Hoàn thành nhiều công trình, dự án hạ tầng quan trọng

Hiện nay, nhiều dự án, công trình phát triển hạ tầng giao thông, giải quyết chống ngập đang được các đơn vị tăng tốc 'về đích', đưa vào sử dụng. Đó cũng là cách thiết thực mà các ngành, các cấp thi đua chào mừng Đại hội Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Hiện nay, nhiều dự án, công trình phát triển hạ tầng giao thông, giải quyết chống ngập đang được các đơn vị tăng tốc “về đích”, đưa vào sử dụng. Đó cũng là cách thiết thực mà các ngành, các cấp thi đua chào mừng Đại hội Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Những ngày qua, các chuyên gia Nhật Bản, đội ngũ kỹ sư và công nhân gấp rút lắp lưới an toàn cho nhà ga Tân Cảng, nhà ga trên cao và cũng là nhà ga cuối cùng của tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Hiện, gần như toàn bộ 11 nhà ga: Tân Cảng, Văn Thánh, Thảo Ðiền, An Phú, Rạch Chiếc, Phước Long, Bình Thái, Thủ Ðức, Công nghệ cao, Ðại học Quốc gia, Suối Tiên của tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên dài 19,7 km đã được lắp mái che. Ðể chuẩn bị cho tuyến metro này vận hành vào cuối năm 2021, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh đang chờ đón đoàn tàu của tuyến metro nhập từ Nhật Bản sang, dự kiến vận chuyển về khu vực depot Long Bình (quận 9) vào ngày 13-10 tới.

Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị, đến nay, tuyến metro số 1 đã thi công đạt gần 75% khối lượng công trình. Trong đó, các hạng mục có tiến độ thi công nhanh, cơ bản hoàn thiện như trung tâm điều khiển, nơi bảo dưