Học tập người Nhật

Đại sứ Nhật Bản Sakaba vừa kết thúc nhiệm kỳ làm việc (2 năm 7 tháng) tại Việt Nam. Tại buổi liên hoan chia tay thân mật do Đại sứ quán Nhật tại Hà Nội tổ chức ngày 6-9-2010, khi được hỏi: “Ngài suy nghĩ thế nào về đất nước, con người Việt Nam?”, Đại sứ Sakaba – rất thân tình và thành thật – trả lời: “Tôi muốn giới trẻ Việt Nam phải chú ý giữ gìn vệ sinh sạch sẽ hơn, có tinh thần kỷ luật hơn và có tính tuân thủ hơn …”.

Trên thực tế, Việt Nam cùng với Nhật Bản cũng có vài điểm tương đồng về địa lý, văn hóa, lối sống… Nếu xét về diện tích, Nhật với ta một chín, một mười. Tính về số dân, Nhật Bản đông gần gấp rưỡi Việt Nam. Về điều kiện thiên nhiên, Việt Nam tương đối thuận lợi hơn so với Nhật Bản. Nước Nhật đã từng bại trận trong cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, nhưng từ trong đống tro tàn đổ nát, chỉ hơn 20 năm sau (từ năm 1970), Nhật Bản đã vươn lên trở thành cường quốc kinh tế thứ hai thế giới (sau Mỹ) cho đến nay. Năm 2009, GDP của Nhật đạt trên 5.000 tỷ USD (473.000 tỷ yên), bình quân đầu người khoảng 40.000 USD/năm. Trong khi đó, Việt Nam kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ đã hơn 35 năm, nhưng đến nay, chúng ta chỉ mới vừa thoát ra khỏi hàng ngũ các quốc gia chậm phát triển, với GDP bình quân đầu người (năm 2009) khoảng 1.000 USD (bằng 1 phần 40 của Nhật). Điều gì đã tạo nên sự khác biệt tương đối lớn ấy? Mọi người từng nghe nói nhiều về “sự thần kỳ Nhật Bản” từ mấy chục năm trước; nhưng theo tôi, cái làm nên điều kỳ diệu của Nhật Bản chính là lòng tự hào, tự tôn dân tộc của họ. Kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đến nay, người Nhật đều “nghiến răng” làm việc, không một ai tỏ ra chủ quan, thỏa mãn, hả hê với những thành quả to lớn đạt được. Trong nhà trường, người Nhật giáo dục cho con em họ (đại ý): Nước Nhật nghèo lắm, tài nguyên thiên nhiên hầu như chẳng có gì, các em phải ráng học giỏi để sau này tự lo được cho bản thân, gia đình mình và góp phần xây dựng đất nước! Họ chẳng bao giờ “tự ru ngủ” như người Việt Nam: “Đất nước ta rừng vàng, biển bạc…” (!). Một khi đã yên tâm với khối “vàng, bạc” đồ sộ “trời cho” ấy rồi, trong nhiều người ắt nảy sinh tâm lý: chẳng cần làm cũng không sợ đói, cứ từ từ hưởng thụ cái đã (?!). Theo tôi, đó là một trong những nguyên nhân khiến Việt Nam trở nên “chậm tiến” so với một số dân tộc khác ở châu Á vốn có điểm xuất phát gần giống chúng ta như Nhật, Singapore, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan… Lời khuyên của Đại sứ Sakaba: “Giới trẻ Việt Nam cần có tinh thần kỷ luật hơn và tính tuân thủ hơn” đã hàm chứa trong đó tính cách vốn là thế mạnh của người Nhật – kể cả người Hàn Quốc – và là “thế yếu” của đa số người Việt Nam chúng ta, đó là thường xuyên “thiếu tính kỷ luật”, ít tuân thủ những quy định có tính ràng buộc chung như chấp hành luật lệ giao thông, giữ “chữ tín” trong làm ăn cũng như trong quan hệ thông thường, vâng lời cha mẹ, tuân lệnh cấp trên v.v… Thói quen tùy tiện, “được chăng hay chớ”, thiếu tính ngăn nắp, xả rác bừa bãi, không biết giữ gìn vệ sinh chung…, tất cả điều ấy sẽ là những lực cản không nhỏ làm chậm bước tiến của Việt Nam trong việc phấn đấu để theo kịp đà tiến hóa chung của nhân loại. Cảm ơn lời khuyên của người đi trước, “cựu” Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Sakaba. Về phần mình, tôi tin rằng Việt Nam sẽ tiếp tục có những tiến bộ mới trong tương lai với điều kiện biết lắng nghe, khiêm tốn học hỏi kinh nghiệm những người (quốc gia) đi trước, không tự cho rằng mình bao giờ cũng là “số một”. “Ngoài trời còn trời”, lời dạy của người xưa thiết tưởng không bao giờ cũ!. PHAN TRỌNG HIỀN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/nhipcaubandoc/2010/10/239947/