Học phí đại học tăng tới 3 lần: Chỉ con nhà giàu mới theo được đại học?

Năm học 2017-2018, nhiều ĐH công lập sẽ tăng học phí tối đa gần gấp 3 lần do được tự chủ tài chính. Tuy nhiên, tăng học phí có tỉ lệ thuận với tăng chất lượng giáo dục, giảm tình trạng cử nhân thất nghiệp? Trong khi, sinh viên nghèo chắc chắn sẽ thêm gánh nặng khi vào đại học.

Giờ học của sinh viên Đại học Y Hà Nội. Ảnh: Thành An

Nhiều ngành học phí tăng gấp đôi

Từ năm 2015 đến nay, Thủ tướng đã quyết định cho 16 trường ĐH công lập trực thuộc các bộ, ngành trung ương thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động. Các trường thí điểm sẽ được thu học phí cao hơn so với quy định hiện hành và được tăng theo lộ trình đến năm học 2020 - 2021.

Chính phủ quy định rõ lộ trình tăng học phí của các trường tự chủ tại NĐ 86/2015/NĐ-CP. Trong đó, năm học 2017 - 2018, mức trần học phí khối ngành nhóm 1 (khoa học xã hội, kinh tế, luật, nông, lâm, thủy sản) là 1,75 triệu đồng/tháng/sinh viên (các trường chưa tự chủ là 740.000 đồng/tháng). Như vậy, học phí có thể sẽ tăng gấp đôi và gần gấp 3 so với trước.

Năm học 2017-2018, nhiều trường ĐH công lập sẽ tăng học phí sau khi được phê duyệt đề án tự chủ. ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch dự kiến có mức học phí tăng cao nhất. Theo đó, sinh viên không có hộ khẩu TPHCM, mức học phí từ tháng 9 - 12.2017 là 2,2 triệu đồng/tháng; Từ tháng 1.2018, khi đề án tự chủ tài chính toàn phần được phê duyệt, trường sẽ áp dụng mức thu học phí mới theo NĐ 86/2015/NĐ-CP. Và ngành y đa khoa, răng hàm mặt, dược sĩ đại học, cử nhân khúc xạ có học phí sẽ là 4,4 triệu đồng/tháng/sinh viên (khoảng 44 triệu cho 10 tháng học).

Còn ĐH Luật TPHCM dự kiến chương trình đại trà, trình độ đại học, chính quy năm 2017-2018 học phí là 16 triệu đồng/năm học/sinh viên.

Ngoài các trường được tự chủ trong năm nay, các trường đã được tự chủ từ những năm trước sẽ tăng học phí theo theo lộ trình đã phê duyệt. Theo đó, ĐH Ngoại thương, mức học phí năm học 2017-2018 cho chương trình đại trà hệ đào tạo đại học tại cơ sở Hà Nội và TPHCM là 16,8 triệu đồng/năm học/sinh viên, tăng hơn 1 triệu đồng so với năm học trước.

Trích NĐ 86/2015/NĐ-CP về mức tăng học phí đối với trường tự chủ toàn diện và trường chưa tự chủ. Có thể thấy mức chênh học phí khá lớn.

Con nhà nghèo lo lắng

Từ trước đến nay, các trường đại học công lập chưa tự chủ được Nhà nước bao cấp và cấp kinh phí hỗ trợ theo số lượng sinh viên. Nghĩa là, người học chỉ phải đóng một phần học phí trong chi phí đào tạo. Hiện Chính phủ đang soạn một Nghị định về cơ chế của các trường ĐH, CĐ phấn đấu đến năm 2020, 100% các trường ĐH, CĐ đều hoạt động tự chủ. Và khi các trường tiến hành tự chủ, thì nguồn kinh phí chi thường xuyên “bao cấp” của Nhà nước sẽ bị cắt.

Để có kinh phí tiếp tục thực hiện các hoạt động đào tạo, trả lương cho giảng viên, đầu tư trang thiết bị giáo dục, các trường ĐH sẽ buộc phải tăng học phí theo khung trần đã được Chính phủ quy định khi tiến hành tự chủ. Tuy nhiên, mức học phí cao mà các trường được phép thu lại là một trong những rào cản, nỗi lo đối với những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, ở các vùng nông thôn.

“Hiện nay tính trung bình, mỗi em phải đóng 1.070.000 đồng/tháng tiền học phí, chưa kể tiền trọ, ăn uống, sinh hoạt. Bố em đã mất, chỉ một mình mẹ chợ búa nuôi hai chị em ăn học. Hiện em chăm chỉ đi gia sư để có thêm tiền trang trải. Nếu sau này trường tự chủ, chẳng hạn phải nộp học phí khoảng 4,4 triệu đồng/tháng thì rất khó khăn cho em và gia đình” - Đỗ Thị Thảo - Đại học Điều dưỡng Nam Định - lo lắng.

SV Khổng Văn Quang – năm cuối Đại học Y Hà Nội – cho rằng, khi tự chủ các trường sẽ phải cam kết mức tăng học phí đồng nghĩa với nâng cao chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất, nên chỉ mong các trường thực hiện đúng điều này, làm sao để sinh viên ra trường có thể đáp ứng nhu cầu nhà tuyển dụng.

Với mức học phí 4,4 triệu đồng/tháng cho sinh viên ngành y, thực sự là quá sức đối với gia đình nông dân. Các trường khối khoa học tự nhiên, công nghệ, kỹ thuật, học phí năm 2017-2018 cũng là hơn 2 triệu/tháng. Cứ đà này, chỉ con nhà giàu mới học được đại học y, Quang nói.

Một số ý kiến cho rằng, nên xây dựng lộ trình tăng học phí riêng theo vùng, khu vực để sinh viên gia cảnh khó khăn, vùng nông thôn, sẽ vẫn có hội học đại học, chứ không nên cào bằng.

Đặng Chung

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/giao-duc/hoc-phi-dai-hoc-tang-toi-3-lan-chi-con-nha-giau-moi-theo-duoc-dai-hoc-685405.bld