Học phí ĐH tăng cao: Sinh viên có thể yêu cầu Nhà trường giải trình

Thời gian vừa qua, sau khi được chính phủ phê duyệt cơ chế tự chủ, một số trường ĐH đã tăng học phí khiến bao sinh viên lâm vào hoàn cảnh khó khăn.

Tuy nhiên, đa số sinh viên đều thắc mắc là số tiền học phí tăng cao nhưng trước mắt họ chưa nhận thấy mình được quyền lợi gì sau khi phải nộp số tiền học phí tăng cao ấy.

Liên quan đến vấn đề này phóng viên đã có cuộc trò chuyện cùng ông Nguyễn Đức Hưng – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đào tạo, Dạy nghề (GD&ĐT, DN).

Ông Nguyễn Đức Hưng – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đào tạo, Dạy nghề (GD&ĐT, DN)

Hiện nay, rất nhiều sinh viên “bị sốc” trong câu chuyện một số trường ĐH tự chủ tăng học phí. Ông suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?

Trong Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã nêu “Giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục, đào tạo; phát huy vai trò của hội đồng trường” (nhiệm vụ thứ năm). Như vậy rõ ràng khi nhà nước giao quyền tự chủ cho các trường ĐH, thì các trường ĐH phải thực hiện trách nhiệm giải trình xã hội càng cao.

Quay lại vấn đề với việc ĐH Kinh tế Quốc dân dự kiến tăng 30% học phí đối với năm học 2016-2017: Nếu chúng ta nhìn ở mức tổng thể so với trường ĐH RMIT, Đại học Kinh tế TP.HCM hay ĐH FPT… thì mức học phí của Kinh tế Quốc dân chưa phải cao lắm. Tuy nhiên, vấn đề này cần phải phân tích thấu đáo, vì “tiền nào, của đấy” mà.

Khi nói tới việc tăng học phí ở các trường công lập mà không có sự giải thích thấu đáo thì đương nhiên gây sốc đối với người dân, nhất là trong hoàn cảnh tỷ lệ người nông dân của Việt Nam cao và phần lớn trong số họ có thu nhập thấp.

Nhớ lại những năm 1980 trở về trước, trong thời kỳ còn bao cấp những ai đi học từ học nghề đến bậc đại học đều được nhà nước bao cấp thì mới thấy được mình may mắn. Tuy nhiên, mấy chục năm gần đây, khi số người đi học quá đông, khi nước ta vận hành theo cơ chế thị trường thì Nhà nước không đủ sức để tiếp tục “bao cấp”, đồng thời giáo dục cũng chịu tác động của cơ chế thị trường nên mới có chủ trương xã hội hóa để huy động toàn xã hội cùng chung tay phát triển nền giáo dục nước nhà.

Hiểu xã hội hóa không có nghĩa là bắt người học phải chi phí toàn bộ cho việc học hành, mà điều quan trọng là Nhà nước và xã hội phải tăng cường sự chăm lo, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho toàn bộ người dân được tiếp cận với dịch vụ giáo dục, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn.

Tuy nhiên, người học cũng phải đóng góp, nhưng họ phải được biết họ được hưởng quyền lợi gì từ việc đóng góp ấy. Vì vậy, việc tăng học phí của các trường tự chủ nói chung phải giải trình. Vấn đề đặt ra là nhà trường phải giải trình cho ai? Giải trình những gì? Khi giáo dục và đào tạo vận hành trong cơ chế thị trường thì phải thừa nhận GD là dịch vụ XH vừa mang tính công cộng, vừa mang tính cá nhân. Người sử dụng dịch vụ phải trả phí sử dụng để bù đắp chi phí cho người cung cấp sản phẩm dịch vụ. Nhà nước phải định hướng thị trường và quản lý giá cả, tạo điều kiện để mọi người dân có quyền tiếp cận dịch vụ GD thông qua xây dựng cơ chế, chính sách.

Theo ông, khi tăng học phí trách nhiệm của Nhà trường đối với sinh viên là gì?

Khi các trường được giao quyền tự chủ, thì trong quá trình vận hành các hoạt động phải thực hiện minh bạch, công khai, dân chủ; phải giải trình với Nhà nước, xã hội và người học tất cả các hoạt động của nhà trường; phải cam kết về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; cam kết việc sử dụng hợp lý nguồn vốn xã hội đóng góp trong quá trình đào tạo; cam kết về việc thực hiện các quyền lợi và nghĩa vụ của người học...

