Học phí đại học nhiều ngành miễn phí, ngành lại tăng phí chót vót

Cùng trong ngành y nhưng có những ngành miễn học phí, có ngành lên đến trăm triệu một học kỳ.

Chuẩn bị vào mùa tuyển sinh đại học năm học 2024 – 2025, bên cạnh những tính toán chọn ngành, chọn trường thì học phí cũng là điều mà thí sinh và phụ huynh quan tâm.

Đối với những học sinh nghèo, không có điều kiện theo học các ngành có học phí cao thì vẫn còn rất nhiều cơ hội để lựa chọn học đại học vì còn rất nhiều ngành nghề miễn học phí và cấp chi phí sinh hoạt. Bên cạnh khối ngành quân sự, công an thì các ngành sư phạm, y tế, nghệ thuật vẫn có nhiều suất miễn phí chờ đón các thí sinh.

Vẫn nhiều cơ hội cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn theo học đại học khi có nhiều chuyên ngành được miễn học phí (ảnh nguồn Đại học Quốc gia Hà Nội).

Cụ thể, theo Nghị định 116/2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm, SV ngành này sẽ được hỗ trợ 2 khoản kinh phí là học phí và sinh hoạt phí. Trong đó, mức hỗ trợ học phí của SV sư phạm là trợ 3,63 triệu đồng/tháng, bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi SV sư phạm theo học.

Thời gian hỗ trợ được xác định theo số tháng thực tế học tập tại trường, nhưng không quá 10 tháng/ năm học. Tuy nhiên, để nhận hỗ trợ theo Nghị định 116, sinh viên sư phạm phải cam kết công tác trong ngành giáo dục sau khi ra trường.

Cùng với đó, theo Nghị định số 97/2023 về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, có quy định về 8 chuyên ngành sinh viên được miễn học phí gồm: Tư tưởng Hồ Chí Minh, Mác-Lenin, ngành Lao, Phong, Tâm thần, Pháp y tâm thần, Giám định pháp y, Giải phẫu bệnh tại các cơ sở đào tạo công lập theo chỉ tiêu đặt hàng của nhà nước.

Cũng tại Nghị định này, đối tượng được miễn học phí gồm: sinh viên học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và giáo dục đại học (GDĐH); người dân tộc thiểu số có cha/mẹ hoặc ông/bà (trong trường hợp ở với ông bà) thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; sinh viên người dân tộc thiểu số rất ít người.

Bên cạnh các ngành miễn hoàn toàn học phí, hiện nay cũng có nhiều ngành giảm tới 70% học phí cho sinh viên. Nghị định số 97/2023 của Chính phủ quy định các ngành học giảm 70% học phí cho sinh viên gồm: Các ngành nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các cơ sở giáo dục nhà nước (GDNN), giáo dục đại học (GDĐH) công lập, tư thục có đào tạo về văn hóa - nghệ thuật bao gồm: Nhạc công kịch hát dân tộc; Nhạc công truyền thống Huế, đờn ca tài tử Nam Bộ; Diễn viên sân khấu kịch hát, nghệ thuật ca trù, nghệ thuật biểu diễn dân ca, nghệ thuật bài chòi, biểu diễn nhạc cụ truyền thống.

Trong năm học 2024 - 2025, theo dự kiến, học phí tiếp tục tăng theo lộ trình. Với trường đại học chưa tự chủ, mức thu thấp nhất ở khối ngành Nghệ thuật với 13,5 triệu đồng/năm (tăng 1,5 triệu đồng so với năm học trước đó). Khối ngành Y - Dược có mức tăng mạnh nhất với khoảng 3,1 triệu đồng lên mức 27,6 triệu đồng.

Theo đề án tuyển sinh năm 2024 các trường đã công bố, Khoa Y (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) với các ngành đào tạo: Y khoa, Dược học, Răng – Hàm - Mặt, Y học cổ truyền dự kiến thu 62,2 triệu đồng/năm học; ngành Điều dưỡng 47,2 triệu đồng/năm.

Cùng đó, khối ngành Y - Dược tại các trường Đại học tư thục cũng ở mức cao nhất. Tại Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, học phí chương trình đại trà theo năm học ở ngành Răng - Hàm - Mặt và Y khoa 210 triệu đồng.

Kế tiếp là ngành Y học cổ truyền 90 triệu đồng, ngành Dược học 60 triệu đồng, ngành Dinh dưỡng 55 triệu đồng, các ngành khác 55 triệu đồng…

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/hoc-phi-dai-hoc-nhieu-nganh-mien-phi-nganh-lai-tang-phi-chot-vot-post285496.html