Hồi ký của chiến sỹ Xô viết Nghệ Tĩnh - những 'đốm lửa hồng' (bài 2): Sáng ngời lý tưởng 'Còn một giờ cũng làm cách mạng'

Hồi ký của chiến sỹ Xô viết Nghệ Tĩnh - những 'đốm lửa hồng' (bài 2): Sáng ngời lý tưởng 'Còn một giờ cũng làm cách mạng'

Hành trình theo dòng hồi ký hoạt động cách mạng của những con người kiên trung trên quê hương TP Hà Tĩnh và huyện Thạch Hà đã giúp chúng tôi hiểu thêm về con đường trưởng thành của lớp đảng viên đầu tiên. Phần lớn các bậc tiền bối ấy đều sớm tiếp nhận “làn gió” của các tư tưởng tiến bộ yêu nước đầu thế kỷ XX, khi có Đảng dẫn lối đã tìm được con đường cách mạng, đã cống hiến tuổi thanh xuân cho đất nước với ý chí: “Còn một giờ cũng làm cách mạng”.

Những dòng hồi ký đã úa màu thời gian nhưng còn nóng hổi nhiều câu chuyện, dấu mốc và sự kiện đặc biệt trong cuộc đời của nữ chiến sỹ Xô viết Nguyễn Thị Khương (1912 - 2003) đã thôi thúc chúng tôi vượt quãng đường xa tìm gặp những người thân trong gia đình của cụ. Trong ngôi nhà cụ Khương đã sống cùng gia đình tại phường Hà Huy Tập - TP Vinh (Nghệ An) những năm tháng cuối đời, kể về người mẹ kính yêu của mình, người con trai út Tôn Tích Hợp năm nay đã 71 tuổi vẫn không kìm được nỗi nghẹn ngào. Hồi ức của người con trai cùng với hồi ký và những kỷ vật như muôn lớp sóng dội vào chúng tôi những sử liệu quý giá về cuộc đời cách mạng của cụ Nguyễn Thị Khương.

Ông Tôn Tích Hợp (con trai cụ Khương) bên những kỷ vật của mẹ.

Sinh ra và lớn lên ở TX Hà Tĩnh nhưng cụ Nguyễn Thị Khương là người gốc Huế. Cụ có chị gái Nguyễn Thị Giáo là vợ của cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập. Đây chính là mối nhân duyên đầu tiên đưa cụ đến với con đường cách mạng. Trong giai đoạn là nữ sinh, cụ Khương may mắn có nhiều thời gian sống cùng chị gái và anh rể nên sớm được tiếp xúc với các tư tưởng yêu nước tiến bộ. Trong nhiều hoạt động mà nữ sinh Nguyễn Thị Khương được tham gia thì việc chứng kiến anh rể Hà Huy Tập diễn thuyết, kêu gọi mọi người đứng lên đấu tranh đòi cơm ăn, áo mặc, đòi độc lập, tự do (tại Vinh) đã thổi bùng khát vọng được làm cách mạng trong lòng người thanh niên yêu nước.

Trở về Hà Tĩnh, nữ sinh Nguyễn Thị Khương nhanh chóng gia nhập nhóm học trò và trí thức tiến bộ của Trường Tiểu học Pháp - Việt Hà Tĩnh, chính thức bước vào con đường đấu tranh chống ách áp bức bóc lột. Năm 1928, nữ sinh Nguyễn Thị Khương được kết nạp vào Đảng Tân Việt, đảm nhận công tác liên lạc và tuyên truyền, vận động học sinh, phụ nữ TX Hà Tĩnh tham gia các hoạt động cách mạng.

Các nhà yêu nước đầu thế kỷ XX, trong đó có cố TBT Hà Huy Tập (anh rể của cụ Nguyễn Thị Khương) đã có những tác động rất lớn đến tư tưởng và hành động của rất nhiều thanh niên thời kỳ đó.

