Hội nghị tập huấn Nâng cao năng lực học tập suốt đời cho cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Quảng Ninh

Sáng 16/4, tại TP Hạ Long, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Quảng Ninh tổ chức Hội nghị tập huấn, hướng dẫn xây dựng năng lực học tập suốt đời cho gần 500 đại biểu là cán bộ quản lý giáo dục và cán bộ Hội Khuyến học các cấp.

Hội nghị tập huấn Nâng cao năng lực học tập suốt đời cho cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: Trần Đức Quyết)

Phát biểu khai mạc Hội nghị, bà Châu Hoài Thu – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, trong những năm qua, tuy còn nhiều thách thức, khó khăn nhưng ngành giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong công tác khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Hội nghị tập huấn được tổ chức nhằm tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của học tập suốt đời trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0; xây dựng năng lực tự học, học tập suốt đời trong đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và cán bộ quản lý Hội Khuyến học các cấp, từ đó xây dựng văn hóa học tập suốt đời trong các nhà trường, góp phần xây dựng xã hội học tập.

Bà Châu Hoài Thu – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh phát biểu khai mạc Hội nghị. (Ảnh: Trần Đức Quyết)

Báo cáo viên tại Hội nghị là bà Tống Liên Anh, Thạc sĩ - Chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục người lớn và học tập suốt đời. Trong 10 năm công tác tại Bộ Giáo dục và Đào tạo, bà phụ trách các đề án, chương trình về xây dựng xã hội học tập và thúc đẩy học tập suốt đời. Bà là thành viên của PIMA – Mạng lưới chuyên gia, nhà hoạt động xã hội và học giả về giáo dục người lớn và học tập suốt đời quốc tế. Bà cũng là chuyên gia duy nhất tại Việt Nam hai lần nhận học bổng của Viện Học tập suốt đời của UNESCO, đồng thời là tác giả, dịch giả của hàng trăm bài báo, ấn phẩm về học tập suốt đời trong và ngoài nước.

Báo cáo viên trình bày các nội dung tập huấn. (Ảnh: Trần Đức Quyết)

Báo cáo viên trình bày các nội dung tập huấn. (Ảnh: Trần Đức Quyết)

Hội nghị được nghe bà Tống Liên Anh chia sẻ về 4 modules chính bao gồm: Lịch sử ra đời và phát triển của khái niệm học tập suốt đời; Tầm quan trọng của học tập suốt đời trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0; Xây dựng năng lực học tập suốt đời cho đội ngũ cán bộ quản lý và Xây dựng văn hóa học tập suốt đời cho nhà trường, góp phần xây dựng xã hội học tập.

Học viên thảo luận sôi nổi. (Ảnh: Trần Đức Quyết)

Module đầu tiên gợi mở những thảo luận sâu sắc về triết lý ẩn chứa trong lịch sử ra đời và sự vận động của khái niệm học tập suốt đời cũng như tác động của nó đến các chính sách giáo dục toàn cầu và tại Việt Nam. Module thứ hai đưa đến những kiến giải về các lý do khách quan, chủ quan, trong nước và quốc tế khiến học tập suốt đời ngày trở thành một nhu cầu bức thiết của mỗi cá nhân và của toàn xã hội. Modules thứ ba đưa ra những gợi ý, hướng dẫn về các phương pháp, cách thức để mỗi người có thể bắt đầu hành trình học tập suốt đời của bản thân và module thứ tư hướng dẫn quy trình xây dựng văn hóa học tập suốt đời trong các cơ sở giáo dục.

Hội trường thảo luận về các vấn đề liên quan tới triển khai học tập suốt đời trong trường học. (Ảnh: Trần Đức Quyết)

Hội nghị tập huấn đã thu hút sự tham gia thảo luận, trao đổi sôi nổi của các học viên, trong đó có những học viên cao tuổi là cán bộ Hội khuyến học vượt hàng trăm km đường xa đến để học tập và chia sẻ kinh nghiệm. Hội nghị đã đưa đến một nhận thức quan trọng về học tập suốt đời hay xây dựng xã hội học tập không phải là nhiệm vụ của riêng ngành giáo dục mà là của liên cấp, liên ngành, của toàn xã hội. Để góp phần tích cực vào xây dựng xã hội học tập, thì bản thân mỗi người, đặc biệt là những cán bộ trong ngành giáo dục phải trở thành một người học tập suốt đời đích thực.

Nhiều học viên lớn tuổi là cán bộ của Hội khuyến học các cấp tham gia Hội nghị tập huấn. (Ảnh: Trần Đức Quyết)

Chu Văn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hoi-nghi-tap-huan-nang-cao-nang-luc-hoc-tap-suot-doi-cho-can-bo-quan-ly-giao-duc-tinh-quang-ninh-268393.html