Học tập và làm theo phong cách báo chí Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam. Người luôn coi báo chí là một bộ phận của sự nghiệp cách mạng của Đảng, là vũ khí sắc bén trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc và phát hiện, cổ vũ những nhân tố, giá trị nhân văn mới.

Bác Hồ với các phóng viên báo, đài. Ảnh tư liệu

Người thầy của báo chí cách mạng Việt Nam

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, báo chí vừa là bộ phận cấu thành của văn hóa, vừa là phương tiện xây dựng, truyền bá và thực thi văn hóa, luôn là vũ khí sắc bén có vai trò xung kích trong công tác tư tưởng. Bác Hồ đã “Việt Nam hóa” báo chí cách mạng và cụ thể hóa yêu cầu để báo chí làm tròn nhiệm vụ tuyên truyền, tổ chức, hướng dẫn nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết: “Đối với những người viết báo chúng ta, cây bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng để động viên quần chúng đoàn kết, đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới”, “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng”(1). Người chỉ rằng: “Viết phải đúng sự thật, không được bịa ra”; không nên nói ẩu”; “Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết,… chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết”(2), “Người không có đạo đức tốt thì không thể là nhà báo tốt”. Do vậy, mỗi nhà báo chân chính đều phải trung thực “trong sự nghiệp phò chính, trừ tà”; đồng thời, phải hết sức cẩn thận về hình thức, nội dung, cách viết;…

Không những sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam, Bác Hồ còn để lại cho chúng ta di sản báo chí vô cùng quý báu với những lời chỉ dẫn có giá trị, được coi là hệ tư tưởng của Hồ Chí Minh đối với nghề báo và người làm báo. Người quan niệm, viết báo và làm báo là “công tác cách mạng” để “phụng sự Tổ quốc”, “phụng sự nhân dân”, “phụng sự giai cấp và nhân loại”. Người còn để lại cho chúng ta di sản tư tưởng đặc biệt - tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng, đạo đức, phong cách của người làm báo; về nghệ thuật trong “cách viết” nhằm làm nên một tác phẩm báo chí và tờ báo có giá trị.

Không ngừng học tập và noi gương Bác

Cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn liền với nhiều bài báo cách mạng. Người coi báo chí vừa là phương tiện đưa chủ trương, đường lối của Đảng đến người dân hiệu quả nhất, vừa làm vũ khí đấu tranh với thù trong, giặc ngoài. Bác đã viết hàng ngàn bài báo với hàng trăm bút danh, nội dung đều toát lên tính trung thực, phản ánh đúng hiện thực khách quan, phân biệt rõ đúng, sai, không phiến diện, một chiều. Người nêu rõ: “Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay, cái tốt phải có chừng mực, chớ phóng đại. Có thế nào nói thế ấy. Bộ đội và nhân dân ta cũng có nhiều cái hay để nói lên, không cần phải bịa đặt ra”(3); cho rằng “cái việc ấy ở đâu, thế nào, ngày nào, nó sinh ra thế nào, phát triển thế nào, kết quả thế nào”(4). Đây chính là cái gốc của một nhà báo cách mạng, với phẩm chất cao quý đạo đức nghề nghiệp của người làm báo chân chính.

Khi cầm bút, nhà báo phải phản ánh trung thực, khách quan sự vật, hiện tượng, sự kiện. Cái khó của người làm báo là ở chỗ đó, vì “Viết phải thiết thực, nói có sách, mách có chứng... chống tham ô, lãng phí, thì nêu rõ ai tham ô? Ai lãng phí? Lãng phí cách nào? Ngày tháng nào?... Chớ có viết lung tung”(5). Người nhấn mạnh: “Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng”(6). Cho nên, cách viết bài báo phải đơn giản, dễ hiểu, ngôn ngữ phải trong sáng, tránh dùng từ nước ngoài; nhà báo phải biết chọn lựa những nội dung gì nên viết, cái gì không nên viết. Viết phục vụ nhân dân thì nhất định phải chọn cái gì có lợi cho dân và phục vụ cách mạng.

Theo Người, văn phong báo chí phải “dễ hiểu, phổ thông hoạt bát”, “không dây cà dây muống”,… nhưng lại phải viết cho văn chương, cho người đọc thấy hay, thấy văn chương mới thích đọc. “Muốn tuyên truyền cho quần chúng, phải học cách nói của quần chúng, mới nói lọt tai quần chúng. Cách nói của quần chúng rất đầy đủ, rất hoạt bát, rất thiết thực mà lại rất đơn giản".

Trong viết báo, Hồ Chí Minh có lối hành văn ngắn gọn, cô đọng, súc tích. Tuy nhiên, ngắn gọn không có nghĩa là “cụt lủn” mà là “gọn gàng, sáng sủa, mạch lạc, có đầu, có đuôi, có nội dung thiết thực, thấm thía, chắc chắn”, “chớ lạm dụng chữ”, “đánh đố quần chúng”, “sao cho mỗi đồng bào, mỗi chiến sĩ đều đọc được, hiểu được, nhớ được, làm được”, “cần tuyệt đối tránh viết dài mà sáo rỗng”,...

Theo Người, “Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng”. Vậy mà, khi đâu đó vẫn còn những tờ báo, nhà báo chạy theo lợi nhuận, bị đồng tiền, danh vọng cám dỗ, đưa tin, bài thiếu trung thực, lành mạnh theo kiểu gật gân câu khách. Cho nên càng cần vũ khí sắc bén vạch tội, với những bài báo mang tính chiến đấu, định hướng dư luận xã hội cao, có sức cảm hóa, thuyết phục mạnh mẽ đối với bạn đọc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Người làm báo cần ra sức trau dồi kiến thức, học tập lý luận, lăn lộn trong thực tiễn và gắn bó với nhân dân. Bác lưu ý trước tiên đề tài cho người cầm bút là “những điều mắt thấy tai nghe”, “những người tốt, việc tốt”. Do đó, cần nâng cao ý thức tự giác về vai trò, trách nhiệm của nhà báo. Chỉ có một niềm tin vững chắc mới giúp người làm báo ra sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Những giá trị độc đáo và sâu sắc về phong cách báo chí Hồ Chí Minh mãi mãi còn nguyên giá trị, là “hành trang” của mỗi nhà báo chân chính. Bằng văn phong báo chí độc đáo của mình, Người đã dạy những người làm báo nhiều điều khi viết, khi nói. Nay vẫn còn đó những điều Người căn dặn. Văn không chỉ là văn. Văn chính là người. Học nói, học viết cũng là từng bước hoàn thiện trí tuệ và nhân cách của mình.

Học tập và làm theo phong cách báo chí của Hồ Chí Minh là yêu cầu hết sức quan trọng đối với các cơ quan báo chí và đội ngũ người làm báo. Làm tốt điều này, không chỉ góp phần xây dựng đội ngũ nhà báo vững mạnh, mà còn mang lại những món ăn tinh thần bổ ích, tiếp tục làm tốt sứ mệnh cao cả là cơ quan ngôn luận của Ðảng, Nhà nước và là diễn đàn của nhân dân./.

Ths Nguyễn Thanh Hoàng

---------------------------------------------------

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2000, tập 10, tr. 616.

(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2005, tập 5, tr.306.

(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, tập 8, tr. 206.

(4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, tập 8, tr. 208.

(5) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tập7, tr.120.

(6) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 5, tr.625.

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/hoc-tap-va-lam-theo-phong-cach-bao-chi-ho-chi-minh-a157184.html