Hội thảo khoa học 'Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng': Giữ gìn sự trong sáng đi đôi với phát triển, làm mới tiếng Việt

Nhân dịp kỉ niệm 50 năm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng phát động phong trào “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” (1966- 2016), sáng 5/11, tại Trung tâm Phát thanh Quốc gia- 58 Quán sứ, Hà Nội, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng”. Diễn ra trong 1 ngày với rất nhiều tham luận, ý kiến của các nhà quản lý, các nhà khoa học, nhà báo trong cả nước được trình bày, Hội thảo đã thực sự là một diễn đàn sôi động, tâm huyết, trí tuệ và bổ ích để cùng bàn về công cuộc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt nói chung, trên truyền thông đại chúng nói riêng.

Quang cảnh hội thảo.

Hội thảo đã vinh dự nhận được lẵng hoa chúc mừng của Chủ tịch nước Trần Đại Quang; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương- Đinh Thế Huynh; Đồng chí Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến dự và phát biểu chỉ đạo tại hội thảo. Ngài Saadi Salama- Đại sứ Palestine tại Việt Nam cũng đến tham dự và có bài phát biểu đầy ấn tượng tại hội thảo.
Các đồng chí: PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ- Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam- Trưởng ban tổ chức Hội thảo; Hồ Quang Lợi- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; GS. TS Lê Quang Thiêm- Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Việt Nam điều hành hội thảo.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Tiếng Việt ẩn sâu trong đó là niềm tự hào, tự tôn dân tộc
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nhận định, việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là “là một công việc lâu dài, phải kiên trì, phải nhìn xa, thấy rộng, phải làm từng bước với tất cả ý thức trách nhiệm của mỗi người chúng ta, với lòng tự hào về tiếng nói của dân tộc và lòng phấn khởi và tin tưởng đang góp phần của mình vào một công việc vừa quan trọng vừa tốt đẹp vô cùng”.
Và chúng ta đều thấm thía rằng, việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt ẩn sâu trong đó là niềm tự hào, tự tôn dân tộc; thể hiện nhận thức sâu sắc của các nhà lãnh đạo và nhân dân ta về vai trò của văn hóa – nguồn cội sức mạnh của dân tộc trong lịch sử mấy nghìn năm đấu tranh gian khổ dựng nước, giữ nước. Tương lai của quốc gia, của dân tộc không chỉ là từ tiềm lực kinh tế, mà sâu xa là từ văn hóa, từ con người.
Nhận thức rõ được tầm quan trọng đó, Hội thảo được tổ chức với mục đích khẳng định, đề cao vai trò, vị thế của tiếng Việt – ngôn ngữ chính thức của nước Việt Nam thống nhất, trên các phương tiện thông tin đại chúng; đồng thời góp phần tạo các định hướng cho việc giữ gìn và phát triển của tiếng Việt phù hợp với yêu cầu giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc qua ngôn ngữ, nhất là trong bối cảnh và trách nhiệm truyền thông hiện đại.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ- Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam khẳng định: “Hội thảo khoa học quốc gia “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng” có thể coi là hội nghị toàn quốc lần thứ 3, sau hai hội nghị về “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” tổ chức năm 1966 và 1979, tập trung nhiều hơn cho việc sử dụng tiếng Việt ở lĩnh vực thông tin đại chúng. Bởi lẽ, trong những năm gần đây, có khá nhiều vấn đề nổi cộm liên quan đến ngôn ngữ báo chí, được dư luận quan tâm và lo lắng. Đó là việc dùng từ ngữ, câu văn tùy tiện, cẩu thả, rút tít thiếu cân nhắc, sai thực tế, sử dụng tiếng nước ngoài khá tùy tiện… tác động tiêu cực, nhanh chóng đến đông đảo công chúng, nhất là giới trẻ.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh: “Thông qua hội thảo lần này, Ban Chỉ đạo và Ban tổ chức hội thảo kính đề nghị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Chính phủ, là Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam và các cơ quan liên quan cần chăm lo công tác chỉ đạo, quản lý, tư vấn việc sử dụng tiếng Việt, việc giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng, hoàn thiện pháp luật, chính sách về ngôn ngữ, về tiếng Việt hướng tới xây dựng Bộ Luật Tiếng Việt, khen thưởng những tập thể, cá nhân có nỗ lực và thành tích trong công tác này; chấn chỉnh, xử phạt nghiêm minh những hành vi sai trái, lệch lạc”.
PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ cho rằng, đã đến lúc chúng ta phải đánh giá, nhìn nhận lại việc sử dụng tiếng Việt, cái gì tốt thì phát huy, nâng lên; cái gì sai, lệch lạc phải điều chỉnh. Việc sử dụng tiếng Việt trên các phương tiện báo chí và truyền thông rất cần sự nhìn nhận đầy đủ, sâu sắc và nghiêm túc, từ đó chấn chỉnh những sai sót, yếu kém.

