Hội nghị cấp cao APEC 27: Xây dựng tầm nhìn sau năm 2020

Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 27 chính thức diễn ra ngày 20/11 với sự tham dự của lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên trong khu vực. Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự Hội nghị.

Hướng tới phục hồi, tăng trưởng kinh tế sau COVID-19

Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 27 được tổ chức trong bối cảnh khó khăn chung của khu vực và thế giới, dưới tác động của dịch COVID-19 kéo dài suốt 1 năm qua. Do đó, hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Đây là lần thứ 2 Malaysia chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh APEC. Thái Lan sẽ là quốc gia đăng cai tổ chức năm APEC 2022.

Với vai trò chủ nhà, Malaysia đề xuất chủ đề của năm APEC 2020 là “Tận dụng tiềm năng con người vì một tương lai tự cường, thịnh vượng chung”, tập trung vào 3 ưu tiên gồm: Cải thiện thương mại và đầu tư; Kinh tế bao trùm thông qua kỹ thuật và kinh tế số; Thúc đẩy bền vững sáng tạo. Dự kiến sẽ có 2 văn kiện được thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC là Tuyên bố Kuala Lumpur 2020 và Tầm nhìn APEC sau năm 2020. Trong đó, Tầm nhìn APEC sau năm 2020 là chính sách chủ chốt sẽ thay thế cho “Mục tiêu Bogor” sẽ hoàn tất và hết hạn vào cuối năm nay.

Thủ tướng nước chủ nhà Malaysia Muhyiddin Yassin khẳng định, dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát, ảnh hưởng nghiêm trọng và tác động lâu dài đến các nước trong khu vực nên nước chủ nhà APEC vạch ra các ưu tiên chính tại hội nghị này là hướng tới phục hồi và tăng trưởng kinh tế sau dịch bệnh COVID-19, đồng thời tái định hình APEC.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tham dự Hội nghị liên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao - kinh tế APEC trong Tuần cấp cao APEC 27.

Bên cạnh đó, Mục tiêu Bogor về thương mại, đầu tư tự do suốt hơn 2 thập niên qua đã loại bỏ nhiều rào cản về thuế quan, hành chính, giúp cho các nền kinh tế hội nhập và liên kết tốt hơn, hình thành các chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, góp phần đưa các doanh nghiệp xích lại gần nhau.

Với dân số 3 tỷ người, 21 nền kinh tế APEC chiếm khoảng 60% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới và gần 50% thương mại toàn cầu, APEC tiếp tục hướng tới tự do hóa thương mại và đầu tư nhằm đạt được sự tăng trưởng và thịnh vượng bền vững ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC, một loạt văn kiện cũng sẽ được 21 quốc gia thành viên xem xét thông qua như Tuyên bố của Bộ trưởng APEC về ứng phó với đại dịch COVID-19; Tuyên bố về việc tạo thuận lợi cho việc di chuyển các mặt hàng thiết yếu trong bối cảnh đại dịch COVID-19; Thiết lập cơ sở dữ liệu để ứng phó với COVID-19 và phục hồi doanh nghiệp (LIVE); Sáng kiến thành lập Quỹ hỗ trợ APEC về hợp tác ứng phó với COVID-19 và phục hồi kinh tế (CCER).

Việt Nam - thành viên chủ động, tích cực của APEC

Việt Nam tham gia Diễn đàn APEC 2020 với vị thế được nâng cao, đặc biệt trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên Không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Việt Nam tích cực ủng hộ, chủ động phối hợp chặt chẽ với nước chủ nhà Malaysia và các thành viên bảo đảm giữ đà hợp tác APEC trong bối cảnh hợp tác APEC bị ảnh hưởng và gián đoạn do dịch bệnh bùng phát; thúc đẩy để các Hội nghị APEC ra được Tuyên bố chung, khẳng định tinh thần hợp tác APEC.

Trong năm 2020, Việt Nam đã tích cực tham gia, đóng góp tại gần 100 cuộc họp, hội nghị của APEC được tổ chức (cả hình thức trực tiếp và trực tuyến), nhất là tham dự 9 hội nghị, đối thoại cấp Bộ trưởng. Việt Nam đồng thời chủ động, tích cực tham gia và đóng góp xây dựng nhiều văn bản định hướng hợp tác quan trọng của APEC như: Tầm nhìn APEC sau 2020 (đây là một trong những đề xuất quan trọng của Việt Nam, Việt Nam cũng đảm nhiệm vai trò Phó Chủ tịch Nhóm xây dựng Tầm nhìn APEC), Tầm nhìn năng lượng APEC sau 2020, Chương trình cải cách cơ cấu APEC giai đoạn 2021-2025 (với vai trò Trưởng nhóm công tác), các Tuyên bố hội nghị cũng như các báo cáo quan trọng khác.

Trần Hải

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/hoi-nghi-cap-cao-apec-27-xay-dung-tam-nhin-sau-nam-2020-n183094.html