Hoạt động trải nghiệm cho học sinh hướng tới mục tiêu thực chất

Thời gian qua, nhiều nhà trường trên địa bàn tỉnh đã tổ chức khá thường xuyên các hoạt động trải nghiệm (HĐTN) cho học sinh. Với hình thức đa dạng, các HĐTN đã được lồng ghép cùng với các hoạt động giáo dục khác trong nhà trường hoặc tổ chức thành các buổi tham quan, dã ngoại, thu hút đông học sinh tham gia. Qua đó, không chỉ giúp nâng cao sự hiểu biết về thế giới xung quanh, trau dồi kỹ năng sống cho học sinh, mà còn tạo cơ hội gắn kết, xây dựng trường học đến gần hơn với yêu cầu đổi mới giáo dục.

Thời gian qua, nhiều nhà trường trên địa bàn tỉnh đã tổ chức khá thường xuyên các hoạt động trải nghiệm (HĐTN) cho học sinh. Với hình thức đa dạng, các HĐTN đã được lồng ghép cùng với các hoạt động giáo dục khác trong nhà trường hoặc tổ chức thành các buổi tham quan, dã ngoại, thu hút đông học sinh tham gia. Qua đó, không chỉ giúp nâng cao sự hiểu biết về thế giới xung quanh, trau dồi kỹ năng sống cho học sinh, mà còn tạo cơ hội gắn kết, xây dựng trường học đến gần hơn với yêu cầu đổi mới giáo dục.

Tại Trường THPT chuyên Biên Hòa, nhiều năm qua nhà trường luôn quan tâm tổ chức các HĐTN cho học sinh. HĐTN ở đây không chỉ bó gọn trong phạm vi trường học, lớp học, mà còn mở rộng cả ra ngoài trường học, phù hợp với nhu cầu thực tế… Ngay trong các tiết học chính khóa và ngoại khóa, đã có không ít các hoạt động mang tính trải nghiệm được nhà trường và từng lớp học tổ chức. Mặc dù tiêu chí chất lượng học các môn văn hóa được đặt lên hàng đầu, học sinh được học theo đúng nội dung, chương trình quy định, song việc học trở nên nhẹ nhàng và không quá áp lực khi các em được tham gia thường xuyên các HĐTN. Qua các hoạt động này, ngoài việc được chia sẻ, trao đổi, lĩnh hội kiến thức, các em đã có thêm cơ hội tốt để thể hiện được suy nghĩ, chính kiến, sự hiểu biết của bản thân đối với nhiều vấn đề, có được những cái nhìn đúng đắn, bao quát hơn về cuộc sống xung quanh, cách ứng xử đối với từng vấn đề gặp phải.

Học sinh Trường THPT B Phủ Lý thường xuyên được tham gia các HĐTN thể hiện tốt tính tập thể, sáng tạo do nhà trường tổ chức.

Sáng tạo trong tổ chức trải nghiệm, mới đây, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Phủ Lý đã tổ chức một buổi giao lưu khá hấp dẫn dành cho học sinh tiểu học trên địa bàn. Không đơn giản chỉ mang tới cho học sinh một sân chơi, một cuộc giao lưu, mà tại đây học sinh đến từ câu lạc bộ các môn học của các trường tiểu học còn được trải nghiệm với nhiều hoạt động mang đậm tính nghệ thuật, thể thao, lịch sử. Ngoài ra, các đơn vị trường học còn mang tới cuộc giao lưu rất nhiều sản phẩm về giáo dục Stem, nghiên cứu khoa học, ứng dụng kiến thức đã học vào thực tiễn… Điều đó đồng nghĩa với việc các em học sinh đã được đến gần hơn với việc được tìm hiểu, được tham gia và sáng tạo. Cuộc giao lưu, trải nghiệm chỉ trong vài giờ đồng hồ nhưng đã mang tới cho các em nhiều cảm xúc, phấn khởi, thích thú.

HĐTN có các hình thức cơ bản, như: hình thức có tính khám phá là các hoạt động thực tế, đi tham quan, dã ngoại; hình thức có tính cống hiến, bao gồm các hoạt động thực hành lao động, tình nguyện… Như một số trường học đã tổ chức cho học sinh đến tham quan các di tích lịch sử ngay trên địa bàn. Tại đó, các em được tìm hiểu kỹ hơn về di tích, về nhân vật lịch sử gắn với di tích, được tham gia dọn dẹp vệ sinh và chăm sóc di tích. Điều này có ý nghĩa lớn trong việc bồi đắp tình yêu quê hương và niềm tự hào dân tộc trong mỗi học sinh. Hay như tại những nơi là quê hương của những làn điệu dân ca như hát chèo làng Ngò (Đức Lý, Lý Nhân), hát trống quân (Liêm Thuận, Thanh Liêm), học sinh đã được học hát, trực tiếp biểu diễn nhiều tiết mục. Một số nhà trường còn mang tới các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học các sản phẩm được đánh giá cao về bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của địa phương do chính học sinh nghiên cứu, xây dựng.

