Hoạt động của các Quỹ tín dụng nhân dân tiếp tục được củng cố và phát triển

Tính đến ngày 31/12/2023, toàn hệ thống có 1.178 Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), hoạt động trên địa bàn 57 tỉnh, thành phố với tổng tài sản đạt khoảng 184 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 12% so với cuối năm 2022; tiền gửi khách hàng khoảng 163.067 tỷ đồng, tăng khoảng 15%; tổng dư nợ cho vay khoảng 134 nghìn tỷ đồng, tăng 0,4%; vốn chủ sở hữu đạt khoảng 13 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 9%...

Ngày 9/4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức Hội nghị trực tuyến chuyên đề về QTDND năm 2024. Báo cáo Kết quả hoạt động QTDND và tình hình thực hiện nhiệm vụ liên quan đến QTDND năm 2023, ông Nguyễn Việt Dũng, Cục trưởng Cục 3, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, NHNN cho biết, đến ngày 31/12/2023, toàn hệ thống có 1.178 QTDND, hoạt động trên địa bàn 57 tỉnh, thành phố với tổng tài sản đạt khoảng 184 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 12% so với cuối năm 2022; tiền gửi khách hàng khoảng 163.067 tỷ đồng, tăng khoảng 15% so với cuối năm 2022; tổng dư nợ cho vay khoảng 134 nghìn tỷ đồng, tăng 0,4% so với cuối năm 2022; vốn chủ sở hữu đạt khoảng 13 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 9% so với cuối năm 2022; tỷ lệ nợ xấu: 0,69% (Năm 2021, 2022 tỷ lệ nợ xấu đều ở mức 0,64%).

Qua 5 năm thực hiện kiểm tra QTDND theo chỉ đạo của NHNN, ông Vũ Văn Long, Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) cho biết, BHTGVN đã hoàn thành kiểm tra 100% kế hoạch NHNN giao, đảm bảo đúng nội dung và thời gian theo yêu cầu. Qua kiểm tra, về cơ bản các QTDND đã chấp hành các quy định về nhận tiền gửi, về các giới hạn và tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động và hoạt động cho vay.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú chủ trì Hội nghị.

Cùng thực hiện công tác kiểm tra QTDND theo yêu cầu của NHNN, ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Hợp tác xã chia sẻ, qua 5 năm triển khai công tác kiểm tra QTDND theo yêu cầu của NHNN cho thấy về cơ bản các QTDND chấp hành tốt các quy định về nhận tiền gửi tiết kiệm, quản lý sử dụng ấn chỉ quan trọng, tuân thủ về các giới hạn, tỷ lệ an toàn trong hoạt động và hoạt động cho vay.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhận định, công tác quản lý hệ thống QTDND vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, công tác xử lý pháp nhân của các QTDND là công việc phức tạp, chưa có tiền lệ nên quá trình xử lý cần nhiều thời gian hơn dự kiến; nhiều khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của QTDND tại một số địa phương chậm được xử lý, thực hiện nhiệm vụ của NHNN chi nhánh đối với QTDND vẫn còn một số nội dung cần lưu ý.

Phát biểu tại hội nghị, nhiều đại biểu cũng thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống QTDND, như: chưa chủ động trong việc rà soát, cập nhật văn bản, chưa kịp thời sửa đổi bổ sung quy định nội bộ đầy đủ, phù hợp với quy định pháp luật hiện hành; một số QTDND hạn chế trong quản trị nguồn nhân lực và chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế; năng lực quản trị điều hành của thành viên Hội đồng quản trị, ban điều hành còn hạn chế, nhất là khả năng ứng dụng công nghệ thông tin vào quản trị, điều hành hoạt động, khả năng quản trị rủi ro, dự báo, kiểm soát rủi ro, ứng phó với biến động của thị trường còn chậm…

Bên cạnh đó, ban kiểm soát, kiểm toán nội bộ tại một số nơi chưa ý thức được vai trò, vị trí, trách nhiệm, tầm quan trọng của mình trong hoạt động của QTDND, thiếu trách nhiệm, bỏ qua, không phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, hoặc phát hiện nhưng không kiến nghị các biện pháp xử lý hoặc chịu sự chỉ đạo của HĐQT, Ban điều hành tham gia vào các hoạt động nghiệp vụ của QTDND… Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến an toàn hoạt động không chỉ của từng QTDND mà còn là mối rủi ro đối với cả hệ thống các QTDND.

