Hoàn thiện hạ tầng giao thông, tạo động lực phát triển

Phóng viên Báo Lào Cai phỏng vấn ông Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc Sở Giao thông vận tải - Xây dựng về giải pháp huy động, sử dụng nguồn lực phát triển và hoàn thiện hạ tầng giao thông, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Thưa ông, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định 2 đột phá phát triển kinh tế - xã hội là du lịch - dịch vụ và kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trong đó ưu tiên phát triển công trình giao thông trọng điểm, hạ tầng đô thị lớn. Ông cho biết về đầu tư phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh thời gian qua?

Ông Nguyễn Quốc Huy: Lào Cai có sự hiện diện của 3 phương thức vận tải là đường bộ, đường sắt, đường thủy và tới đây có thêm đường hàng không.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nghe Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong giới thiệu về quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế cửa khẩu và mạng lưới giao thông kết nối của tỉnh Lào Cai.

Những năm qua, tỉnh đã xây dựng được hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, thông suốt, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, đảm nhiệm được vai trò là “cầu nối” của cả nước với vùng Tây Nam Trung Quốc. Đến hết năm 2025, tất cả các tuyến tỉnh lộ sẽ được nâng cấp mở rộng; những tuyến đường đến trung tâm xã, đường liên xã được đầu tư mở rộng và nâng cấp mặt đường bê tông nhựa bằng nguồn vốn thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia… tạo động lực khai thác các tiềm năng, lợi thế phát triển như kinh tế cửa khẩu, du lịch, công nghiệp chế biến…

Phóng viên: Ông có thể nêu một số công trìnhcông trình, dự án giao thông tạo dấu ấn và là động lực trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội?

Đường giao thông lên các xã vùng cao của Lào Cai đang dần hoàn thiện.

Ông Nguyễn Quốc Huy: Hệ thống hạ tầng giao thông Lào Cai đã có những bước phát triển vượt bậc. Việc hoàn thành xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Nội Bài - Lào Cai phía hữu ngạn sông Hồng là cụ thể hóa chủ trương hợp tác giữa 2 chính phủ Việt Nam - Trung Quốc về xây dựng, phát triển hai hành lang và một vành đai kinh tế trọng điểm. Tuyến cao tốc này nối với tuyến đường cao tốc Côn Minh - Hà Khẩu, tạo thành tuyến giao thông xuyên suốt hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, nối Côn Minh (Trung Quốc) với các tỉnh miền núi phía Bắc, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, khu vực Thủ đô Hà Nội.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải - Xây dựng Nguyễn Quốc Huy giới thiệu với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, lãnh đạo tỉnh về khu vực xây dựng cầu biên giới qua sông Hồng tại xã Bản Vược

Đây là trục xương sống để tỉnh xây dựng các tuyến đường kết nối với các khu công nghiệp, thương mại, các trung tâm du lịch của các địa phương trong tỉnh, như Dự án đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến Sa Pa, với điểm nhấn là công trình cầu Móng Sến - cầu cạn có trụ cao nhất Việt Nam. Dự án hoàn thành giúp giảm áp lực giao thông trên Quốc lộ 4D, rút ngắn thời gian di chuyển giữa thành phố Lào Cai và thị xã Sa Pa, xóa bỏ các vị trí điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông.

Đường lên Sa Pa đã được mở rộng.

Nút giao Phố Lu kết nối Tỉnh lộ 152 với cao tốc Nội Bài - Lào Cai góp phần kết nối các huyện: Bắc Hà, Si Ma Cai của tỉnh Lào Cai, huyện Sín Mần của tỉnh Hà Giang với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Cầu Làng Giàng, thành phố Lào Cai được xây dựng là mắt xích giao thông quan trọng nối thành phố Lào Cai với các tuyến đường liên huyện trong khu vực, nối Quốc lộ 70, Quốc lộ 4D với Quốc lộ 4E và đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Thi công cầu Phú Thịnh.

