Học sinh TP.HCM trải nghiệm 1 ngày làm giáo viên

Hơn 200 học sinh (HS) Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, TP.HCM đã trải nghiệm 'Một ngày làm giáo viên' với nhiều cung bậc cảm xúc.

Ngày 10-3, Trường THPT Nguyễn Du tổ chức chương trình “Một ngày làm giáo viên” cho 238 HS ở 14 môn học kể cả thể dục và kỹ năng sống.

Đây là lần thứ 7 chương trình được tổ chức. Năm nay số lượng HS đăng ký tham gia nhiều hơn, môn học cũng đa dạng hơn

Tập dượt nhiều lần để đứng lớp

Sân trường Nguyễn Du sôi động lạ thường. Các “giáo viên nhí" xuất hiện trong những bộ trang phục chỉnh tề, cô giáo áo dài thướt tha, thầy giáo trang trọng không kém với sơ mi đóng thùng, kèm theo áo vét, thắt caravat.

Ngô Thùy Anh, HS lớp 11A12 nghiên cứu lại bài giảng trước khi lên lớp.

Trước giờ lên lớp, các “giáo viên nhí" tập trung tại phòng giáo viên để nghiên cứu lại bài giảng. Cặm cụi chỉnh sửa lại bài giảng “Tôi yêu em” của Puskin trên powerpoint, Ngô Thùy Anh, HS lớp 11A12, cho biết rất thích những tác phẩm của nhà văn này về tình yêu. Do đó, khi biết trường tổ chức chương trình, em muốn được một lần thử sức.

“Em mất một tuần chuẩn bị bài giảng. Giáo viên bộ môn hỗ trợ em trong cách nghiên cứu bài dạy, soạn giáo án, thiết kế bài giảng. Bản thân em ở nhà cũng tập dượt rất nhiều, đứng trước gương tập cách nói, đi đứng... Dù đã chuẩn bị kỹ nhưng em vẫn cảm thấy lo lắng” - Thùy Anh chia sẻ.

Tại phòng học lớp 10A6, khi Hoàng Minh Thư bước vào, cả lớp ồ lên “cô giáo mặc áo dài xinh quá!”.

Hoàng Minh Thư tự tin khi đứng lớp

Với phong thái tự tin và nụ cười tươi, Minh Thư chào cả lớp và bắt đầu bài giảng. Giọng nói truyền cảm, không va vấp, Minh Thư dẫn dắt HS tiếp cận tác phẩm "Rừng xà nu" của nhà văn Nguyễn Trung Thành.

Trước khi vào nội dung, Minh Thư yêu cầu HS nêu đôi nét về tác giả. “Bạn nào có thể nêu cho cô những hiểu biết của mình về tác giả”? Nhiều cánh tay giơ lên, Minh Thư chỉ một bạn nam giơ tay đầu tiên trả lời. “Câu trả lời của bạn khá dài, bạn nào có thể nêu ngắn gọn một vài ý về tác giả?".

Bằng cách dẫn dắt lôi cuốn, liên tục đặt ra câu hỏi khiến giờ học của Minh Thư trở nên sôi động. Không chỉ tập trung vào bài học, đôi lúc Minh Thư còn liên hệ qua những tác phẩm khác khiến cả lớp trầm trồ, vỗ tay động viên.

Học sinh thích thú trước cách dẫn dắt vấn đề của "cô giáo" Minh Thư

Tại sân trường, Lê Thu Phương, HS lớp 12A11 ra dáng một giáo viên thể dục. Thu Phương đang hướng dẫn HS cách đá cầu sao cho đúng tư thế.

Thu Phương (trái) cùng "đồng nghiệp" hướng dẫn HS tập đá cầu.

“Dù đã luyện tập nhiều nhưng khi dạy em thấy rất hồi hộp. Bình thường, khi giáo viên dạy em chỉ cần chăm chú nhìn và làm theo. Còn hôm nay, với vai trò là giáo viên đứng lớp em phải bỏ qua sự ngượng ngùng và thực hiện động tác sao cho chính xác. Nghề giáo nhìn vậy chứ không dễ chút nào. Qua chương trình này, em hiểu hơn về nghề giáo cũng như giúp em tự tin hơn khi đứng trước mọi người” - Phương tâm sự.

Ươm mầm tình yêu nghề giáo

Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay tham gia “Một ngày làm giáo viên”, HS sẽ có trải nghiệm thâu đêm soạn bài, chỉnh sửa giọng nói, tác phong… Từ đó các em sẽ hiểu sự vất vả của thầy cô, yêu thương và trân quý giờ học hơn.

“Quá trình thực hiện bài dạy sẽ tạo cho HS khả năng tìm kiếm thông tin, tài liệu, nghiên cứu giáo án, phương pháp giảng dạy, xử lý tình huống trong lớp học. Đặc biệt, trải nghiệm này sẽ tạo điều kiện cho HS hướng nghiệp. Với những em yêu nghề sư phạm, đây là viên gạch đầu tiên để hun đúc đam mê” - ông Phú bộc bạch.

Còn GS-TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, đánh giá đây là chương trình ấn tượng. "Chương trình tạo điều kiện cho HS định hướng tương lai, lựa chọn nghề nghiệp. Khi tham gia hoạt động này, các em hiểu thêm nghề giáo, xác định rõ năng lực của cá nhân xem có phù hợp với các yêu cầu của nghề hay không, từ đó hiểu rõ và phấn đấu.

HS tập làm giáo viên sẽ trải nghiệm được những áp lực, thách thức của nghề, từ đó trân quý hơn với nghề giáo hơn” - ông Sơn nhấn mạnh.

NGUYỄN QUYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/hoc-sinh-tphcm-trai-nghiem-1-ngay-lam-giao-vien-post723420.html