Hồi hộp vì ôm vàng trên đỉnh: Giá tiếp tục rơi hay sớm hồi phục?

Giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn ngày 13/3 cùng lao dốc theo giá vàng thế giới, giảm tới gần 3 triệu đồng/lượng. Nhiều người băn khoăn giá vàng liệu có rơi tiếp hay sẽ sớm hồi phục.

Giá vàng đồng loạt lao dốc

Sau nhiều ngày liên tục lập đỉnh, giá vàng trong nước hôm 13/3 bất ngờ quay đầu giảm. Thị trường chứng kiến sự lao dốc mạnh mẽ của cả giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn.
Bảng giá vàng ngày 13/3 liên tục được các "nhà vàng" điều chỉnh giảm khiến giới đầu tư chóng mặt.

Chỉ trong vài tiếng buổi sáng, cả giá vàng SJC và vàng nhẫn giảm tới gần 2 triệu đồng/lượng và liên tục rời các mốc lịch sử trước sự ngỡ ngàng của nhiều người.

Giá vàng miếng SJC được Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) 7 lần điều chỉnh giảm mạnh, tổng cộng giảm trên 2,5 triệu đồng/lượng. Cuối phiên, giá vàng miếng SJC tăng trở lại và duy trì ở mức 80,2-80,7 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Tương tự, giá vàng nhẫn cũng giảm rất mạnh. Có thương hiệu giảm tới 2,9 triệu đồng/lượng.

Đầu giờ chiều 13/3, giá vàng nhẫn tròn trơn vàng rồng Thăng Long giảm 2,55 triệu đồng/lượng ở chiều mua và giảm 2,35 triệu đồng/lượng ở chiều bán, có thời điểm xuống mức 67,23-68,73 triệu đồng/lượng.

Tuy nhiên, đến cuối phiên 13/3, giá vàng nhẫn tròn trơn vàng rồng Thăng Long tăng lên mức 67,68-69,18 triệu đồng/lượng.

Giá vàng nhẫn tròn trơn 9999 tại Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI ngày 13/3 giảm 2,9 triệu đồng/lượng ở chiều mua và giảm 2,65 triệu đồng/lượng ở chiều bán, niêm yết cuối phiên ở mức 66,65-68,35 triệu đồng/lượng (mua - bán).

Trong khi giá vàng lao dốc thì thị trường chứng khoán ngày 13/3 tăng tưng bừng hơn 25 điểm sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có động thái hút gần 45.000 tỷ đồng trong 3 phiên từ 11-13/3.

Xu hướng hút ròng của NHNN diễn ra trong bối cảnh chênh lệch lãi suất đồng USD và lãi suất đồng VND ở mức cao và tỷ giá USD/VND bật tăng mạnh từ cuối tháng 2 vừa qua.

Với động thái hút tiền của NHNN, tỷ giá VND/USD dần ổn định trở lại. Trên thị trường tự do, đồng USD giảm 150-180 đồng xuống còn 25.550 đồng/USD, so với đỉnh cao 25.700 đồng/USD (bán ra) ghi nhận hôm 11/3. Tỷ giá trên hệ thống ngân hàng nhích nhẹ nhưng ở mức thấp hơn so với thị trường chợ đen.

Theo giới phân tích, giá vàng trong nước tụt giảm do sự hạ nhiệt của tỷ giá trên thị trường trong nước và động thái hút tiền về của NHNN.

Giá vàng trong nước giảm còn theo diễn biến điều chỉnh của giá vàng trên thị trường quốc tế. Giá vàng thế giới giảm do hoạt động bán chốt lời diễn ra mạnh mẽ trên thị trường kim loại quý.

Vàng thế giới giảm, từ 2.182 USD/ounce xuống còn 2.156 USD/ounce, sau khi Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng CPI cao hơn cao hơn so với kỳ vọng của thị trường.

Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho biết CPI tháng 2 đã tăng 0,4% so với tháng 1 đầu năm và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 đạt mức tăng cao nhất trong 5 tháng.

Nhiều người lo ngại, với dữ liệu này, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể hoãn việc cắt giảm lãi suất đến nửa cuối năm.

