Non Nước lưu giữ trên 50 bài thơ khắc và hàng trăm bài thơ vịnh là nguồn dữ liệu quan trọng trong kho tàng văn học nước ta; 5 bảo vật quốc gia lưu giữ những giá trị nổi bật về nghệ thuật, văn hóa và lịch sử; cùng với đó là gần 2.000 di tích và danh thắng, trên 400 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu gồm những lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa vùng đất, nghệ thuật diễn xướng dân gian, nghề thủ công truyền thống, các tri thức dân gian và các phong tục, tập quán tốt đẹp của con người vùng đất Cố đô.

Đây là những giá trị căn cốt của không gian văn hóa Cố đô xưa, được người dân Ninh Bình các thế hệ gìn giữ, lưu truyền, phát huy trong suốt hành trình lịch sử của vùng đất, của dân tộc; là bằng chứng về sự trường tồn của lịch sử, bản sắc tộc người và sáng tạo văn hóa của người dân Ninh Bình; cũng là tiềm năng, nguồn lực và động lực để Ninh Bình phát triển kinh tế-xã hội một cách bền vững, xây dựng thương hiệu di sản văn hóa có tính nhận diện và cạnh tranh cao; nhằm thực hiện thành công những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ có tính chiến lược mà tỉnh Ninh Bình đang tập trung thực hiện hiện nay, đó là "Xây dựng tỉnh Ninh Bình đến năm 2030 trở thành tỉnh khá, về cơ bản đạt các tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương; đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, hình mẫu tiêu biểu kết hợp hài hòa giữa phục dựng, bảo tồn di sản và phát triển. Định hình tính chất, chức năng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo; trung tâm du lịch, công nghiệp văn hóa của quốc gia và quốc tế; trung tâm công nghiệp cơ khí ô tô hiện đại hàng đầu của đất nước; địa bàn vững chắc về quốc phòng, an ninh. Xác lập vị trí đầu tàu và mắt xích trọng yếu kết nối mạng lưới các di sản, thành phố sáng tạo của vùng và liên vùng, quốc gia và quốc tế, hội nhập sâu rộng vào mạng lưới các đô thị di sản sở hữu danh hiệu UNESCO trên thế giới. Gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp hóa, hiện đại hóa và dịch vụ hóa, đô thị hóa, phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, con người, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng xã hội phồn vinh, nhân dân hạnh phúc".

Xác định di sản là thế mạnh của tỉnh Ninh Bình trong phát triển kinh tế-xã hội, nhiều năm trở lại đây Ninh Bình đã coi trọng, đầu tư các nguồn lực cho văn hóa, chủ động, tích cực thực hiện nhiều biện pháp, cơ chế, chính sách nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã nảy sinh không ít mâu thuẫn, xung đột, đòi hỏi các cấp chính quyền phải không ngừng đổi mới, sáng tạo, hoàn thiện cơ chế, chính sách, mở rộng hợp tác trao đổi kinh nghiệm giữa các địa phương trong vùng, trong nước, quốc tế để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phục dựng, bảo tồn di sản và phát triển kinh tế-xã hội. Mối quan hệ này nếu được giải quyết tốt sẽ tạo động lực, nguồn lực cho sự phát triển, nhưng nếu không tốt sẽ dẫn đến tình trạng di sản được bảo vệ nhưng không đóng góp được cho sự phát triển hoặc sự phát triển làm cho di sản mai một.

Xuất phát từ thực trạng và yêu cầu thực tiễn trên, tỉnh Ninh Bình phối hợp với Tạp chí Cộng sản và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế "Giải quyết mối quan hệ giữa phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội: Nhìn từ quản trị vùng và địa phương" với mục tiêu xác định các định hướng và giải pháp có thể giải quyết hài hòa, hiệu quả mối quan hệ giữa phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế-xã hội trên cơ sở quản trị vùng, liên vùng và địa phương; nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kỹ năng, kinh nghiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân trong thực hiện việc phục dựng, bảo tồn di sản gắn với phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, của khu vực và cả nước.

