Hội thảo khoa học những phát hiện mới về khảo cổ học toàn quốc năm 2023

Ngày 2/11, tại Khu du lịch Quốc gia Tam Chúc, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam phối hợp Viện Khảo cổ học tổ chức khai mạc Hội thảo khoa học thông báo Khảo cổ học toàn quốc lần thứ 58 năm 2023. Đây là Hội thảo khoa học thường niên, có quy mô cấp quốc gia, quốc tế của ngành khảo cổ học Việt Nam lần đầu tiên tổ chức tại Hà Nam.

Đoàn Chủ tịch hội thảo.

Hội thảo năm nay có sự tham gia của gần 1.000 đại biểu là các chuyên gia, các nhà khoa học đầu ngành đến từ các cơ quan, viện nghiên cứu trong nước và quốc tế.

Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết: Kể từ Hội thảo “Những phát hiện mới về khảo cổ học toàn quốc lần thứ 57 năm 2022” đến nay, Viện Khảo cổ học và giới khảo cổ học nước nhà đã tiến hành nhiều hoạt động khảo cổ học sôi động trên địa bàn cả nước.

Đồng chí Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo.

Trong đó, có thể kể đến một số hoạt động nổi bật như điều tra, thăm dò, khai quật, nghiên cứu hệ thống di tích hang động văn hóa Hòa Bình trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Từ năm 2021-2022, Bảo tàng tỉnh Hà Nam đã phối hợp Viện Khảo cổ học tổ chức điều tra, điền dã, khảo sát, đánh giá toàn diện hệ thống các di tích trên địa bản tỉnh, bước đầu đã phát hiện và nhận diện hơn 20 di tích, dấu tích có tiềm năng nghiên cứu đưa vào diện tổ chức thám sát, khai quật.

Đặc biệt tại vùng lõi quần thể danh lam thắng cảnh Tam Chúc đã phát hiện 11 hang động, mái đá rất có giá trị về khảo cổ thuộc nền văn hóa Hòa Bình; Cồn Hến 1, Cồn Hến 2 thuộc văn hóa Đông Sơn và các hang động, mái đá, giếng Cacxto rất có giá trị về cảnh quan thiên nhiên, liên quan sự hình thành, kiến tạo địa chất hàng triệu năm. Những phát hiện trên rất quan trọng, được xem là chìa khóa cho công tác nghiên cứu, khai quật khảo cổ học, từng bước giải mã những bí ẩn về lịch sử văn hóa vùng đất Tam Chúc-Kim Bảng nói riêng và tỉnh Hà Nam nói chung trong diễn trình lịch sử dân tộc.

Các đại biểu dự hội thảo.

Các phát hiện và kết quả nghiên cứu di tích, di vật và khảo cổ học góp phần khẳng định các giá trị của nền văn hóa, văn minh, văn hiến của dân tộc; cung cấp luận cứ khoa học và tư vấn chính sách cho việc xây dựng quy hoạch bảo vệ di sản, đánh giá giá trị và đề xuất ý kiến bảo tồn, bảo vệ và phát huy giá trị di tích và các nguồn tài nguyên văn hóa Việt Nam còn ẩn dưới lòng đất.

Đồng chí Nguyễn Anh Chức, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh phát biểu chào mừng tại hội thảo.

Bày tỏ vui mừng và vinh dự khi Hà Nam được đón các vị đại biểu đến tham dự Hội thảo với quy mô lớn, phát biểu chào mừng tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Anh Chức, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam khẳng định, Hà Nam hiện còn lưu giữ rất nhiều hiện vật, cổ vật và bảo vật quý hiếm mang giá trị lịch sử, văn hóa cao, tiêu biểu như tượng Kinari, tượng Kim Cương thời Lý ở Chùa Đọi Sơn; cuốn sách bằng đồng có tên “Cầu Không kì tứ” niên hiệu Hồng Đức 2 ở Lý Nhân; cùng với đó là 4 Bảo vật quốc gia: Trống đồng Ngọc Lũ, trống đồng Tiên Nội dấu ấn thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của nền văn minh Đông Sơn thời các vua Hùng dựng nước, Bia Sùng Thiện Diên Linh, Bia đá chùa Giàu…

Ý thức sâu sắc về giá trị của các di sản văn hóa mà tiền nhân để lại, những năm qua, cấp ủy, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Nam đã nỗ lực trong công tác bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, từng bước có các giải pháp phát huy các tiềm năng để thực sự trở thành nguồn lực và thế mạnh cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Giáo sư, nhà sử học Lê Văn Lan phát biểu tại hội thảo.

Hội thảo đã nhận được 456 bài báo cáo, thông báo đề cập đến nhiều lĩnh vực nghiên cứu khảo cổ học như: hoạt động chung của các cơ quan nghiên cứu khảo cổ trung ương và địa phương; Khảo cổ học tiền sử; khảo cổ học Sơ sử và Nhà nước sớm; khảo cổ học lịch sử; khảo cổ học Champa-Óc Eo; bài khảo cổ học dưới nước...

Ngài Andrew Hardy, Đại diện Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp phát biểu tại hội thảo.

Với số lượng các bài thông báo, báo cáo lớn nhất từ trước tới nay cho thấy, hoạt động Khảo cổ học Việt Nam các năm 2022-2023 diễn ra sôi nổi, đều khắp trên toàn quốc và đạt hiệu quả cao.

Nhiều thông báo và các cuộc khai quật lớn được thực hiện công phu, nghiêm túc có nội dung phong phú. Đó là những tư liệu, hiện vật thật mới nhằm đi sâu nghiên cứu những vấn đề cơ bản của Khảo cổ học Việt Nam, góp phần nhận thức rõ hơn diễn trình lịch sử dân tộc Việt Nam, quá trình phát triển con người Việt Nam.

Các đại biểu thăm quan trưng bày tại hội thảo.

Các đại biểu đã đi sâu thảo luận những vấn đề liên quan từng di tích như địa tầng, niên đại, chủ nhân, các quan hệ văn hóa, nhận diện giá trị lịch sử văn hóa; đặc biệt là những đóng góp của khảo cổ học với bảo vệ, bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử-văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Một số hình ảnh khảo sát của các đoàn chuyên gia tại Hang đội 4 và hang Thiên Đình thuộc quần thể danh thắng Tam Chúc (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam).

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/hoi-thao-khoa-hoc-nhung-phat-hien-moi-ve-khao-co-hoc-toan-quoc-nam-2023-post780733.html