Hoàng đế Quang Trung và chính sách sử dụng nhân tài

Nét nổi bật hơn cả là chính sách sử dụng nhân tài của vua Quang Trung. Vị Hoàng đế áo vải cờ đào này nhận thức rất rõ vai trò, tầm quan trọng của tầng lớp trí thức phong kiến, nhất là những bậc hiền tài.

Trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam, triều đại Quang Trung là triều đại ngắn ngủi thứ 2 (sau triều Hồ). Tuy thời gian tồn tại chỉ ở mức hết sức khiêm tốn (1788 – 1802), nhưng triều đại Quang Trung lại để dấu ấn khá đậm nét trong lịch sử. Đáng chú ý là việc vị Hoàng đế này đã tạo ra sự cải cách cho nền giáo dục nước nhà bằng việc ra sắc lệnh dùng chữ Nôm là văn tự chính, thay cho chữ Hán. Đây là một việc làm hết sức tiến bộ, bởi trước Quang Trung, chưa có một vị vua nào có quyết định dũng cảm đến thế; bởi các nhà nho phong kiến của chúng ta vẫn quan niệm chữ Nho (chữ Hán) là chữ thánh hiền, chữ Nôm chỉ là thứ “nôm na mách qué”.

Nhưng, có lẽ, dấu ấn đậm nét nổi bật hơn cả là chính sách sử dụng nhân tài của vua Quang Trung. Vị Hoàng đế áo vải cờ đào này nhận thức rất rõ vai trò, tầm quan trọng của tầng lớp trí thức phong kiến, nhất là những bậc hiền tài. Và họ đã không phụ lòng mong mỏi của Quang Trung khi góp công sức rất lớn cho triều đình phong kiến trong công cuộc xây dựng nước nhà và bảo vệ nền độc lập dân tộc trước sự xâm lược của giặc Mãn Thanh cuối năm 1788 đầu năm 1789.

Ngay sau khi tiến quân ra Bắc lần thứ nhất (1786), Nguyễn Huệ lúc đó còn giữ cương vị Bắc Bình Vương, đã cho người mang thư đến mời La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, một bậc đại nho người Hà Tĩnh thời Lê - Trịnh ra giúp cho quân Tây Sơn; nhưng Nguyễn Thiếp khéo léo từ chối. Không nản lòng, tháng 8/1787, Nguyễn Huệ lại cho quan Lưu thủ là Nguyễn Văn Phương và Binh bộ Thị lang Lê Tài ra Nghệ An dâng thư mời Nguyễn Thiếp. Lần này Nguyễn Thiếp cũng khiêm nhường từ chối.

Lần thứ 3, ngày 13 tháng 9 năm 1787, Nguyễn Huệ sai quan Thượng thư Bộ hình Hồ Công Thuyên dâng thư mời Nguyễn Thiếp. Nguyễn Thiếp vẫn thoái thác không đi.

Tháng 4 năm Mậu Thân (1788), trên đường ra Thăng Long trừ Vũ Văn Nhậm. Khi đến đất Nghệ An, Nguyễn Huệ đã cử Cẩn Tín hầu Nguyễn Quang Đại mang thư đến mời Nguyễn Thiếp đến hội kiến. Lời thư rất tha thiết, nên Phu tử đành xuống núi nhưng vẫn chưa chịu ra giúp. Hai người rất tâm đắc, bàn luận sôi nổi. Cuộc hội kiến tưởng chừng như không dứt. Như vậy, thành ý của Nguyễn Huệ đã được bậc đại nho người Hà Tĩnh tiếp nhận. Cuối năm 1788 khi lên ngôi Hoàng đế tại núi Bân (Huế), rồi kéo quân ra Bắc, Quang Trung lại mời cụ đến hỏi về kế sách diệt giặc Thanh. Nguyễn Thiếp đã tiên đoán quân giặc sẽ tan rã trong vòng 10 ngày. Lời tiên đoán này đã củng cố niềm tin chiến thắng, quyết tâm tiêu diệt kẻ thù cho nhà vua và tất cả tướng sĩ. Sau đại thắng vào đầu xuân Kỷ Dậu (1789), vua Quang Trung về đến Nghệ An lại mời Nguyễn Thiếp đến bàn quốc sự. Trong bức thư gửi Nguyễn Thiếp, vua Quang Trung thổ lộ: “Trẫm ba lần xa giá Bắc thành, Phu tử đã chịu ra bàn chuyện thiên hạ. Người xưa bảo rằng: Một lời nói mà dấy nổi cơ đồ. Lời Phu tử hẳn có thế thật”.

