Hội thảo đầu bờ mô hình sản xuất lạc giống L29

Sáng 17/11, tại hội trường HTX Đông Thôn, xã Yên Thái (Yên Mô), Ban chủ nhiệm đề tài (Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ và Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Mô tổ chức hội nghị, hội thảo đầu bờ kết khai xây dựng mô hình sản xuất lạc giống L29 vụ thu đông năm 2023.

Các đại biểu tham quan mô hình thâm canh giống lạc L29 tại HTX Đông Thôn, xã Yên Thái (Yên Mô).

Dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, các tổ chức, đoàn thể xã Yên Thái, xã Yên Lâm và các hộ nông dân tham gia dự án.

Từ tháng 1/2023 đến tháng 7/2025, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm phối hợp với sở, ngành và địa phương tiến hành nghiên cứu thử nghiệm sản xuất giống lạc mới và thâm canh giống lạc có tiềm năng về năng suất, chống chịu tốt với sâu bệnh hại nhằm tăng thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác tại tỉnh Ninh Bình.

Theo đó, Ban chủ nhiệm đề tài đã thực hiện các bước, khảo sát lựa chọn địa điểm thực hiện và các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất giống và thâm canh giống lạc L29 cho các hộ tham gia xây dựng mô hình.

Đề tài xây dựng thành công 10 ha mô hình sản xuất lạc giống, đảm bảo chất lượng làm giống tại xã Yên Lâm và Yên Thái với quy mô 5 ha/xã. Trong đó xã Yên Thái có 50 hộ và xã Yên Lâm có 38 hộ tham gia mô hình.

Cùng với đó, tổ chức các hội nghị, hội thảo đầu bờ giới thiệu, đánh giá mô hình sản xuất giống lạc L29 ở vụ đông và thâm canh ở vụ xuân, nhằm nhân rộng mô hình trên địa bàn.

Kết quả bước đầu cho thấy, cây lạc phù hợp với đồng đất, sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh hại, năng suất dự kiến ước đạt 108 kg/sào, tương đương 3 tấn/ha, cao hơn nhiều so với các giống lạc trồng trước đây. Đến nay, lạc giống L29 sắp đến thời kỳ thu hoạch.

Cùng với thực hiện tại huyện Yên Mô, đề tài cũng đồng thời nghiên cứu hoàn thiện quy trình kỹ thuật thâm canh giống mới phù hợp với điều kiện sinh thái tại huyện Yên Khánh, kết quả khả quan sẽ từng bước thay thế dần các giống lạc đang trồng ở địa phương năng suất thấp, khả năng chống chịu kém.

Song song với việc ứng dụng các mô hình trình diễn giống lạc L29 phục vụ cho việc mở rộng sản xuất trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm còn phối hợp với các công ty thu mua lạc thương phẩm phục vụ chế biến và ăn tươi.

Sự phối hợp này sẽ tạo sự gắn kết giữa 4 nhà (người sản xuất, nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp) trong việc sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Tin, ảnh: Minh Đường

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/hoi-thao-dau-bo-mo-hinh-san-xuat-lac-giong-l29/d2023111713492526.htm