Hội làng ngày Xuân

Phú Thọ - Đất Tổ là vùng đất lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống với hàng trăm lễ hội tiêu biểu, gắn liền với yếu tố tâm linh, đặc biệt là tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Không gian lễ hội trải khắp nơi trên địa bàn tỉnh, chủ yếu tập trung vào mùa Xuân với ý nghĩa cầu mong một năm mới vui vẻ, ấm no, hạnh phúc.

Lễ hội đình Đào Xá, huyện Thanh Thủy thu hút đông đảo người dân tham gia, đặc biệt là phần lễ rước voi.

Tưng bừng mở hội tháng Giêng

Tháng Giêng về, hòa trong không khí rộn ràng, tươi mới của đất trời là tiếng trống khai hội ở các làng quê. Tiếng trống hội vừa âm vang, thanh thoát vừa như thúc giục, níu kéo, gọi mời khiến lòng người thêm háo hức, hân hoan. Mùa Xuân vốn được coi là mùa của lễ hội, bên cạnh những lễ hội với quy mô lớn thì hội làng đầu Xuân vẫn là một nghi lễ quan trọng được người dân mong đợi nhất, được coi là cuốn hút nhất, tưng bừng nhất với những nghi thức tôn nghiêm và thuần Việt như: Tế lễ, rước kiệu, diễn trò...

Sau ba năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID- 19, lễ hội Trò Trám (ngày 11 - 12 tháng Giêng) xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao năm nay được tổ chức đầy đủ gồm cả phần lễ và phần hội đã thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương tham dự. Đây là lễ hội dân gian độc đáo trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung được người dân trân trọng, giữ gìn nhằm tôn vinh tín ngưỡng phồn thực, mang theo ước nguyện, cầu mong sự phồn vinh cho muôn loài và con người của cư dân nông nghiệp. Lễ hội được diễn ra với nhiều hoạt động đặc sắc như: Diễn trò “Tứ dân chi nghiệp”, tế lễ, lễ rước lúa thần... Tâm điểm và cũng là linh hồn của Trò Trám là Lễ Mật được diễn ra vào khoảnh khắc giao thời đêm ngày 11 rạng sáng ngày 12 tháng Giêng tại miếu Trò. Vui mừng khi lần đầu tiên được đến lễ hội Trò Trám, chị Nguyễn Lan Phương, Hà Nội chia sẻ: “Gia đình tôi rất mong chờ đến ngày này để được tham gia lễ hội, đã nghe mọi người nói nhiều, kể nhiều nhưng đây là lần đầu tiên được xem trực tiếp nên cảm xúc rất khác, không khí đông vui, náo nhiệt và cuốn hút ngay từ khi khai hội”.

Hội làng không chỉ tái hiện cuộc sống thuần nông của thời đại Hùng Vương với tín ngưỡng phồn thực cầu sự sinh sôi, nảy nở của con người, vật nuôi, cây trồng mà còn cảm tạ công tích của các tướng lĩnh thời Hùng Vương, các nhân vật lịch sử đã có công xây dựng quê hương, đất nước được người dân thờ phụng. Tiêu biểu là lễ hội đình Đào Xá, xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy với đặc trưng là hội rước voi, chính hội được tổ chức vào ngày 28 tháng Giêng. Nơi đây thờ Hùng Hải Công - em thứ 19 của Vua Hùng - người đã có công khai mở đất đai, dạy dân trị thủy, trồng cấy, chăn nuôi, xây dựng xóm làng trù phú. Đoàn rước có khoảng hơn trăm người, rước voi và kiệu văn, kiệu võ từ đình ra đền rồi quay về đình tế. Trên đường rước, trong khi hai “ông voi” vui đùa với người dân dự hội thì đoàn người cầm cờ chạy xung quanh hai kiệu, vừa chạy vừa hô vang tạo không khí huyên náo. Sau khi đoàn rước về đình người dân và du khách thập phương cùng dâng hương cầu phúc để cầu mong mùa màng tươi tốt và những điều tốt lành trong năm mới, ngày 29, đoàn rước voi lại rước long ngai, bài vị, sắc phong về đền đợi mùa hội sau.