Trường nào tự chủ càng cao thì trách nhiệm giải trình càng lớn. Như vậy, việc tăng học phí phải đồng hành với việc nâng cao chất lượng đào tạo, để người học khi ra trường có đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường lao động trong khu vực ASEAN, có thu nhập cao, cuộc sống được cải thiện…

Điều đó có nghĩa là, khi người học đóng góp họ phải biết số tiền đó dùng vào việc gì họ có và họ có được hưởng lợi gì từ đó không. Sinh viên có thể thông qua tổ chức Đoàn và Hội sinh viên đề nghị Nhà trường giải trình về quyền lợi và nghĩa vụ của sinh viên đối với việc tăng học phí. Lẽ đương nhiên, khi sinh viên đóng góp nhiều hơn thì họ phải được hưởng quyền lợi cao hơn.

Thưa ông, ông có nghĩ rằng cam kết giữa Nhà trường với sinh viên có thể được thực hiện? Nhưng cơ quan nào sẽ là người giám sát cam kết đó?

Tôi nghĩ rằng, về nguyên tắc nhà trường có thể cam kết được với sinh viên. Còn cơ quan để giám sát việc thực hiện cam kết đó chính là hội đồng trường. Ở đây tôi muốn nói, Hội đồng trường phải là hội đồng quyền lực thực sự, bao gồm đại diện đảng ủy, ban giám hiệu, công đoàn, đoàn thanh niên, hội sinh viên, chính quyền địa phương nơi địa bàn trường đóng, thậm chí có đại diện các nhà khoa học, các doanh nghiệp. Muốn làm được điều này thì phải quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ giữa hội đồng trường với các tổ chức trong nhà trường.

Xin ông cho biết, trong lộ trình tự chủ của các trường, làm sao để vấn đề tăng học phí không cản trở những người nghèo học giỏi có mong muốn vào trường đại học?

Khi các trường thực hiện tăng học phí, cũng đồng nghĩa với việc các khoản chi của người dân sẽ bị giảm sút, gây khó khăn lớn cho đông đảo người lao động có thu nhập thấp nếu có con đi học.

Như vậy để hỗ trợ các trường tự chủ, cũng có nghĩa là giúp đỡ người dân có điều kiện để đi học đại học, thì Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ cho người học một cách hợp lý, trong đó phải tăng mức cho vay đối với người đi học, đồng thời phải có giải pháp để giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp, quy định mức lương bảo đảm vừa đủ mức sinh hoạt tối thiểu; quy mức độ giảm trừ thu nhập để trả nợ, thời gian trả nợ…

Như vậy, bài toán tự chủ của các trường đại học phải được đặt trong hệ thống các vấn đề kinh tế - xã hội quốc gia, trong đó vấn đề phát triển sản xuất, dịch vụ để giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi ra trường là hết sức cấp bách, trong hoàn cảnh số lượng sinh viên tốt nghiệp ra trường thất nghiệp ngày càng nhiều. Chỉ khi nào các em có việc làm, có tích lũy các em mới dám vay tiền để đi học và mới có điều kiện trả được số tiền vốn vay khi đi học.

Ngoài ra, việc tăng học phí của các trường cũng cần phải quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng, đó là: Với những khối ngành mà xã hội cần, có khả năng thu nhập cao, và dễ xin việc thì đương nhiên học phí cũng sẽ cao. Nhưng với những nhóm ngành khoa học công nghệ cao mũi nhọn, hoặc nhwunxg ngành mà xã hội rất có nhu cầu như không thu hút được người học, thì nhà nước phải có chính sách thu hút nhân lực bằng cách miễn giảm học phí cho người học. Nguồn kinh phí đào tạo cho đối tượng này được lấy từ ngân sách nhà nước và chi cho người học thông qua ngân hàng chính sách. Có nghĩa là người học được đào tạo ở cơ sở nào thì kinh hí sẽ rót về cơ sở đó, không phân biệt trường công lập hay ngoài công lập.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Hoàng Thanh

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/hoc-phi-dh-tang-cao-sinh-vien-co-the-yeu-cau-nha-truong-giai-trinh-post204334.info