Học hát từ mô hình di sản

Khung sắt, mô tơ, xích, đèn LED, đài ghi âm thanh, vải vụn, sơn màu,... chỉ bằng những nguyên liệu đơn giản, cô và trò Trường Tiểu học Vân Phú, thành phố Việt Trì đã sáng tạo nên mô hình Hát Xoan ứng dụng trong các giờ học âm nhạc truyền thống, tạo môi trường học tập sinh động, hấp dẫn góp phần gìn giữ và lan tỏa di sản văn hóa phi vật thể trong trường học.

Mô hình hát Xoan của học sinh Trường TH Vân Phú.

Hát Xoan - mô hình thiết kế một sân khấu “mini” thuật lại các màn trình diễn hát Xoan dưới sự thể hiện của những “nghệ nhân” rối do nhóm học sinh: Nguyễn Thị Tú Duyên - 9 tuổi, Nguyễn Thái Linh - 8 tuổi, Lê Cẩm Tú - 10 tuổi sáng chế từ các vật liệu đã qua sử dụng; được lắp ráp thủ công và vận hành bằng hệ thống công tắc mô tơ, bánh răng tạo chuyển động.

Chia sẻ ý tưởng sáng chế, em Nguyễn Thị Tú Duyên - học sinh lớp 4E, trưởng nhóm cho biết: “Hát Xoan là một trong những hoạt động trải nghiệm về văn hóa truyền thống quê hương mà chúng em thường được tham gia trong trường học. Vì yêu thích và tự hào về di sản nguồn cội, cũng như mong muốn được sáng tạo nên mô hình học tập ý nghĩa, bổ ích; chúng em đã lên ý tưởng và bắt tay vào thực hiện mô hình học tập mang tên “Hát Xoan” để thực hành trong các giờ học”.

Mô hình “Hát Xoan” triển khai thực hiện từ khoảng tháng 9 năm 2022. Dựa trên những kiến thức từ bộ môn Khoa học tự nhiên, Công nghệ kết hợp cùng nguồn thông tin hữu ích từ sách báo, internet, tư liệu lịch sử văn hóa di sản, sau hơn hai tháng nghiên cứu - chế tạo, dưới sự hướng dẫn của các thầy cô trong trường, mô hình đã được hoàn thiện và đưa vào thử nghiệm tại các tiết học hát Xoan, câu lạc bộ hát Xoan và các hoạt động trải nghiệm tập trung trong trường học.

Để mô hình vận hành an toàn, hiệu quả, tốn ít chi phí, nhóm sáng chế đã tận dụng những món đồ gia dụng cũ (như: Tấm amilu, khung sắt, đèn LED, đài ghi âm bài hát, sơn màu, bút vẽ, trống, vải rèm, thảm cỏ...); trong đó, khung sắt được thầy cô cắt - hàn kiên cố để tạo sân khấu trình diễn; các thanh thép tròn, dẹt được thiết kế thành trục khuỷu giúp cố định vị trí và chuyển động tay của các nghệ nhân. Sau khi phần khung cứng hoàn thiện, các bộ phận cấu thành mô hình sẽ được lắp đặt một hệ thống mô tơ định vị bánh răng, xích, thanh tăng xích tạo chuyển động. Cuối cùng là trang trí không gian sân khấu, trang phục nghệ nhân, lắp ổ điện gắn mô tơ và đài ghi âm bài hát để hoàn thiện mô hình.

Mô hình hát Xoan đã đạt thành tích cao tại Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng năm 2023 các cấp.

Nhờ tính ứng dụng cao (đặc biệt phù hợp trong công tác giáo dục hoạt động trải nghiệm văn hóa truyền thống cho học sinh trong độ tuổi từ 6 đến 10 tuổi) cấu tạo đơn giản, chi phí đầu tư thấp nên mô hình “hát Xoan” của nhóm học sinh sáng chế Trường TH Vân Phú đã vượt qua 39 mô hình, sản phẩm cùng lĩnh vực đồ dùng dành cho học tập, xuất sắc đạt giải Nhất cấp thành phố, giải Nhì cấp tỉnh, giải Khuyến khích cấp Quốc gia tại Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng năm 2023.

Cô giáo Nguyễn Thị Vinh - Phó Hiệu trưởng Trường TH Vân Phú cho biết: “Mô hình hát Xoan là ý tưởng khoa học kỹ thuật nổi bật mà học sinh nhà trường đã dày công nghiên cứu, sáng tạo trong năm học vừa qua. Kể từ khi hoạt động sáng tạo khoa học kỹ thuật được đưa vào tiêu chí đánh giá thi đua tại các trường học, Trường TH Vân Phú đã phát động đến tất cả học sinh trong toàn trường, mong muốn tạo sân chơi bổ ích, lý thú để học sinh được rèn luyện, bộc lộ tư duy sáng chế, gắn lý thuyết với thực hành; giúp các em tự tin, mạnh dạn khám phá, tiếp cận và ứng dụng công nghệ vào cuộc sống. Nhờ vậy, sau năm mùa tham gia cuộc thi, nhiều mô hình, sản phẩm khoa học kỹ thuật đã được hiện thực hóa, góp phần làm đa dạng, phong phú thêm hoạt động dạy và học của nhà trường. Giải thưởng tại cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng năm 2023 sẽ là động lực to lớn để giáo viên và học sinh nhà trường tiếp tục nỗ lực phát huy khả năng sáng tạo khoa học trong thời gian tiếp theo”.

Đồng Niên

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/van-hoa/hoc-hat-tu-mo-hinh-di-san/206216.htm