Trong rất nhiều trang sử của Hà Tĩnh còn ghi, năm 1930, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, dưới sự phụ trách của đồng chí Trần Hữu Thiều (Bí thư lâm thời đầu tiên của tỉnh Đảng bộ Hà Tĩnh), nữ sinh Nguyễn Thị Khương đã được lựa chọn vào hàng ngũ những người cộng sản lớp đầu tiên của tỉnh. Trong giai đoạn này, nữ sinh được giao phụ trách công việc ấn loát và nhờ khôn khéo, nhanh nhẹn, tháo vát nên đều hoàn thành tốt công việc, được cấp trên tin tưởng. Sau ngày 1/5/1930, phong trào đấu tranh ở Nghệ An ngày càng lên cao, Hà Tĩnh cũng phát động đấu tranh trên diện rộng. Lúc bấy giờ, nữ cán bộ cách mạng Nguyễn Thị Khương đã cải trang thành tiểu thương bán hàng xén để bí mật chuyển công văn, chỉ thị, truyền đơn đi các huyện. Để hoàn thành nhiệm vụ, người nữ đảng viên ấy đã phải bôn ba khắp nơi, có khi phải ăn bờ ở bụi để che giấu thân phận. Nguy hiểm rình rập nhưng cô tiểu thư thành thị vẫn kiên gan, không nao núng tinh thần.

“Nhiều đồng đội của mẹ mà chúng tôi gặp đã kể lại, bà là người thông minh, xinh đẹp lại thông thạo tiếng Pháp nên làm việc gì cũng thuận lợi. Đặc biệt, việc mẹ tôi được giao nhiệm vụ làm công tác binh vận, cảm hóa lính khố xanh tại Nhà lao Hà Tĩnh và binh lính ở đồn Khiêm Ích (Can Lộc) đã giúp bà nhiều lần thoát khỏi hiểm nguy trong gang tấc. Trong những câu chuyện kể lại quãng đời tham gia phong trào Xô viết, mẹ tôi thường nói, bà sống sót được là nhờ sự che chở của Nhân dân” - ông Hợp vừa lần giở “kho báu” tư liệu của ba mẹ, vừa nói với chúng tôi.

Bức ảnh chân dung của cụ Nguyễn Thị Khương trong thời gian bị giặc bắt giam (ảnh 1). Cụ Nguyễn Thị Khương (ngoài cùng bên trái) tại cuộc gặp mặt các chiến sỹ cách mạng bị tù trong thời kỳ 1930 - 1945 (ảnh 2). Ảnh tư liệu

Phong trào đấu tranh càng lên cao, địch càng đàn áp dữ dội. Cuối năm 1930, sau nhiều lần vây hãm bất thành, cuối cùng cụ Nguyễn Thị Khương cũng bị địch bắt và kết án 6 năm tù giam. Trong tù, dẫu bị tra tấn dã man, cụ vẫn quyết chí không khai nửa lời; những dòng hồi ký của cụ vẫn còn nguyên vẹn tinh thần bất khuất ấy: “Tôi không biết. Nếu các ông đã biết rồi thì đi mà bắt họ chứ sao lại hỏi tôi”, hoặc khi bị chúng ép ký vào biên bản lời khai, cụ đanh thép trả lời: “Tôi không làm nên không biết gì hết, không biết thì tôi không thể ký”. Ở trong tù, tinh thần của cụ vẫn luôn vững vàng, cụ kết nối với các bạn tù, dạy chị em học chữ Quốc ngữ, làm thơ, học tiếng Pháp.

Ảnh lưu niệm của vợ chồng cụ Nguyễn Thị Khương và cụ Tôn Gia Tinh. Ảnh gia đình cung cấp

“Chính trong quãng thời gian tăm tối nhất, thì hạnh phúc cũng đã đến với mẹ tôi, đó là ngày mẹ gặp ba - cựu tù Tôn Gia Tinh, từng là Bí thư Huyện ủy Thanh Chương (Nghệ An). Mẹ thường nói, chính phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh là “ông tơ, bà nguyệt” cho mối nhân duyên cuộc đời của ba mẹ. Năm 1933, sau khi ra tù, mẹ trở về TX Hà Tĩnh tìm cách bắt liên lạc và tiếp tục hoạt động cách mạng, đến năm 1935, ba mẹ kết hôn và lần lượt sinh ra 6 anh em chúng tôi. Trong suốt thời gian đó, khi ba theo nhiệm vụ phát triển tổ chức ở Đà Nẵng thì mẹ cũng theo vào rồi một thời gian sau thì về quê nội Thanh Chương vừa tham gia hoạt động ở địa phương, vừa nuôi dạy con cái. Khi ba về Vinh công tác, mẹ cũng di chuyển xuống theo ba. Ở đâu mẹ cũng hăng hái tham gia các hoạt động của địa phương và được chính quyền, Nhân dân tin yêu. Trong nhiều phong trào của cách mạng, trong nhiều thành quả của quê hương ở các thời kỳ lịch sử sau này, ba mẹ tôi luôn được nhắc đến đầy trân trọng. Hơn ai hết, chính ba mẹ tôi là tấm gương sáng ngời, gần gũi, sinh động nhất để chúng tôi noi theo” - ông Hợp rưng rưng nói.

