Hội nhập và an sinh xã hội

Khi hội nhập ngày càng sâu rộng, Việt Nam càng cần phải hoàn thiện tấm lưới an sinh xã hội để bảo vệ những nhóm người yếu thế trong xã hội.

Tiến trình xây dựng một hệ thống phúc lợi xã hội hiện đại nhằm giảm chênh lệch giàu nghèo, dù được quan tâm nhưng tiến triển rất chậm. Ảnh: phapluatplus.vn

Trong gần 10 năm qua, Việt Nam tự do hóa thương mại rất nhanh và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Hướng đi đó đúng, nhưng đáng quan ngại ở hai điểm. Thứ nhất, các nỗ lực cải cách tiếp theo để tiến tới một nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh đã không đạt được tiến bộ nào đáng kể sau khi gia nhập WTO. Thứ hai, tiến trình xây dựng một hệ thống phúc lợi xã hội hiện đại nhằm giảm chênh lệch giàu nghèo, thúc đẩy bình đẳng cơ hội, đảm bảo thành quả tăng trưởng kinh tế được phân phối công bằng, dù được quan tâm, nhưng tiến triển chậm chạp.

Một vấn đề lớn đã có thể thấy rất rõ là khoảng cách thu nhập giữa các nhóm dân cư đang mở rộng nhanh. Các nhóm yếu thế, lao động ở khu vực phi chính thức không được đảm bảo phúc lợi đầy đủ.

Về lâu dài, tình hình có nguy cơ xấu đi khi Việt Nam bị đặt trước “rủi ro kép”. Một mặt, hội nhập sâu nhưng nền tảng công nghiệp, nền tảng sản xuất trong nước thấp, năng suất lao động thấp nên dễ bị kẹt lại phía dưới trong chuỗi giá trị toàn cầu (hay nói rộng hơn, có nguy cơ cao bị kẹt trong bẫy thu nhập trung bình). Mặt khác, hệ thống an sinh xã hội trong nước không hoàn chỉnh, dân số già hóa nhanh, phân tầng xã hội lớn, càng khiến cho các nhóm yếu thế, lao động ở khu vực phi chính thức chịu nhiều thiệt thòi hơn.

Chính phủ vừa công bố chương trình hành động cho năm năm tới, tập trung vào sáu nhóm công việc, trong đó mục tiêu thứ ba là đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, chưa nói đến mức độ quan tâm (chưa đầy một trang giấy cho nhóm công việc này), chương trình dàn trải và thiếu định hướng rõ ràng như thế này không thể giúp xây dựng hệ thống an sinh mạnh, vốn là “bệ đỡ” bảo vệ cho các nhóm dễ bị tổn thương trong tiến trình hội nhập kinh tế toàn cầu.

Theo tôi, Việt Nam nên chấm dứt cách tiếp cận “xóa đói, giảm nghèo” để chuyển sang định hướng xây dựng một hệ thống an sinh xã hội hiện đại. Trong nhiệm kỳ này, Chính phủ nên ưu tiên cho các công việc cụ thể gồm:

Thứ nhất, nhanh chóng gỡ bỏ các rào cản về hộ khẩu trong tiếp cận dịch vụ công. Lao động nhập cư vào các đô thị, kể cả lao động trong khu vực phi chính thức, được sử dụng dịch vụ y tế, giáo dục, điện, nước... mà không bị phân biệt đối xử bởi rào cản hộ khẩu. Hộ khẩu có thể duy trì như một thủ tục đăng ký cư trú, nhưng dịch vụ công ích thì cần tách bạch ra khỏi hệ thống hộ khẩu, đảm bảo cho người nghèo, lao động di cư, lao động ở khu vực phi chính thức tiếp cận đầy đủ và dễ dàng.

Thứ hai, cải cách hệ thống bảo hiểm xã hội theo hướng thị trường, minh bạch và cạnh tranh hơn. Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, nếu vẫn hoạt động theo cung cách như một tổ chức hành chính sự nghiệp như hiện nay, thì không cách nào mở rộng che phủ bảo hiểm ở khu vực phi chính thức. Thị trường hóa, đa dạng hóa các tổ chức cung cấp, cũng như các loại hình, các gói bảo hiểm xã hội cũng sẽ giúp cho hệ thống an sinh trở nên đa tầng, toàn diện hơn, san sẻ gánh nặng cho Nhà nước.

Thứ ba, cần tranh thủ dịp sửa Bộ luật Lao động hiện nay tập trung vào việc nới lỏng các quy định về quan hệ lao động (giao kết, hợp đồng, thuê mướn, sa thải) để khuyến khích “chính thức hóa” khu vực kinh tế phi chính thức vốn còn chiếm tỷ lệ quá cao như hiện nay. Quy định về lao động nên được thiết kế hướng vào các thiết chế bảo vệ người lao động (ví dụ hệ thống công đoàn), thay vì nặng về bảo vệ việc làm như hiện tại.

Thứ tư, chương trình hành động của Chính phủ đã đề cập đến yếu tố thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng vào các hoạt động trợ giúp xã hội. Nhưng khung pháp lý cho hoạt động này là chưa rõ ràng và mang tính khuyến khích. Các tổ chức thiện nguyện, tổ chức phi chính phủ hoạt động chuyên nghiệp ở Việt Nam còn rất hạn chế. Thay vì xây dựng Luật về Hội với nội hàm quá rộng như vừa qua (và vừa bị Quốc hội hoãn thông qua), nên ưu tiên xây dựng Luật về các tổ chức phi lợi nhuận và văn bản dưới luật để thúc đẩy nhóm các tổ chức phi lợi nhuận hình thành và hoạt động nhanh hơn. Nguồn lực xã hội, nếu được giải phóng sẽ giúp san sẻ được rất nhiều gánh nặng của Nhà nước về an sinh xã hội.

Tuy nhiên, thiết nghĩ vấn đề lớn nhất ở Việt Nam không phải là xây dựng chính sách mà là vấn đề thực thi. Rất nhiều chính sách, rất nhiều những việc dù ý thức được là cần làm đã không được thực thi đến nơi đến chốn. Do đó, “nghĩ” và “nói” chưa đủ, quan trọng nhất vẫn là làm.

(*) Chuyên gia chính sách công độc lập

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/154202/hoi-nhap-va-an-sinh-xa-hoi.html/