Giữ gìn sự trong sáng đi đôi với phát triển, làm mới tiếng Việt
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hoan nghênh các đơn vị về sáng kiến tổ chức Hội thảo và đánh giá cao sự quan trọng, cần thiết và ý nghĩa mà chủ đề Hội thảo đã đặt ra.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Việt Nam tự hào về lịch sử dựng nước, giữ nước mấy ngàn năm; về nền văn hiến rực rỡ của dân tộc. Trong nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, tiếng Việt là một thành tố quan trọng.
Như Bác Hồ đã dạy, tiếng Việt là tài sản quý báu của dân tộc mà chúng ta phải giữ gìn. Người đã có những lời dặn rất sâu sắc về cách nói, cách viết tiếng Việt sao cho ngắn gọn, trong sáng, giản dị, dễ hiểu. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã nói rất rõ ràng về sự trong và sáng trong tiếng Việt. Tôi nghĩ rằng các nhà báo thì càng cần phải thấm thía và phải rèn kĩ năng để thực hiện những yêu cầu và vì mỗi một phát ngôn, mỗi câu văn của nhà báo có tính định hướng và lan tỏa rất sâu rộng trong xã hội và lan tỏa rất nhanh trên môi trường mạng xã hội. Vì vậy, Phó Thủ tướng cho rằng: các cơ quan báo chí và đội ngũ nhà báo phải rèn kĩ năng để giữ gìn sự trong sáng đi đôi với phát triển, làm mới tiếng Việt. Trong quá trình hội nhập phát triển nói chung, làm giàu tiếng Việt nói riêng, việc tiếp thu những thành tựu của văn minh nhân loại hay mượn tiếng nước ngoài để làm giàu thêm tiếng Việt là một yếu tố khách quan. Tuy nhiên, sự tiếp thu phải có chọn lọc và không đánh mất bản sắc. Tôi rất mong hội thảo này ngoài các tham luận có tính khoa học, sâu sắc cũng sẽ đưa ra được nhiều khuyến nghị đối với nhà nước, đối với xã hội để công việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt ngày càng được thực hiện tốt hơn”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội thảo.

Rất cần những quy định pháp lí về việc dùng tiếng Việt
Với chủ đề “Thử tìm nguyên nhân và giải pháp”, tham luận của nhà báo lão thành Phan Quang đã nêu lên rất rõ vai trò của báo chí trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, trong đó khẳng định: Báo chí nước ta có công đầu trong việc hoàn chỉnh, nâng cao, lan tỏa tiếng Việt, đã cùng với giáo dục đặt nền móng quốc văn, tạo môi trường xây dựng văn học Việt Nam hiện đại. Quá trình ấy diễn ra liên tục, trên con đường tiến hóa chúng ta đã loại bỏ, gác lại những gì không còn phù hợp, tiếp thu những cái mới và cần từ các ngôn ngữ khác, đổi mới cấu trúc lời văn, làm cho tiếng Việt ngày càng phong phú, uyển chuyển, đáp ứng mọi nhu cầu hiện đại mà vẫn giữ được bản sắc… Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhà báo Phan Quang cũng chỉ rõ: Thời hội nhập, với sự bùng nổ thông tin, giao lưu tiếp biến văn hóa ngày càng sâu rộng thì báo chí, truyền thông nước ta, bên cạnh mặt tích cực vẫn được duy trì, lại có công đi đầu trong việc tiếp nhận hỗn tạp, xô bồ tiếng nước ngoài, làm giảm sút sự trong sáng của tiếng Việt, dẫn tới nguy cơ biến dạng ngôn ngữ quốc gia. Vấn nạn này không phải chỉ có riêng ta…

Nhà báo lão thành Phan Quang phát biểu tại hội thảo.