Nhằm tiếp tục thực hiện tốt việc quản lý, củng cố các QTDND, nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn hoạt động QTDND, bà Nguyễn Thị Thu Thu, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Nghệ An đề nghị cần có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh riêng hoạt động QTDND vì tiềm lực tài chính, khả năng quản trị điều hành cũng như năng lực trình độ của cán bộ QTDND không thể tương xứng được so với các ngân hàng thương mại. Đồng thời, đề nghị NHNN đề xuất Chính phủ sớm tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng HTX để ngân hàng có nguồn lực kịp thời hỗ trợ hệ thống QTDND trong công tác chuyển đổi số.

Để đảm bảo hệ thống QTDND hoạt động an toàn, hiệu quả, theo đúng tôn chỉ, mục đích, nguyên tắc hoạt động và quy định của pháp luật, qua phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đề nghị Thủ trưởng các đơn vị cần coi công tác tiếp tục chấn chỉnh, củng cố an toàn hoạt động hệ thống QTDND là một nhiệm vụ thường xuyên, khẩn trương, tập trung trong chỉ đạo điều hành.

Về nhiệm vụ, giải pháp cho thời gian tới, Phó Thống đốc yêu cầu tiếp tục khẩn trương hoàn thành xử lý các QTDND yếu kém ngay trong năm nay; khẩn trương ban hành các thông tư hướng dẫn theo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), tổ chức tập huấn góp phần giúp các địa phương, các QTDND nắm được để thực hiện nghiêm túc.

Định kỳ tối thiểu 1 quý hoặc 6 tháng/lần phối hợp với chính quyền địa phương cấp tỉnh, huyện, xã tổ chức hội nghị chuyên đề về QTDND trên địa bàn để phối hợp nắm bắt, cung cấp thông tin trong việc thông báo chủ trương chính sách, kết quả hoạt động và cảnh báo, chấn chỉnh các QTDND tiềm ẩn rủi ro, sai phạm.

Tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra. NHNN tỉnh, thành phố, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng tiến hành thanh tra giám sát theo chương trình hàng năm. Mục tiêu của các đợt thanh tra, kiểm tra là nhằm phát hiện ra các rủi ro để các QTDND hoạt động an toàn, lành mạnh, tuy nhiên nếu phát hiện sai cần xử lý nghiêm.

Đối với hoạt động kiểm tra của Ngân hàng Hợp tác xã và BHTGVN, Phó Thống đốc cũng khẳng định, đây là chủ trương, nhiệm vụ được giao, do đó, tất cả các bên cần thực hiện. Thời gian tới, hoạt động kiểm tra sẽ theo hướng ngày càng mở rộng, số lượng sẽ nhiều hơn. Các QTDND cần có trách nhiệm phối hợp thực hiện nghiêm các yêu cầu kiểm tra.

Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp, trao đổi, cung cấp thông tin với BHTG, Ngân hàng Hợp tác xã theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN tại Công văn số 4228/NHNN-TTGSNH ngày 15/6/2021 để hỗ trợ kịp thời, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống QTDND theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc NHNN.

Phó Thống đốc yêu cầu Ngân hàng Hợp tác xã nâng cao năng lực tài chính, hiện đại hóa, đầu tư đổi mới hệ thống công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0 để phát triển Ngân hàng Hợp tác xã hiện đại, tăng cường hơn nữa vai trò liên kết hệ thống, điều hòa vốn, trung tâm thanh toán, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, kiểm tra, giám sát an toàn của hệ thống QTDND, tham gia hỗ trợ, xử lý QTDND yếu kém, được kiểm soát đặc biệt.

Các QTDND cần phối hợp chặt chẽ với Cục Công nghệ thông tin, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng trong việc triển khai Dự án Hệ thống thông tin phục vụ công tác giám sát hoạt động của QTDND. Phó Thống đốc yêu cầu lãnh đạo NHNN chi nhánh, các cán bộ trực tiếp thực hiện công tác giám sát QTDND cần tham gia trực tiếp để đảm bảo Hệ thống được xây dựng, triển khai dễ sử dụng, tự động hóa, nâng cao hiệu quả và đáp ứng yêu cầu công tác giám sát QTDND của NHNN chi nhánh.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/hoat-dong-cua-cac-quy-tin-dung-nhan-dan-tiep-tuc-duoc-cung-co-va-phat-trien-1099209.html