Sau khi Quang Trung đánh đuổi giặc Thanh, Nguyễn Thiếp trở thành một trong những vị học giả được vua tin cậy nhất. Vua biết Phu tử không thích tham gia chính sự nên chỉ nhờ giải quyết những việc có tính chất học thuật và đặc biệt giao hẳn cho ông việc tổ chức nền giáo dục mới.

Lần mở khoa thi Hương đầu tiên dưới triều đại Quang Trung được tổ chức ở Nghệ An vào năm 1789, Nguyễn Thiếp được cử làm Đề điệu kiêm Chánh Chủ khảo. Cụ khuyên nhà vua hòa hoãn với nhà Thanh để tập trung xây dựng đất nước trở thành một quốc gia cường thịnh. Khoa thi kết thúc, cụ lại về ở ẩn tại núi Thiên Nhẫn mà không ở lại làm quan. Năm 1791, Hoàng đế tiếp tục cho mời Cụ vào Phú Xuân để bàn việc nước. Vì cảm thái độ chân tình ấy, nên lần này Phu tử đã nhận lời và dâng lên vua Quang Trung một bản tấu bàn về 3 vấn đề: Một là “Quân đức” (đại ý khuyên vua nên theo đạo Thánh hiền để trị nước); hai là “Dân tâm” (đại ý khuyên vua nên dùng nhân chính để thu phục lòng người), và ba là “Học pháp” (đại ý khuyên vua chăm lo việc giáo dục). Tuy là ba vấn đề, nhưng chúng có quan hệ mật thiết với nhau và đều lấy quan niệm “dân là gốc nước” làm cơ sở. Nguyễn Thiếp viết: “Dân là gốc nước, gốc vững nước mới yên. Muốn gốc vững thì phải chăm lo không để dân đói khổ, được vậy thì lòng người sẽ quy phục!”. Nhà vua nghe theo những lời tấu ấy và thực hiện một cách triệt để. Ngày 20 tháng 8 (1791), Quang Trung đã ban chiếu lập “Sùng chính Thư viện” ở nơi Nguyễn Thiếp ở ẩn và mời Cụ làm Viện trưởng. Cụ đã dịch các sách kinh điển của Nho gia sang chữ Nôm như: Kinh thư, Kinh thi, Kinh dịch…

Ngay từ khi tiến quân ra Bắc lần 2, Quang Trung đã trọng dụng một số sĩ phu Bắc Hà có thực tài để làm nền tảng cho triều đình phong kiến còn non trẻ: Ngô Thời Nhậm, Phan Huy Ích, Đoàn Nguyễn Tuấn, Vũ Huy Tấn, Nguyễn Thế Lịch… Bên cạnh các sĩ phu nổi tiếng về văn tài, là các võ tướng tài ba từ Nam chí Bắc: Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân, Trần Quang Diệu, Vũ Văn Dũng được vua hết sức tin dùng. Quang Trung đã sẵn sàng giao cho Ngô Thời Nhậm và Ngô Văn Sở quyền quyết định quân sự khi vua về Phú Xuân (Huế). Điều ủy thác của vua Quag Trung đã được thực hiện hết sức xuất sắc., Ngô Thì Nhậm đã bàn bạc với Ngô Văn Sở dùng kế rút quân về đóng ở Tam Điệp khi giặc Mãn Thanh tiến đánh nước ta làm bàn cho chiến thắng Đống Đa mùa Xuân năm Kỷ Dậu (1789), khiến cho viên tướng xâm lược nhà Thanh - Tôn Sĩ Nghị phải lên ngựa mà không kịp đóng yên; hốt hoảng vượt cầu phao sông Hồng chạy trốn.