Trong bài phát biểu “Nâng cao vai trò của các cấp Hội Nhà báo trong việc hạn chế những bất cập, lệch lạc của tiếng Việt trên báo chí”, nhà báo Hồ Quang Lợi- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, bên cạnh khẳng định những đóng góp quan trọng của báo chí về mặt ngôn ngữ thì cũng đã nhận diện rõ thực trạng những bất cập, lệch lạc, yếu kém của việc dùng tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng hiện nay. Đó là việc dùng tiếng Việt sai nghĩa, là hiện tượng lạm dụng, dùng, vay mượn tiếng nước ngoài tràn lan trên báo chí; đó là tình trạng viết sai, nói và đọc sai ngữ pháp tiếng Việt; tình trạng viết giật gân, câu khách, cách diễn đạt cộc lốc, câu cụt… . Chính những sai sót trên báo chí đã làm ảnh hưởng xấu đến công chúng báo chí và để lại những hậu quả nặng nề trong xã hội. Nguyên nhân là do sự non yếu cả về nhận thức và kiến thức ngôn ngữ của bản thân nhà báo; công tác biên tập ngôn ngữ tiếng Việt ở các cơ quan báo chí chưa được coi trọng đúng mức; và các cơ quan báo chí và các cấp Hội Nhà báo chưa thực sự quan tâm công tác bồi dưỡng nghiệp vụ về ngôn ngữ báo chí, nhất là việc sử dụng tiếng Việt; đặc biệt là thiếu những quy định pháp lí về việc dùng tiếng Việt. Viết sai, nói sai, làm hỏng tiếng Việt cũng không bị xử lí…
Vì thế, với vai trò là tổ chức chính trị- xã hội- nghề nghiệp của những người làm báo cả nước, là vai trò ngôi nhà chung, tập hợp, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí và đạo đức nghề nghiệp cho hội viên, từ thực tế theo dõi, quản lý hoạt động nghiệp vụ và nắm bắt nhu cầu bồi dưỡng nghiệp vụ của hội viên, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nêu ra các giải pháp quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tiếng Việt trên báo chí và nâng cao hơn nữa vao trò của các cấp Hội Nhà báo Việt Nam trong việc góp phần gìn giữ sự trong sáng và bản sắc tiếng Việt trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Đồng chí Hồ Quang Lợi cho biết, trong bản Quy định về đạo đức người làm báo Việt Nam do Hội Nhà báo Việt Nam xây dựng, sửa đổi (sắp được ban hành) sẽ có một Điều quy định rõ: “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới”…
Hội thảo đã nhận được gần 300 báo cáo khoa học, gần 100 bài viết, ý kiến của những nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà giáo, nhà văn, nhà báo và công chúng báo chí trên cả nước. Các đại biểu sẽ thảo luận tại 3 tiểu ban, với các chủ đề tham luận chính: Những vấn đề chung; Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên sóng phát thanh và truyền hình; Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên báo viết.
Các báo cáo và bài viết đều mang tính khoa học cao, có sự kết hợp giữa lý luận và thực tiễn, thể hiện sự nhìn nhận, nghiên cứu, đánh giá công phu, nghiêm túc về việc sử dụng Tiếng Việt, nhất là việc sử dụng Tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng những năm gần đây.
Cùng với đó là những kiến nghị và đề xuất giải pháp nhằm góp phần giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng, từ đó, thúc đẩy công cuộc giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt ở mọi lúc, mọi nơi, mọi ngành, mọi giới, mọi người.
Rất nhiều tham luận được trình bày tại Hội thảo, tập trung thảo luận về: Vấn đề ngôn ngữ và ngôn ngữ truyền thông đại chúng; những đóng góp của báo chí, truyền thông về ngôn ngữ; tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý đối với việc sử dụng tiếng Việt, coi trọng việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng, như tham luận: “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện truyền thông đại chúng” của GS TS Nguyễn Văn Hiệp – Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học; Tham luận “Những vấn đề về giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện truyền thông hiện nay” của GS TS Nguyễn Văn Khang- Phó Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Ngôn ngữ và đời sống; bài phát biểu đầy ấn tượng của Đại sứ Palestine tại Việt Nam… và rất nhiều diễn giả khác.

Ngọc Lành

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/giu-gin-su-trong-sang-di-doi-voi-phat-trien-lam-moi-tieng-viet/