Ông Tôn Tích Hợp (con trai cụ Khương) giới thiệu về những danh hiệu cao quý mà Đảng và Nhà nước đã trao tặng để tri ân công lao của 2 cụ Tôn Gia Tinh - Nguyễn Thị Khương.

Bây giờ, trong căn nhà nhỏ ở phường Hà Huy Tập của gia đình cụ Khương, người con trai út vẫn lưu giữ rất nhiều tư liệu, hình ảnh và nhiều huân, huy chương, danh hiệu cao quý mà Đảng và Nhà nước đã trao tặng 2 cụ Tôn Gia Tinh - Nguyễn Thị Khương. Cuộc đời hoạt động cách mạng của 2 cụ chính là những bài học cụ thể nhất về lòng yêu nước, thương nòi, về ý chí phấn đấu vươn lên trong cuộc sống cho các thế hệ cháu con. Trong di chúc mà cụ Khương để lại, điều cụ mong mỏi nhất là: “Các con cố gắng nuôi dạy các cháu nên người”! Và các thế hệ con cháu của cụ đều nỗ lực học tập, lao động, mỗi người một lĩnh vực, đều có những cống hiến trong quá trình đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và kiến thiết đất nước. Trong đó, bà Tôn Thị Tích Hương là giáo viên ở Hà Nội, từng được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng 2; ông Tôn Tích Ái là Giáo sư, Tiến sỹ, Nhà giáo Ưu tú, giảng viên cao cấp tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội; bà Tôn Thị Tích Thuận là giáo viên ở Hà Nội; ông Tôn Tích Nghệ là thương binh, công tác tại Bộ Tài chính; ông Tôn Tích Hợp là cán bộ Cục Thuế tỉnh Nghệ An. Thế hệ các cháu, nhiều người có học hàm, học vị cao và thành danh trên nhiều lĩnh vực.

Cũng như cụ Nguyễn Thị Khương, cụ Lê Đình Trợi (1903 - 1983) ở tổng Vĩnh Luật, Thạch Hà (nay là xã Mai Phụ, Lộc Hà) chịu ảnh hưởng bởi các phong trào cách mạng của các tổ chức yêu nước, sớm tham gia cách mạng và trở thành “hạt giống đỏ” trong phong trào đấu tranh ở làng quê nghèo Vĩnh Luật.

Theo cuốn hồi ký ghi lại, cụ Lê Đình Trợi đã trải qua quãng đời ấu thơ vất vả, cơ cực. Khi đang đi ở đợ cho nhà giàu thì cha cụ đưa về và gửi đi học. Từ đây, cụ bắt đầu được tiếp cận với những tư tưởng cách mạng của các chí sĩ yêu nước: “Lúc 15 tuổi, tôi ở nhà học và thường nghe cha kể về Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và đọc các bài báo phục quốc...” (theo Hồi ký của đồng chí Lê Đình Trợi). Sau đó, từ mối lương duyên của cụ với người vợ đầu có em là cán bộ cách mạng Hồ Phối, đã đưa cụ đến gần hơn với con đường đấu tranh trên quê hương Thạch Hà.