Không ngủ yên trước trận tiền, càng không thể ngủ yên lúc thanh bình; ngay sau chiến thắng quân xâm lược nhà Thanh, Hoàng đế Quang Trung bắt tay ngay vào công cuộc kiến thiết đất nước bằng việc chiêu hiền đãi sĩ. Quang Trung giao cho Ngô Thời Nhậm lúc đó đang làm chức Tả thị lang bộ Lại viết: “Cầu hiền chiếu” (Chiếu cầu hiền) để kêu gọi những sĩ phu Bắc Hà có tài năng ra phụng sự đất nước. Ý tưởng của nhà vua được Ngô Thời Nhậm triển khai hết sức sắc bén, thuyết phục qua lời của bài Chiếu: vừa nêu được những khó khăn trong buổi đầu xây dựng triều đại mới, vừa thành tâm, khiêm nhường vừa thể hiện sự đòi hỏi và chút thách thức với tầng lớp nho sĩ đương thời. Thái độ bàng quan, hợp tác chiếu lệ, hoặc trốn tránh trách nhiệm của tầng lớp trí thức mang tư tưởng trung quân một cách mù quáng cũng được nhấn mạnh một cách triệt để. Không chỉ thế, qua bài Chiếu, Ngô Thời Nhậm đã vạch ra nhiều biện pháp tiến cử hiền tài cho triều đình phong kiến, đáp ứng được nhu cầu và khát vọng trọng dụng người có tài đức cộng tác với chính thể mới của Quang Trung. Từ năm 1790 Ngô Thời Nhậm giữ chức Binh bộ Thượng thư, nhưng tất cả chính sách an dân, trị quốc và bang giao với triều đình Mãn Thanh đều do ông đảm trách. Các bài chiếu ông viết thay Quang Trung: Chiếu hiểu dụ các quan văn võ triều cũ, chiếu lập nhà học, chiếu khuyến nông… đều có giá trị lớn lao. Nhiều chuyến đi sứ của chính Ngô Thời Nhậm và Vũ Văn Dũng sang giao hảo với nhà Thanh đã thành công xóa bỏ hận thù dân tộc, tránh cho đất nước tiếp tục rơi vào cuộc chiến tranh mới nhưng vẫn thể hiện được bản lĩnh trí tuệ và tầm vóc của triều đại, dân tộc. Thậm chí, trong chuyến đi sứ của Vũ Văn Dũng, lời cầu hôn của Hoàng đế Quang Trung với 1 công chúa, đồng thời còn đòi hỏi cả 2 tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây làm của hồi môn khiến cho vua Càn Long đã gần như chấp thuận.

Việc thưởng phạt của Quang Trung cũng hết sức rõ ràng, minh bạch: Năm 1791, em trai Phan Huy Ích là Phan Hữu Trấn nổi loạn chống lại Quang Trung bị thất bại phải trốn đi; Phan Huy Ích dâng biểu tạ tội. Vua Quang Trung đã phê vào tờ biểu, đại ý rằng: “mỗi người một tính nết, con còn khác cha, huống chi là anh em; ngươi không có tội tình gì!” và vẫn thăng chức cho Phan Huy Ích lên tới Thượng thư bộ Lễ.

Không chỉ ở Bắc Hà, mà ở Phú Xuân, Hoàng đế Quang Trung cũng được sự cộng tác hết lòng của Trần Văn Kỷ, một danh sĩ nổi tiếng ở Đàng Trong. Chính Trần Văn Kỷ là người dàn xếp và hóa giải mâu thuẫn giữa anh em nhà Tây Sơn, đồng thời tiến cử nhiều nhân tài cho triều đình. Ông cũng là người tổ chức bộ máy cai trị ở kinh thành Phú Xuân sau khi Hoàng đế lên ngôi…

Cầu được hiền tài đã khó, sử dụng nhân tài còn khó gấp bội lần; nhưng người anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ đã thực sự chiếm được cảm tình của họ. Tên tuổi và sự nghiệp vĩ đại của Hoàng đế Quang Trung gắn liền với những nhân tài đã giúp ông lập nên nghiệp lớn. Chính vì thế, dù triều đại của Ông tồn tại hết sức ngắn ngủi nhưng đã ghi một mốc son chói lọi trong lịch sử nước nhà!

_____________________________________

*Hội VNTN Trường Sơn

Nguyễn Hoàng Nguyên*

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/hoang-de-quang-trung-va-chinh-sach-su-dung-nhan-tai-a21681.html