Hội thảo khoa học quốc tế hôm nay là một trong những hoạt động khoa học có ý nghĩa rất quan trọng, đóng góp thêm những luận cứ khách quan, khoa học, những bài học kinh nghiệm cho việc hoạch định chính sách để tỉnh Ninh Bình thực hiện thành công các mục tiêu lớn đã đề ra; đồng thời, góp phần tổng kết thực tiễn, những kinh nghiệm từ thực tiễn đề xuất với Trung ương ban hành các chủ trương, chính sách phù hợp. Hội thảo có sự tham gia đồng hành của đông đảo các chuyên gia, các nhà khoa học trong nước và quốc tế, ở Trung ương và các địa phương, là cơ hội để Ninh Bình được lắng nghe những ý kiến chuyên sâu, khách quan, đa chiều về giải quyết mối quan hệ giữa phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế-xã hội.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản phát biểu Đề dẫn tại Hội thảo. Ảnh: Trường Giang

Đề dẫn tại Hội thảo do PGS,TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nêu rõ: Hội thảo khoa học quốc tế về "Giải quyết mối quan hệ giữa phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội: Nhìn từ quản trị vùng và địa phương" có ý nghĩa quan trọng, trước hết là nhằm cụ thể hóa đường lối văn hóa của Đảng, quan điểm của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Đây cũng là dịp để các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế, các nhà lãnh đạo, nhà quản trị cùng nhau thảo luận, tìm các giải pháp cơ bản nhằm giải quyết hài hòa, hiệu quả mối quan hệ giữa phục dựng, phát huy các giá trị di sản văn hóa với phát triển kinh tế-xã hội, phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Trong Hội thảo hôm nay, chúng ta cần làm rõ một số vấn đề: Cần làm rõ hơn những nhận thức chung về giải quyết mối quan hệ giữa phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế-xã hội. Cần nhận thức sâu sắc hơn nữa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về mối quan hệ biện chứng này; phân định rõ vai trò của chủ thể Nhà nước, cộng đồng, doanh nghiệp và người dân trong giải quyết mối quan hệ này.

Đánh giá, xem xét các xu hướng giải quyết mối quan hệ giữa phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội trên thực tế ở mỗi khu vực, địa phương.

Di sản có vị trí cụ thể, có chủ thể sáng tạo và cả chủ thể sở hữu cụ thể. Nhưng di sản không phải của riêng ai. Theo ý nghĩa đó, tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong giải quyết mối quan hệ giữa phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế-xã hội là vô cùng cần thiết, đặc biệt là các quốc gia có những đặc tính văn hóa tương đồng với chúng ta, như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ…

Cần làm rõ hơn cơ chế vận hành lĩnh vực di sản của các quốc gia này, để thấy được những thành công cũng như hạn chế trong giải quyết mối quan hệ này; vấn đề áp dụng những thành tựu khoa học và công nghệ, huy động vốn xã hội trong giải quyết mối quan hệ này ở các quốc gia cũng là nội dung mà chúng ta cần tập trung thảo luận. Với Ninh Bình, việc kết nối, học tập kinh nghiệm, thống nhất quan điểm và hành động với các tỉnh, thành trong cả nước, nhất là các tỉnh "hàng xóm" có ý nghĩa rất quan trọng.

Kết hợp và giải quyết tốt mối quan hệ liên vùng, liên cấp, liên ngành trong công tác quản trị địa phương, quản trị quốc gia về phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế-xã hội.

Nhận thức sâu sắc mối quan hệ biện chứng giữa phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế-xã hội từ phương diện quản trị vùng và đia phương có ý nghĩa quan trọng để chúng ta khơi dậy, phát huy nguồn sức mạnh mềm, hoán chuyển các tài nguyên di sản văn hóa thành những nguồn lực, động lực cho phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời, làm cho các di sản văn hóa ngày càng lan tỏa, thấm sâu hơn trong các hoạt động của chúng ta.

Theo đó, Hội thảo ngày hôm nay không chỉ nhằm giải quyết các vấn đề hiện thời của mối quan hệ này trong trước mắt, mà là cơ sở quan trọng để giải quyết những vấn đề mang tính căn cơ, lâu dài, đặt nền tảng cho việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Báo Ninh Bình sẽ tiếp tục cập nhật nội dung của Hội thảo.

Phan Hiếu - Hồng Vân

Tổ chức Phiên chuyên đề: Kinh nghiệm quốc tế, Việt Nam và tỉnh Ninh Bình trong quản trị mối quan hệ giữa phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế-xã hội và bế mạc Hội thảo

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/hoi-thao-khoa-hoc-quoc-te-giai-quyet-moi-quan-he-giua-phuc/d20231222100855744.htm