Tuyến đường kết nối Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai tại nút IC16 được Bộ Giao thông vận tải triển khai với tổng chiều dài 147 km giúp xe đi từ thành phố Lai Châu qua Lào Cai đến Hà Nội còn khoảng từ 4 giờ 30 phút - 5 giờ…

Tỉnh đang triển khai 2 dự án giao thông quan trọng là xây dựng cầu đường bộ qua sông Hồng thuộc khu vực biên giới Bát Xát (Việt Nam) - Bá Sái (Trung Quốc), thúc đẩy hình thành Khu hợp tác kinh tế giữa 2 tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); kết nối đường sắt giữa ga Lào Cai (Việt Nam) với ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc) nhằm nâng cấp hạ tầng đường sắt cho tương đồng về khổ đường ray của 2 nước, tăng nhanh thời gian lưu thông hàng hóa xuất - nhập khẩu, giảm chi phí vận tải đường sắt, thúc đẩy phát triển vận tải hàng hóa và tăng thêm thị phần vận tải đường sắt, đồng thời nâng cao giá trị kim ngạch 2 chiều.

Phóng viên: Vậy về mạng lưới giao thông nông thôn ở Lào Cai hiện ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Quốc Huy: Trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới thì tiêu chí số 2 về xây dựng phát triển hệ thống đường giao thông nông thôn được đánh giá là khâu đột phá, đòn bẩy trong phát triển kinh tế của địa phương và xây dựng nông thôn mới.

Thi công đường giao thông.

Để hiện thực hóa chủ trương của tỉnh về mở rộng nền đường, đổ bê tông mặt đường giao thông nông thôn và mục tiêu đến hết năm 2025, toàn tỉnh có 100% xã cơ bản đạt tiêu chí giao thông (127/127 xã); 100% thôn, bản có đường giao thông đến trung tâm được bê tông hóa, Sở Giao thông vận tải - Xây dựng đã chủ trì phối hợp với các ngành và địa phương tham mưu cho tỉnh ban hành kế hoạch, cơ chế, chính sách phù hợp để triển khai thực hiện. Cụ thể là Kế hoạch đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn giai đoạn 2021 - 2025 và Nghị quyết số 22 ngày 4/12/2020 của HĐND tỉnh về chính sách đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn.

Rải thảm mặt đường bê tông nhựa ở huyện Bắc Hà.

Tỉnh đã lồng ghép nguồn vốn với các chương trình mục tiêu quốc gia để tạo nguồn lực cho nhu cầu đầu tư. Trong 2 năm qua, trên cơ sở danh mục giao và kế hoạch triển khai do UBND tỉnh ban hành, chủ đầu tư thuộc các huyện, thị xã, thành phố đã phê duyệt và triển khai thi công 471 công trình/889,23 km. Đến nay, các địa phương đã triển khai thi công, mở rộng nền đường 744 km; rải cấp phối móng đường 490,97 km và đổ bê tông mặt đường 230 km.

Phóng viên: Vậy, định hướng phát triển mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Quốc Huy: Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, trong đó 1 trong 3 khâu đột phá là hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là các công trình giao thông trọng điểm, hạ tầng đô thị lớn, hạ tầng cửa khẩu, hạ tầng số.

Đường giao thông nông thôn ở Văn Bàn.

Việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông được xác định là 1 trong 2 nội dung đột phá theo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI. Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 03 ngày 11/12/2020 về triển khai Đề án số 04 về Phát triển, nâng cao chất lượng các đô thị và giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh.

Thi công dự án đường vào trung tâm xã Nàn Sín, huyện Si Ma Cai.

Mục tiêu xây dựng hoàn chỉnh đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, trong đó đoạn Yên Bái - Lào Cai được xây dựng với quy mô 4 làn xe; điều chỉnh kéo dài Quốc lộ 4E để tăng cường khả năng kết nối với tỉnh Hà Giang, kết nối với cửa khẩu Bản Vược, lối mở Lũng Pô (Bát Xát); triển khai xây dựng kết nối đường sắt giữa ga Lào Cai với ga Hà Khẩu Bắc và hoàn thiện lập quy hoạch, kêu gọi đầu tư tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; xây dựng hoàn thành dự án Cảng Hàng không Sa Pa; xây dựng cầu đường bộ qua sông Hồng thuộc khu vực biên giới Bát Xát - Bá Sái; lập quy hoạch tuyến đường thủy nội địa trên sông Hồng đoạn từ Yên Bái đến ngã ba Nậm Thi (thành phố Lào Cai); cải tạo, sửa chữa 230 km quốc lộ và 420 km tỉnh lộ; nâng cấp 480 km đường đến trung tâm các xã, 300 km đường đến trung tâm các thôn, bản có tiềm năng phát triển du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, làng nghề truyền thống và các sản phẩm hàng hóa…

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/hoan-thien-ha-tang-giao-thong-tao-dong-luc-phat-trien-post371552.html