Hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước

Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia vừa tổ chức họp phiên họp quý I năm 2017 dưới sự chủ trì của đồng chí VƯƠNG ĐÌNH HUỆ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng tại Trụ sở Chính phủ.

Cuộc họp nhằm ghi nhận các kiến nghị của các chuyên gia kinh tế gửi Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ trong công tác điều hành kinh tế vĩ mô và phục vụ phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 sẽ diễn ra vào đầu tháng 4 tới. Các chuyên gia khuyến nghị Chính phủ tiếp tục phải giữ được ổn định kinh tế vĩ mô và kiên trì điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ từ đầu năm, đồng thời phản ứng kịp thời với các thay đổi chính sách từ bên ngoài; đẩy nhanh hơn tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tiếp tục rà soát lại các quy định Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng để dỡ bỏ các rào cản trong giải ngân vốn này; Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phấn đấu tiếp tục giữ ổn định lãi suất, tỷ giá khi vẫn còn dư địa; chỉ đạo NHNN giám sát một số hiện tượng có biểu hiện không lành mạnh trong huy động vốn như “lách” chi trả lãi suất USD qua chứng chỉ tiền gửi...

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các chuyên gia kinh tế đánh giá về các diễn biến quốc tế trong thời gian qua như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất đồng USD, xu hướng bảo hộ thương mại ngày một tăng lên sẽ có tác động như thế nào tới kinh tế trong nước; đánh giá về mặt bằng lãi suất hiện nay và phân tích, dự báo về tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát ở mức Quốc hội giao. Đánh giá cao các góp ý của các chuyên gia kinh tế, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư và NHNN tiếp thu và hoàn thiện các báo cáo kinh tế - xã hội, bổ sung thêm các chỉ tiêu về chất lượng tăng trưởng để phục vụ phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3…

* Chiều 30-3, đồng chí VŨ ĐỨC ĐAM, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ và Đoàn công tác có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc, lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, tỉnh đang nỗ lực xây dựng để trở thành trung tâm y tế chuyên sâu, Đại học Huế trở thành trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực tại khu vực miền trung - Tây Nguyên. Về y tế, toàn tỉnh có 152 trạm y tế được đầu tư xây dựng khang trang với hệ thống cơ sở vật chất đầy đủ, cơ bản đáp ứng nhiệm vụ khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Thừa Thiên - Huế cũng là một trong những địa phương làm tốt công tác phát triển hệ thống y tế cơ sở, đứng đầu trong việc phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, nhiều bệnh viện tuyến huyện được xây dựng bằng nguồn trái phiếu Chính phủ nhưng chưa có hệ thống khu hành chính; mô hình bác sĩ gia đình hoạt động hiệu quả nhưng vẫn chưa có cơ chế hoạt động thống nhất…

Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Tự chủ trường đại học là điều kiện cần thiết để thực hiện các phương thức quản trị đại học tiên tiến nhằm cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo. Đại học Huế là một trung tâm giáo dục lớn ở khu vực, cần có hướng nghiên cứu để áp dụng phù hợp với thực tiễn phát triển. Tỉnh Thừa Thiên - Huế cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin cho tuyến y tế cơ sở, hướng tới nâng cao chất lượng sức khỏe cho người dân. Đối với các đề xuất liên quan lĩnh vực y tế và giáo dục, Phó Thủ tướng giao các bộ: Y tế, Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu và làm việc với tỉnh trong thời gian tới.

* Ngày 30-3, Đoàn giám sát của Quốc hội do đồng chí UÔNG CHU LƯU, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội làm trưởng đoàn đã làm việc với UBND thành phố Cần Thơ về thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác cải cách hành chính (CCHC) tổ chức bộ máy nhà nước giai đoạn 2011-2016.

Theo báo cáo của UBND thành phố Cần Thơ, công tác CCHC bộ máy nhà nước được TP Cần Thơ thực hiện theo quy định của pháp luật, hướng dẫn Chính phủ, các bộ, ngành trung ương.

Tuy nhiên, bộ máy hành chính của TP Cần Thơ chưa thật tinh gọn, một số chức năng nhiệm vụ còn chồng chéo, chưa rõ ràng; số lượng biên chế giảm còn ít (chỉ đạt 3,6%); số lượng các Ban chỉ đạo, các hội đồng thuộc UBND thành phố Cần Thơ hiện rất nhiều (111 ban chỉ đạo và 12 hội đồng) làm tăng gánh nặng trong CCHC cơ quan nhà nước…

Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, đồng chí Uông Chu Lưu, lưu ý: TP Cần Thơ nên dựa vào thực tiễn hoạt động trong CCHC bộ máy nhà nước. Không nhất thiết T.Ư có cơ quan gì địa phương có cơ quan đó mà tùy tình hình thực tế để tổ chức bộ máy, bố trí công việc phù hợp, trên cơ sở tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. TP Cần Thơ cần thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong CCHC nhằm giảm thời gian, kinh phí, tăng hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước. Công tác CCHC phải thực hiện thường xuyên, quyết liệt, đồng bộ với sự vào cuộc của các cấp, các ngành và người dân vì sự phát triển chung của đất nước.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/32436902-hoat-dong-cua-lanh-dao-dang-nha-nuoc.html