Học thuyết 'lạc hậu' chỉ bởi những người lạc hậu

Từ sau khi Liên xô (cũ) và một số mô hình chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu sụp đổ, không ít người ở nước ngoài và Việt Nam lên tiếng chê trách, khước từ học thuyết của Các Mác với các mức độ khác nhau. Trong đó, một số cho rằng học thuyết của Các Mác đã bị lạc hậu. Sự “ồn ào” cứ như “rõ mười mươi”. Nhưng, những tiếng nói ấy hóa ra không được kiểm định, ngộ nhận và cả sự thiếu hiểu biết. Bài viết này góp phần nhìn nhận vấn đề “rõ mười mươi” ấy.

Theo Từ điển tiếng Việt, lạc hậu là bị ở lại phía sau, không theo kịp đà tiến bộ, đà phát triển chung. Hay sự vật ấy đã trở nên cũ, không còn thích hợp với hoàn cảnh, yêu cầu, điều kiện mới. Như vậy, để hiểu học thuyết của Các Mác “lạc hậu” như thế nào buộc chúng ta phải “lướt qua” sự ra đời và nội dung chính mà học thuyết này đề cập.

Karl Heinrich Marx (1818 - 1883) - phiên âm tiếng Việt là Các Mác và người bạn thân của mình là Friedrich Engels (1820 - 1895) - phiên âm tiếng Việt là Ăngghen đã xây dựng học thuyết mang tên Các Mác. Học thuyết của Các Mác dựa trên sự phân tích tình hình xã hội đương đại với những cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân; tiếp thu, kế thừa thành tựu của khoa học tự nhiên mà nổi bật là 3 phát kiến vĩ đại của loài người (thuyết tế bào, định luật bảo toàn và chuyển hóa năng lượng, thuyết tiến hóa Charles Darwin) và học thuyết về xã hội với triết học cổ điển Đức, kinh tế chính trị học cổ điển Anh và chủ nghĩa xã hội không tưởng phê phán Pháp. Đương thời Isaac Newton có nói: “Nếu tôi nhìn thấy được xa hơn bởi vì tôi đứng trên vai những người khổng lồ”. Các Mác và Ăngghen là những người như thế.

Kế thừa và phê phán các học thuyết trước mình, Các Mác đã “vén bức màn thần bí” về xã hội loài người. Bằng việc luận giải các quy luật nội tại, nhất là quy luật về mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất, quy luật về cơ sở hạ tầng với kiến trúc thượng tầng và khát vọng của con người. Ông cho rằng, xã hội loài người đã và sẽ trải qua các hình thái kinh tế - xã hội mà xã hội sau ngày càng tốt đẹp hơn so với xã hội trước. Theo đó, loài người đã và sẽ trải qua các hình thái kinh tế - xã hội: Công xã nguyên thủy, Chiếm hữu nô lệ, Phong kiến, Tư bản và Cộng sản. Dĩ nhiên, mỗi quốc gia hay cộng đồng người có thể phát triển về hình thái kinh tế - xã hội không giống nhau do các yếu tố về trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, lịch sử và văn hóa. Loài người đã trải qua hàng nghìn năm trong cộng đồng nguyên thủy để trở thành “động vật chính trị”, sống có gia đình và quần cư. Một trong những bước tiến lớn đầu tiên của xã hội người là hình thành nhà nước. Sự phân chia giai cấp với nhà nước đứng bên trên đã tạo nên các hệ lụy mà chính nó là cuộc hành trình lên án và thay đổi các thể chế chính trị.

