Anh hùng trong thời chiến, gương mẫu giữa thời bình

Khi Tổ quốc cần, biết bao người lính đã không tiếc máu xương để bảo vệ từng tấc đất quê hương. Trở về địa phương khi đất nước lặng yên tiếng súng, những cựu chiến binh (CCB) ấy tiếp tục nêu cao phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, hăng say lao động, sản xuất, trở thành tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Đương (xã Tân Bình, huyện Tân Trụ) vẫn bồi hồi, xúc động mỗi lần kể về quá trình tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

1. Theo chân Chi hội trưởng Chi hội CCB ấp 6, xã Tân Bình, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An, chúng tôi đến nhà CCB Nguyễn Văn Đương (SN 1937). Ở tuổi 87 nhưng người CCB ấy vẫn nhanh nhẹn. Ông Đương kể, năm 1953 (khi vừa tròn 16 tuổi), theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông cùng nhiều thanh niên địa phương giã từ quê hương lên đường nhập ngũ và tham gia chiến đấu tại chiến trường Tây Ninh (Quân khu 2).

Đến năm 1964, ông được chuyển về chiến đấu tại huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre (Quân khu 9). Tại đây, ông trực tiếp tham gia nhiều trận đánh ác liệt. Trong quá trình hoạt động cách mạng, ông vinh dự được Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương cao quý như Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Kháng chiến hạng Nhất;...

Sau ngày giải phóng, ông tiếp tục sinh sống tại xã Thanh Phú Đông, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre và tích cực tham gia các phong trào của địa phương. Năm 2011, ông trở về quê hương tại ấp 6, xã Tân Bình, huyện Tân Trụ (trước là ấp 6, xã An Nhựt Tân) sinh sống cho đến nay.

CCB Nguyễn Văn Đương chia sẻ: “Là CCB, về với cuộc sống đời thường, tôi luôn suy nghĩ bất kỳ ở đâu, nhiệm vụ gì, CCB cũng phải gương mẫu, phát huy tốt bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ. Tôi đã trải qua những gian khổ của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nên khi hòa bình, tôi tâm niệm phải tiếp tục tham gia đóng góp cho địa phương”.

Từ đức tính gương mẫu của người CCB cùng sống và gắn bó với dân nên ông nắm được tâm tư, những nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân để phản ánh với cơ quan chức năng, địa phương kịp thời giải quyết. Không biết từ lúc nào, ông trở thành "cầu nối" giữa người dân với cấp ủy Đảng, chính quyền và các ngành, đoàn thể địa phương. Trong công tác Hội CCB, ông gương mẫu, đi đầu trong các phong trào do Hội CCB các cấp phát động.

Chi hội trưởng Chi hội CCB ấp 6, xã Tân Bình - Nguyễn Văn Cá cho biết: “CCB Nguyễn Văn Đương là thương binh hạng 2/4. Tuy tuổi đã cao nhưng với phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, ông luôn gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia xây dựng phong trào thi đua CCB gương mẫu và các phong trào do địa phương phát động. Cùng với đó, ông có uy tín, trách nhiệm trong công tác xã hội tại địa phương, được người dân tin yêu, quý trọng”.

2. CCB Lê Phát Thành (SN 1935) sinh ra và lớn lên ở xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành. Năm 1953, khi vừa tròn 18 tuổi, ông lên đường nhập ngũ tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và chiến tranh biên giới Tây Nam. Trong quá trình hoạt động cách mạng, ông Thành được phân công giữ nhiều vị trí quan trọng ở nhiều đơn vị như Đoàn 367; Trung đoàn 73; Đoàn 817, Tổng cục II - Bộ Quốc phòng.

Quãng thời gian hoạt động cách mạng tuy gian khổ, hiểm nguy nhưng dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, ông đều thể hiện tinh thần của người cộng sản kiên trung và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ông vinh dự được Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương cao quý như Huân chương Quân công hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Ba,...

Cựu chiến binh Lê Phát Thành (xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành) không chỉ anh dũng trong thời chiến mà còn gương mẫu giữa thời bình

Năm 1990, khi đang là Đại tá công tác tại Đoàn 817, Tổng cục II - Bộ Quốc phòng, ông Thành nghỉ hưu và về sinh sống tại địa phương.

Sau khi trở về với cuộc sống đời thường, ông Thành tiếp tục tham gia sinh hoạt tại Hội CCB xã Hiệp Thạnh cho đến nay. Những năm qua, ông cùng Hội CCB xã thường xuyên vận động hội viên, các nhà hảo tâm xây dựng quỹ hội để giúp đỡ những hội viên có hoàn cảnh khó khăn, thăm hỏi, động viên gia đình chính sách trên địa bàn xã.

Cùng với đó, CCB Lê Phát Thành còn tích cực tham gia các hoạt động, phong trào do địa phương phát động như xây dựng xã nông thôn mới, phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn ấp, hiến đất làm đường,...

Từng trải qua những năm tháng chiến tranh, với người đảng viên lão thành cách mạng Lê Phát Thành, đất nước độc lập, quê hương thanh bình, thay đổi từng ngày và được sống sum vầy bên con cháu là niềm hạnh phúc lớn lao. Điều tâm huyết nhất mà ông muốn gửi gắm đến thế hệ con cháu là phát huy truyền thống lịch sử của ông cha, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng văn minh, hiện đại.

Ông Lê Phát Thành chia sẻ: “Tôi luôn nhắc nhở con cháu phải chăm chỉ học tập, lao động để vươn lên trong cuộc sống; đồng thời, phải kính trên, nhường dưới và biết yêu thương, đồng cảm với những hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt phải luôn lấy chữ “Đức”, chữ “Tâm” làm đầu”.

Chủ tịch Hội CCB xã Hiệp Thạnh - Võ Tấn Thành cho biết, dù đã gần 90 tuổi nhưng CCB Lê Phát Thành vẫn tích cực tham gia, hưởng ứng các phong trào, hoạt động ở địa phương. Hàng ngày, ông đều đến thắp đèn nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ và tham gia chào cờ vào mỗi sáng thứ hai hàng tuần tại UBND xã Hiệp Thạnh. Những dịp lễ lớn, ông đều tổ chức tưởng nhớ đồng chí, đồng đội, những người đã từng kề vai sát cánh với ông trên chiến trường. Ông là một tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học tập và làm theo.

Đã gần nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày thống nhất đất nước, những người lính Cụ Hồ năm nào giờ đây mái tóc đã bạc, tuổi đã cao nhưng họ vẫn mãi là niềm tự hào và là tấm gương sáng để thế hệ trẻ noi theo./.

Bùi Tùng

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/anh-hung-trong-thoi-chien-guong-mau-giua-thoi-binh-a175189.html