Tháng 3/1930, sau khi Đảng bộ lâm thời tỉnh Hà Tĩnh được thành lập, nhiều chi bộ ở Can Lộc, Thạch Hà cũng được hình thành. Huyện Can Lộc có Chi bộ Đỉnh Lự. Đồng chí Hồ Phối (ở Phù Lưu Thượng, nay là xã Hồng Lộc, Lộc Hà) được Tỉnh ủy lâm thời Hà Tĩnh bắt liên lạc và giao nhiệm vụ gây dựng cơ sở Đảng ở 2 tổng Canh Hoạch và Vĩnh Luật. Chính trong thời gian này, cụ Lê Đình Trợi đã bày tỏ nguyện vọng được đi làm cách mạng với cụ Hồ Phối. Sau một thời gian thử thách, cụ Lê Đình Trợi và một người đồng đội cùng quê là cụ Nguyễn Trạch được kết nạp vào Đảng tại Chi bộ Đỉnh Lự (do cụ Hồ Phối giới thiệu). Sau khi được kết nạp, cụ Lê Đình Trợi nhận nhiệm vụ bắt nối liên lạc và tuyên truyền phát triển tổ chức Đảng ở tổng Vĩnh Luật.

Đình Đỉnh Lự - nơi diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng của các tổ chức cách mạng thời kỳ 1930 - 1931.

Những dòng hồi ký như vẫn còn vẹn nguyên cảm xúc của buổi đầu bước chân theo Đảng đi làm cách mạng: “Trong cuộc họp ở nhà tôi, Hồ Phối gợi lên nỗi nhục mất nước và đưa ra Điều lệ vắn tắt của Đảng cho tôi. Đồng chí Thuận, đồng chí Trung đọc và chỉ định tôi làm bí thư lâm thời của chi bộ. Qua 4 tháng, chi bộ tôi chịu sự lãnh đạo của Hồ Phối. Hằng tuần, tôi tới gặp Hồ Phối nhận truyền đơn, cờ đỏ, sách báo, điều lệ nông hội, tuyên truyền, mít tinh bí mật, hội họp ở các đình chùa. Chúng tôi phát triển được 5 đồng chí và 100 quần chúng giác ngộ, lập được các hội: thanh niên, nông dân, phụ nữ”.

Cụ Lê Đình Trợi được lịch sử địa phương ghi nhận là người gieo những “hạt giống” cộng sản đầu tiên ở Vĩnh Luật. Không chỉ có thế, trong vai trò là Bí thư Chi bộ, cụ còn là người xông xáo chỉ đạo nhiều cuộc đấu tranh, biểu tình của Nhân dân Vĩnh Luật. Trong những lần bị địch bắt (lần 1 vào tháng 8/1931 và lần 2 vào năm 1939), bị giam cầm và tra tấn dã man, cụ Lê Đình Trợi vẫn kiên gan, bền chí chiến đấu với những đòn tra tấn dã man của kẻ thù, đồng thời hăng hái tham gia các cuộc đấu tranh trong ngục cùng các nhà cách mạng nổi tiếng khác như: Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Duy Trinh… Tinh thần bất khuất, kiên trung ấy được thể hiện rất rõ trong hồi ký của cụ, nhất là điều cụ đúc kết: “Chúng tôi hiểu nhà tù là nơi rèn luyện”.

Cụ Nguyễn Thị Hồng (ở giữa) cùng con, cháu xem lại các kỷ vật của chồng - cụ Lê Đình Trợi.

Chính vì coi nhà tù là nơi rèn luyện nên sau 2 lần được thả tự do (lần 1 vào năm 1935 và lần 2 năm 1945), cụ Lê Đình Trợi lại không quản ngại khó khăn, bắt nối với tổ chức Đảng để tiếp tục cống hiến cho cách mạng. Câu nói nổi tiếng của cụ với người đồng chí ngay khi vừa ra khỏi ngục tù lần thứ hai: “Còn một giờ cũng làm cách mạng đồng chí Dương ạ!”, là điển hình về lý tưởng cách mạng, ý chí đấu tranh đến cùng của người chiến sỹ cộng sản trong thời kỳ gian khó.

