Hoàng đế Càn Long viết chữ gì khiến Hòa Thân 'hồn xiêu phách lạc'?

Trong một lần thiết triều, hoàng đế Càn Long nổi hứng viết thư pháp. Ông hoàng này viết chữ 'Thiện' khiến văn võ bá quan tấm tắc khen ngợi, duy chỉ có tham quan Hòa Thân 'sợ hết hồn'. Vì sao lại vậy?

Hoàng đế Càn Long là một trong những vị vua nổi tiếng của nhà Thanh có tài trị quốc. Trong thời gian trị vì, Vua Càn Long đã đưa nhà Thanh vào thời kỳ hưng thịnh, dân chúng có cuộc sống ấm no. Chính vì vậy, ông được người đời ca ngợi là minh quân lỗi lạc.

Khi tìm hiểu về cuộc đời hoàng đế Càn Long, nhiều bí mật thú vị được hé lộ. Trong số này có việc nhà vua từng viết một chữ khiến Hòa Thân sợ hãi đến nỗi mặt mày tái mét. Sự việc xảy ra trong một buổi thiết triều sau khi nhà vua trở về Tử Cấm Thành sau chuyến nam tuần.

Trong buổi thiết triều đó, hoàng đế Càn Long bất ngờ có hứng thú viết thư pháp nên viết một chữ "Thiện". Khi xem bức thư pháp này, văn võ bá quan hết lời khen ngợi chữ viết của nhà vua hàm ý thiện ý vô cùng sâu sắc.

Trái với mọi người, Hòa Thân sau khi nhìn thấy chữ "Thiện" thì gương mặt biến sắc, "sợ hết hồn". Biểu hiện "kỳ lạ" này của ông được cho là có nguyên nhân. Cụ thể, Hòa Thân được biết đến là tham quan khét tiếng của nhà Thanh. Là người thông minh, có tài, giỏi xu nịnh, vị quan này được Vua Càn Long tin tưởng, trọng dụng nên con đường thăng tiến rất nhanh.

Do đó, Hòa Thân nắm giữ nhiều trọng trách quan trọng trong triều đình như: Đại học sĩ, Quân cơ đại thần, Cửu môn đề đốc... Lợi dụng chức quyền và sự tin tưởng của Vua Càn Long, tham quan này kết bè phái, tham ô, nhận hối lộ, ăn chặn một phần đồ tiến cung...

Nhờ vậy, tham quan Hòa Thân sở hữu khối gia sản kếch xù, tận hưởng cuộc sống xa hoa phú quý. Là người nhạy bén, giỏi đoán ý của nhà vua nên khi thấy hoàng đế Càn Long viết chữ "Thiện", Hòa Thân nhanh chóng hiểu được ý nghĩ của bậc đế vương.

Hòa Thân hiểu rằng, ẩn ý đằng sau chữ "Thiện" do hoàng đế Càn Long viết thực chất là thiện vị (có nghĩa là nhường ngôi). Điều này có nghĩa nhà vua có ý định nhường ngôi cho con trai là hoàng đế Gia Khánh.

Hòa Thân lo sợ một khi hoàng đế Càn Long nhường ngôi, Vua Gia Khánh kế vị, lúc đó, tham quan này sẽ mất chỗ dựa vững chắc là Vua Càn Long. Hòa Thân hiểu rõ bản thân phạm nhiều đại tội. Do được Càn Long bao che, "mắt nhắm mắt mở" bỏ qua nên Hòa Thân mới có thể không bị trừng trị dù nhiều quan lại dâng sớ vạch tội y.

Dù Hòa Thân sợ hãi nhưng vẫn không thể khiến hoàng đế Càn Long thay đổi quyết định. Sau khi nhường ngôi, Càn Long trở thành thái thượng hoàng và Vua Gia Khánh lên nắm quyền.

Tuy nhiên, sau khi Càn Long băng hà, chỗ dựa của Hòa Thân mất nên tháng ngày tốt đẹp của tham quan này chấm dứt. Vua Gia Khánh đã bắt giữ, công bố 20 tội lớn và tịch thu gia sản. Cuối cùng, Hòa Thân được Vua Gia Khánh ban cho chết toàn thây. Theo đó, Hòa Thân tự sát tại phủ ngày 22/2/1799.

Mời độc giả xem video: Hé lộ bí mật “khó nói” đằng sau chiếc long bào của Càn Long.

Tâm Anh (TH)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/hoang-de-can-long-viet-chu-gi-khien-hoa-than-hon-xieu-phach-lac-1892575.html