Hoàn thiện hành lang pháp lý đối với hoạt động đại lý thanh toán

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Thông tư quy định hoạt động đại lý thanh toán.

NHNN cho biết, dự thảo Thông tư được xây dựng trên quan điểm phù hợp với các căn cứ pháp lý hiện hành (Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024); Chiến lược Tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; đáp ứng được yêu cầu thực tiễn phát triển của hoạt động giao đại lý trong lĩnh vực thanh toán tại Việt Nam trong thời gian tới.

Đồng thời, vận dụng các kinh nghiệm quốc tế về giao đại lý thanh toán phù hợp với nền tảng pháp lý và thực tiễn tại Việt Nam, phù hợp với xu hướng phát triển lĩnh vực thanh toán trên thế giới, cũng như phát triển mạnh của công nghệ thông tin và viễn thông hiện nay.

Theo kết quả điều tra đối với 124 cơ quan quản lý tài chính, ngân hàng trung ương trên thế giới, có 105/124 cơ quan quản lý (85%) cho phép thực hiện hoạt động đại lý. Trong đó, 81% cơ quan quản lý cho phép NHTM hợp đồng với đại lý bán lẻ làm kênh phân phối, 91% cho phép tổ chức phi ngân hàng hợp đồng với đại lý bán lẻ làm kênh phân phối. Hơn 60% các cơ quan quản lý cho phép các hợp tác xã tài chính (tương đương như Quỹ tín dụng nhân dân ở Việt Nam), các tổ chức nhận tiền gửi khác như tổ chức tài chính vi mô được phép triển khai hoạt động này.

Đáp ứng mục tiêu quản lý nhà nước đối với hoạt động giao đại lý thanh toán của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài dưới hình thức ủy thác. Theo đó, chính sách hướng đến mục tiêu phục vụ cho phổ cập tài chính toàn diện nhưng vẫn đảm bảo an ninh, an toàn, kiểm soát rủi ro.

Thực tế, từ năm 2014 đến cuối năm 2023, NHNN đã cho phép thực hiện thí điểm một số mô hình dịch vụ thanh toán của Vietcombank và M_Service, MB và Viettel, PG Bank và Petrolimex (mô hình này dừng triển khai từ đầu năm 2023) để đưa dịch vụ thanh toán đến những địa bàn, những đối tượng người dân mà ngân hàng không thuận lợi trong việc tiếp cận và cung ứng dịch vụ. Tuy nhiên, các mô hình này được triển khai dưới hình thức thí điểm và đến cuối năm 2023, các mô hình này đã dừng triển khai do chưa có hành lang pháp lý.

Do vậy, cần hoàn thiện hành lang pháp lý đối với hoạt động đại lý thanh toán nhằm thúc đẩy dịch vụ thanh toán ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và góp phần phổ cập tài chính.

Dự thảo Thông tư gồm 4 Chương, 14 Điều, cụ thể:

Chương I - Quy định chung gồm 3 Điều (Điều 1 đến Điều 3). Dự thảo Thông tư quy định về phạm vi điều chỉnh (hoạt động giao đại lý thanh toán bằng đồng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam), đối tượng áp dụng và giải thích một số từ ngữ, như: hoạt động giao đại lý thanh toán, bên giao đại lý thanh toán, bên làm đại lý, hợp đồng đại lý thanh toán, điểm đại lý thanh toán, phí giao đại lý thanh toán.

Chương II - Hoạt động đại lý thanh toán gồm 7 Điều (Điều 4 đến Điều 10). Dự thảo đã quy định cụ thể về: các nội dung giao đại lý thanh toán, hạn mức giao dịch, hoạt động của bên giao đại lý; bên đại lý; nguyên tắc thực hiện hoạt động giao đại lý thanh toán; hợp đồng thực hiện hoạt động giao đại lý thanh toán; quyền và nghĩa vụ của các bên.

Chương III - Quy định báo cáo, tổ chức thực hiện gồm 2 Điều (Điều 11 và Điều 12), quy định cụ thể về trách nhiệm báo cáo của bên giao đại lý thanh toán; trách nhiệm của các đơn vị thuộc NHNN.

Chương IV - Điều khoản thi hành gồm 2 Điều (Điều 13 và Điều 14), quy định cụ thể về hiệu lực thi hành; tổ chức thực hiện.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Minh Hiển

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/hoan-thien-hanh-lang-phap-ly-doi-voi-hoat-dong-dai-ly-thanh-toan-102240416153813961.htm