Cũng như các lễ hội truyền thống, hội làng gồm hai phần lễ và hội, thường diễn ra ở các ngôi đình, miếu làng. Ở hội làng, phần hội bao giờ cũng náo nhiệt, tưng bừng hơn, là dịp thể hiện những sinh hoạt văn hóa cộng đồng từ múa, hát giao duyên, hát thờ, các cuộc thi tài mang tính thượng võ... Trong những ngày này, mọi lo toan đời thường của con người đều được gỡ bỏ để lòng người “mở cửa” đón Xuân.

Lễ hội Trò Trám diễn ra với nhiều hoạt động đặc sắc.

Giữ gìn và phát huy lễ hội dân gian truyền thống

Hội làng có một vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống của dân làng, trở thành nếp sinh hoạt văn hóa dân gian, một món ăn tinh thần không thể thiếu của nhân dân ở mọi vùng quê, hướng con người vào tập thể, đề cao ý thức cộng đồng vì một ước nguyện chung cho sự phồn vinh của làng xã. Trải qua thăng trầm của hàng nghìn năm lịch sử, dẫu có nhiều đổi thay, mai một, song đa phần lễ hội truyền thống trên đất cội nguồn vẫn được duy trì, khôi phục như minh chứng rõ ràng nhất về sức sống trường tồn của các giá trị văn hóa truyền thống cũng như tinh thần gắn kết cộng đồng làng xã, thôn bản.

Ông Nguyễn Hữu Nhàn- Nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian tỉnh chia sẻ: “Hội làng không chỉ là tấm gương phản chiếu nền văn hóa, mà còn là nơi hun đúc, kết tinh, bảo tồn làm phong phú thêm và ngày càng phát huy nền văn hóa cao đẹp của dân tộc. Hội làng là nơi con người được sống trong không gian văn hóa đậm đặc và văn hóa đã làm nên những con người biết trân trọng, giữ gìn những giá trị lâu đời, như một “bảo tàng sống” được hồi sinh, sáng tạo, trao truyền nhất quán các giá trị văn hóa từ thế hệ này sang thế hệ khác”.

Điều quan trọng để gìn giữ “nếp làng”, để hội làng “sống mãi” với thời gian không chỉ là trách nhiệm của chính quyền địa phương mà còn phụ thuộc chính vào sự tâm huyết trao truyền của bậc cao niên và sự nhiệt tình, trách nhiệm của thế hệ trẻ kế nhiệm để làm nên sức sống trường tồn của hội làng.

Không chỉ là gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa làng, sự đa dạng, phong phú của hội làng còn góp phần thu hút du khách thập phương mỗi dịp du Xuân về với mảnh đất cội nguồn dân tộc. Việc tổ chức hiệu quả các hoạt động lễ hội có tác dụng khai thác tiềm năng du lịch, tạo nguồn thu ngân sách tuy nhiên cần bảo tồn một cách có chọn lọc các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc trong lễ hội, loại bỏ dần các yếu tố lạc hậu, xây dựng thêm các tiêu chí văn hóa mới phù hợp. Tăng cường công tác quản lý, nghiên cứu để việc tổ chức lễ hội, ngày càng khoa học, có ý nghĩa. Phục hồi những trò chơi dân gian truyền thống, coi trọng tính đặc thù, độc đáo của mỗi loại hình lễ hội, giữ lại nét riêng của mỗi lễ hội, gắn với truyền thống của mỗi vùng, miền.

Dù ở quy mô, cấp độ nào, các lễ hội truyền thống cũng luôn đảm bảo trang nghiêm, trọng thể phần lễ, vui tươi, lành mạnh, phong phú trong phần hội trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Chính sự đa dạng của hoạt động văn hóa trong lễ hội làm cho không gian của lễ hội luôn mới mẻ, tươi vui. Tham gia các lễ hội, người dân và du khách thập phương được quan sát, tiếp nhận và thưởng thức các giá trị văn hóa của cộng đồng, để từ đó họ ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của cha ông cho các thế hệ sau.

Thu Hương

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//du-lich-le-hoi/hoi-lang-ngay-xuan/190663.htm