Các tài liệu lịch sử đã không sai khi tố cáo xã hội chiếm hữu nô lệ mà thân phận người nô lệ chỉ như “công cụ biết nói”; người chủ nô có quyền mua bán, đánh đập, thậm chí giết không cần lý do. Mặc dù có tiến bộ hơn, xã hội phong kiến với sự cai trị của một người hoặc nhóm người “cha truyền, con nối” mà trong đó phần lớn là “hôn quân”; xâm chiếm đất đai, thu gom tài sản và thâu tóm quyền lực đã gây nhiều cuộc chiến binh đao. Bằng luật lệ tự ban hành mà có thể vì tội một người lại xử “tru di tam tộc”, có nơi, có thời “tru di cửu tộc” làm cho bộ mặt xã hội này xấu xí, gớm ghiếc. Dĩ nhiên, vài nhà vua anh minh đã ghi dấu son của lịch sử ở từng quốc gia và ngay đến thời hiện đại như nhà vua (nữ hoàng) được nhiều người biết đến. Dù vậy, xã hội phong kiến bị lên án là một chế độ chính trị hà khắc nhất. Thay thế “Đêm trường trung cổ” ấy, xã hội xã hội tư bản chủ nghĩa đã tạo sự phát triển kỳ diệu trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, nhất là sự giải phóng con người với sự tôn trọng các quyền tự do, dân chủ, nhân quyền. Nhưng trong mỗi bước tiến ấy, những tầng lớp bên dưới phải chịu cảnh đầy “máu và nước mắt” bởi các cuộc xâm chiếm thuộc địa, sự cạnh tranh khốc liệt kiểu “cá lớn nuốt cá bé”, vì lợi nhuận cao mà bất chấp tất cả dù có bị “treo cổ nó vẫn làm”.

Trong khi chỉ ra các nhân tố tất yếu sẽ dẫn đến sự diệt vong xã hội xã hội tư bản, Các Mác đã từng đánh giá cao những đóng góp của nó. Trong Tuyên ngôn của Đảng cộng sản, các ông nói: “Do bóp nặn thị trường thế giới, giai cấp tư sản đã làm cho sản xuất và tiêu dùng của tất cả các nước mang tính chất thế giới”. Hay: “Nhờ cải tiến mau chóng công cụ sản xuất và làm cho các phương tiện giao thông trở nên vô cùng tiện lợi, giai cấp tư sản lôi cuốn đến tất cả những dân tộc dã man nhất vào trào lưu văn minh”. Hoặc: “Giai cấp tư sản, trong quá trình thống trị giai cấp chưa đầy một thế kỷ, đã tạo ra lực lượng sản xuất nhiều hơn và đồ sộ hơn lực lượng sản xuất của tất cả các thế hệ trước kia gộp lại”. Loài người lại tìm kiếm xã hội tốt đẹp hơn nên ra đời hình thái kinh tế - xã hội mới, xã hội xã hội chủ nghĩa. Hình thái kinh tế - xã hội xã hội chủ nghĩa mà bậc cao của nó là xã hội xã hội cộng sản được kỳ vọng là “mùa Xuân của nhân loại”, là “thiên đàng trần gian”. V.I. Lenin là một trong những lãnh tụ thiên tài và người thầy vĩ đại của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, Người đã phát triển và áp dụng xuất sắc học thuyết Các Mác, thực thi và có kiến giải về một xã hội tương lai rực rỡ. Xã hội xã hội chủ nghĩa hiện thực đã và đang có những đóng góp to lớn cho nhân loại. Tuy nhiên, từng lúc từng nơi, những người lãnh đạo có những nhận thức ấu trĩ đối với học thuyết Các Mác và phạm phải sai lầm tả khuynh trong cải tổ và dân chủ hóa đã dẫn đến sụp đổ nhà nước xã hội chủ nghĩa ở một số quốc gia và xã hội xã hội chủ nghĩa lâm vào khủng hoảng. Đây là sự đổ vỡ của loại mô hình cụ thể chứ không phải từ học thuyết Các Mác. Một ít quốc gia mà trong đó có Trung Quốc, Việt Nam... đã kịp thời cải cách, đổi mới dựa trên nền tảng học thuyết Các Mác tạo nên những bước tiến thần kỳ. Học thuyết Các Mác vẫn là “kim chỉ nam” cho các Đảng cộng sản dẫn dắt Nhân dân tiến lên trên con đường xã hội xã hội chủ nghĩa - bình đẳng, thịnh vượng, hiện đại, văn minh và hạnh phúc. Đó là Học thuyết vì con người mà trước hết là người lao động.

Đương thời, khi nghiên cứu và nghiền ngẫm về một số học thuyết, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận xét rằng: “Học thuyết Khổng Tử có ưu điểm là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giêsu có ưu điểm là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là chính sách của nó phù hợp với nước ta”. Học thuyết Các Mác được đặt trên nền tảng duy vật và biện chứng với tính khoa học và gắn bó chặt chẽ với đời sống xã hội nên nó luôn mở, phát triển. Do vậy, học thuyết “lạc hậu” chỉ bởi những người lạc hậu.

Dân Biện

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/chinh-tri/hoc-thuyet-lac-hau-chi-boi-nhung-nguoi-lac-hau-120740.aspx