Và thực tế cũng đã chứng minh cho ý chí, quyết tâm của người chiến sỹ cộng sản. Khi sau lần ra tù thứ nhất, cụ Trợi nhanh chóng tìm lại được tổ chức và hăng hái nhen nhóm lại phong trào cách mạng ở tổng Vĩnh Luật, sẵn sàng cho các cuộc đấu tranh giai đoạn 1936 - 1939. Sau lần ra tù thứ 2, mặc dù quê hương đang trong nạn đói nhưng cụ vẫn tìm đường trở về, quyết tâm theo cách mạng. Lúc này, sau khi liên lạc được với tổ chức, cụ tích cực vận động quần chúng nhân dân tham gia các hội tương tế, ái hữu, đấu tranh chống áp bức của bọn cường hào, lấy lúa chia cho Nhân dân. Ngày 19/5/1945, Ban Vận động Việt Minh liên tỉnh Nghệ Tĩnh được thành lập, nhằm tập hợp lực lượng và thống nhất hành động, chuẩn bị cho công cuộc khởi nghĩa giành chính quyền. Cụ Lê Đình Trợi hoạt động tích cực trong tổ chức Việt Minh, tham gia vận động Nhân dân đứng lên giành chính quyền. Hồi ký của cụ còn lưu lại sự kiện ngày 18/8/1945, từ mờ sáng, cụ được giao nhiệm vụ chỉ đạo hơn 50 người gồm cả đảng viên và quần chúng giương cao cờ đỏ sao vàng biểu tình thị uy đến nhà các lý trưởng bắt nạp mục triện; khởi nghĩa giành chính quyền ở các làng thuộc tổng Canh - Vĩnh đã giành thắng lợi hoàn toàn mà không hề đổ máu.

Các thế hệ con, cháu về thăm lại ngôi nhà của cụ Lê Đình Trợi - là nơi từng diễn ra các cuộc họp chớp nhoáng của các đảng viên xã Mai Phụ (Lộc Hà).

Không còn lưu giữ được nhiều tư liệu về cha mình nhưng ký ức về người cán bộ cách mạng Lê Đình Trợi vẫn còn vẹn nguyên trong trí nhớ người con gái Lê Đệ và những người cháu. Dẫn chúng tôi trở lại ngôi nhà cũ mà trong hồi ký cụ Lê Đình Trợi có nhắc đến “là nơi diễn ra các cuộc họp chớp nhoáng của các đảng viên” tại xã Mai Phụ, bà Đệ rưng rưng nước mắt khi kể về cha mình.

“Khi tôi sinh ra thì cha tôi đã thôi việc xã, trở về làm người nông dân bình thường nhưng cha vẫn luôn nêu cao trách nhiệm với cộng đồng. Cha luôn tiên phong đóng góp công và của cho các phong trào chung, nhất là trong xây dựng trường học cho trẻ em, làm đê điều, đường sá. Cha luôn căn dặn chúng tôi cố gắng học hỏi kiến thức, không tham lam, mưu cầu tiền tài, danh lợi, luôn sống chan hòa và yêu thương mọi người, có trách nhiệm xây dựng quê hương” - bà Đệ kể lại.

Video: Anh Phạm Nam Anh - cháu rể cụ Lê Đình Trợi chia sẻ niềm tự hào về truyền thống gia đình.

Hồi ký của những nhà cách mạng tiền bối Nguyễn Thị Khương, Lê Đình Trợi là dẫn chứng sinh động về những ngày rực lửa trong các cao trào cách mạng ở Thạch Hà, TP Hà Tĩnh, các cao trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng những năm 1930-1945. Đồng thời cũng là một phần bức tranh chân thực về hoạt động cách mạng trong gian khổ, hy sinh của hàng trăm đảng viên thế hệ đầu tiên của Đảng ở Hà Tĩnh. Họ chính là những hạt nhân gây dựng sự nghiệp cách mạng, thức tỉnh quần chúng nhân dân cùng đứng lên thổi bùng ngọn lửa đấu tranh chống áp bức, tiến hành cuộc Cách mạng tháng Tám thành công, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Tiếp nối bước chân của cha ông, Đảng bộ và Nhân dân Thạch Hà, TP Hà Tĩnh nói riêng và Hà Tĩnh nói chung đoàn kết một lòng, quyết tâm xây dựng cuộc sống ngày càng tươi đẹp trên quê hương cách mạng.

.

BÀI, ẢNH: NHÓM P.V. CT-XH

THIẾT KẾ - KỸ THUẬT: HUY TÙNG - KHÔI NGUYỄN

(CÒN NỮA)

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/xay-dung-dang/hoi-ky-cua-chien-sy-xo-viet-nghe-tinh-nhung-dom-lua-hong-bai-2-sang-ngoi-ly-tuong-con-mot-gio-cung-lam-cach-mang/253889.htm