Mặt khác, lãi suất trái phiếu Mỹ từ 4%/năm vọt lên 4,14%/năm đã thúc đẩy nhiều người đưa vốn vào trái phiếu. Vì vậy, tiền chảy vào kim loại quý rất ít.

Chỉ sau một đêm, cú đảo chiều của giá vàng thế giới đã kéo chênh lệch giữa giá vàng miếng và giá thế giới quy đổi xuống còn hơn 14 triệu đồng/lượng. Đây là mức thấp hiếm hoi ghi nhận trong các tháng qua. Mức chênh giữa vàng nhẫn và vàng thế giới cũng giảm về khoảng 3 triệu đồng mỗi lượng.

Giá vàng có sớm tăng trở lại?

Đà giảm đột ngột của giá vàng như phiên 13/3 khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng về rủi ro khi đầu tư vào kim loại quý. Nhiều người băn khoăn giá vàng liệu khi nào quay đầu tăng giá trở lại.

Nhìn nhận về vấn đề này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, cho rằng, người dân Việt có truyền thống tích trữ vàng, đặc biệt là vàng nhẫn. Đây lại là kênh đầu tư an toàn, khả năng thanh khoản tốt, nhất là trong bối cảnh, chứng khoán vẫn lình xình, bất động sản gặp khó, lãi suất tiền gửi thấp.

Khi người dân đổ xô đi mua vàng trong khi nguồn cung hạn chế vô tình khiến giá vàng bị đẩy lên cao. Ngược lại, khi giá vàng lên cao, người dân lại đổ xô đi bán, giá vàng lại chịu áp lực giảm. Điều đó cho thấy diễn biến tăng mạnh và giảm đột ngột của kênh đầu tư này phụ thuộc lớn vào nhu cầu của người dân.

Dự báo giá vàng, ông Hiếu nhận định giá vàng vẫn chịu ảnh hưởng bởi chính sách thắt chặt tiền tệ của Fed, tâm lý kỳ vọng nhà đầu tư về việc Fed khả năng sẽ giảm lãi suất.

Theo vị chuyên gia này, giá vàng còn chịu nhiều lực tác động trái chiều và rất khó đoán định từ tình hình kinh tế. Khi chính sách sửa đổi về nguồn cung vàng, giá vàng trong nước có thể bị điều chỉnh.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, dự đoán nếu giá vàng thế giới không phá mốc 2.200 USD/ounce, vàng thế giới sẽ tăng trở lại còn khi đã phá mốc này giá vàng sẽ lập tức giảm tiếp.

Ông Hùng cho rằng, khó nhận định được giá vàng, tăng giảm thời điểm nào. Nhưng thời điểm này, người dân lựa chọn vàng đầu tư bởi các kênh đầu tư khác không hấp dẫn. Nguồn cung vàng hạn chế, nhu cầu mua vàng lớn sẽ khiến giá vàng sớm tăng trở lại.

Ông Hùng cho biết thêm, hiện nay, thị trường vàng chưa tác động gì về mặt vĩ mô nên NHNN chưa can thiệp.

Còn ông Nguyễn Ngọc Trọng - Giám đốc Công ty vàng Đối tác mới - cho biết, theo phân tích kỹ thuật, giá vàng thế giới còn điều chỉnh giảm tiếp nên xuất hiện lực bán vàng trong nước.

Theo nhiều chuyên giá, giá vàng trong nước giảm mạnh trong xu thế giảm của giá vàng thế giới nhưng vẫn có khả năng tăng lại bởi nhu cầu mua vào lớn.

Giá vàng giảm mạnh khiến nhiều người tích cực mua vào. Đại diện Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu cho biết, tại các cơ sở kinh doanh ngày 13/3 đều ghi nhận lượng mua vào chiếm 55% còn lượng bán ra.

Một số khách hàng cho biết họ tranh thủ giá vàng giảm để mua vào. Nhiều người kỳ vọng, thời gian tới, giá vàng sẽ tăng trở lại và phá vỡ các kỷ lục đã lập trước đó.

Minh Dũng

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/hoi-hop-vi-om-vang-tren-dinh-gia-tiep-tuc-roi-hay-som-hoi-phuc-20180504224296302.htm