Hội thảo góp ý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

Sáng 11.4, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội - 35 Ngô Quyền, Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh và Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển đồng chủ trì hội thảo.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại hội thảo

Luật Di sản văn hóa được Quốc hội Khóa X thông qua tại Kỳ họp thứ Chín, ngày 29.6.2001. Tiếp đó, Luật được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XII, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi để đẩy mạnh sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, bảo đảm giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tuy nhiên, sau hơn 20 năm Luật Di sản văn hóa được ban hành và hơn 10 năm được sửa đổi, bổ sung, bên cạnh những kết quả đạt được, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa cũng dần bộc lộ một số hạn chế, bất cập cả về nội dung và hình thức trong từng lĩnh vực cụ thể.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển phát biểu tại hội thảo

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội Khóa XV cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Bảy và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Tám.

Gợi ý một số nội dung thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề nghị các đại biểu tập trung góp ý khách quan, toàn diện vào những chính sách lớn, căn bản, trọng tâm như: các khái niệm trong dự thảo luật; sở hữu toàn dân về di sản văn hóa; phân loại di tích; khu vực bảo vệ; vấn đề quy hoạch; di sản tư liệu; hợp tác công tư trong bảo tồn di sản văn hóa.

Về tiêu chuẩn chuyên gia giám định di vật, cổ vật, dự thảo luật quy định “có ít nhất 3 bài báo khoa học về cổ vật được công bố trên tạp chí khoa học chuyên ngành hoặc tham gia biên soạn sách chuyên khảo về cổ vật đã được xuất bản”.

Theo các đại biểu, cần cân nhắc kỹ lưỡng vì quy định này có thể mang tính khả thi tại một số thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội... nơi có nhiều chuyên gia đang công tác, nghiên cứu tại các bảo tàng quốc gia, bảo tàng chuyên ngành đầu hệ, các viện nghiên cứu... còn đối với các tỉnh địa phương thì tương đối khó thực hiện.

Quang cảnh hội thảo

Bên cạnh đó, các chuyên gia tại nhiều địa phương được đào tạo đúng chuyên ngành, có kinh nghiệm chuyên môn, am hiểu chuyên môn, có năng lực giám định, tuy nhiên lại ít có cơ hội tham gia các hoạt động nghiên cứu, in ấn xuất bản công trình chuyên môn... Trong khi đó, việc sưu tầm hiện vật tại các bảo tàng tỉnh nhiều khi cần giải quyết trong thời gian rất nhanh để đưa ra quyết định cho việc sưu tầm các di vật, cổ vật trước sự cạnh tranh của các bảo tàng khác hay các nhà sưu tập tư nhân.

Một số ý kiến cũng cho rằng việc quản lý các di sản, mô hình quản lý di tích của các địa phương hiện nay rất đa dạng, chưa thống nhất nên khó quản lý, khó xác định trách nhiệm khi có sai phạm trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Do đó, đề nghị quy định cụ thể hơn trong dự thảo luật, nhất là việc quản lý nguồn thu, chi, các nguồn xã hội hóa... tại các điểm di tích, lễ hội.

Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/hoi-thao-gop-y-du-thao-luat-di-san-van-hoa-sua-doi--i366068/