Học sinh và giáo viên các trường tiểu học của thành phố Phủ Lý tham gia HĐTN tại buổi giao lưu CLB các môn học. Ảnh: Trần Hà

Ở cấp học mầm non, nội dung tổ chức HĐTN cho trẻ tương đối phong phú, như: Hội thi Bé khỏe - bé ngoan, Bé chăm ngoan - bé chuyên cần; Bé tài năng; Bé làm họa sĩ; Bé làm nội trợ; Bé kể chuyện về gia đình; Bác nông dân tí hon; tham quan làng nghề địa phương, tham quan trang trại, vườn rau nhà trường; thu hoạch rau củ quả trong vườn trường, tham quan khu di tích lịch sử… Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tiên Tân (TP Phủ Lý) chia sẻ: Bằng trải nghiệm thực tế “học bằng chơi - chơi mà học”, các HĐTN đã tạo cho các trẻ niềm hứng thú tìm tòi, khám phá thế giới xung quanh. Khi va chạm với các tình huống trong thực tế, trẻ dễ dàng thể hiện cảm xúc, những kỹ năng xử lý; từ đó bộc lộ những điểm mạnh, yếu của mình - điều mà khi học trong môi trường lý thuyết, sách vở rất ít khi có được. Đồng thời, HĐTN vừa giúp trẻ mạnh dạn hơn trong giao tiếp, vừa giúp giáo viên nhận biết tính cách, sở trường của từng trẻ để điều chỉnh phù hợp trong quá trình dạy học. Hơn thế, khác với những hoạt động khám phá trước kia chỉ tổ chức trong lớp học, khi trẻ được thực hành trải nghiệm trong các giờ chơi, giờ học có chủ đích sẽ chủ động và tự tin khám phá những hiện tượng, sự vật quanh mình, trẻ học được qua chơi, thực hành, quan sát và dần hình thành những kiến thức cơ bản về những đặc điểm, tính chất của sự vật, hiện tượng, những hiểu biết sơ đẳng về cuộc sống. Hầu hết trẻ đều rất hào hứng và phấn khởi khi được tham gia các HĐTN. Điều đó rất có ích trong rèn luyện kỹ năng sống; tăng cường thể chất, nhận thức, ngôn ngữ và giao tiếp, tình cảm xã hội cho trẻ.

Giáo viên Trường Mầm non Tiên Tân (TP Phủ Lý) đang hướng dẫn trẻ tham gia HĐTN làm bình lọc nước.

Không dừng lại trong phạm vi nhà trường, hiện nay, HĐTN còn được các nhà trường mạnh dạn tổ chức với phạm vi ngoài trường học. Với mục đích giúp học sinh có những chuyến đi xa thú vị, được trải nghiệm cùng thiên nhiên và các hoạt động ngoài trời khi đưa học sinh tới các cơ sở sản xuất thủ công, các lễ hội, các trang trại và tham gia vào nhiều hoạt động tập thể sôi nổi, bổ ích.

Với yêu cầu đổi mới giáo dục ngày càng cao, theo quan điểm của hầu hết các nhà trường, nếu chỉ chăm chăm lo thực hiện tốt các nhiệm vụ đã được xây dựng, được giao sẽ khó đạt được những mục tiêu giáo dục mới. Đó là giáo dục theo định hướng mở, lấy người học làm trung tâm của các hoạt động giáo dục trong và ngoài nhà trường. Vì vậy, song song với việc dạy văn hóa, các nhà trường cũng đang đứng trước những áp lực đối với việc tổ chức các hoạt động giáo dục, trong đó có HĐTN trong và ngoài trường học dành cho học sinh. Đặc biệt, trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, HĐTN đã trở thành một trong những môn học tự chọn bắt buộc, các nhà trường có thêm những áp lực trước những yêu cầu, đòi hỏi mới hơn, rộng hơn, như: lựa chọn hình thức tổ chức HĐTN nào, kinh phí tổ chức, giáo viên và nhà trường sẽ thích ứng ra sao với yêu cầu của môn học…

Cô giáo Lê Thị Thúy Nga, Hiệu trưởng Trường THCS Mộc Nam (thị xã Duy Tiên) cho biết: Tham gia các HĐTN, học sinh được tiếp thu, vận dụng tốt những kỹ năng, kiến thức được học vào thực tế và tạo cho đội ngũ giáo viên sự linh hoạt, xử lý nhanh hơn các tình huống theo từng chủ đề HĐTN được cá nhân xây dựng. Qua việc tổ chức các HĐTN giúp nhà trường xác định được mục đích tổ chức, có được kế hoạch tổ chức chi tiết: tổ chức hoạt động gì, học sinh được tham gia và vận dụng kiến thức đã học vào các hoạt động như thế nào, phân công nhiệm vụ cho giáo viên ra sao, làm gì để học sinh được là trung tâm ở tất cả các hoạt động, chứ không phải để các em tự chơi, tự hoạt động một cách thụ động, phản giá trị giáo dục.

Thanh Hà

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/xa-hoi/giao-duc/hoat-dong-trai-nghiem-cho-hoc-sinh-huong-toi-muc-tieu-thuc-chat-98412.html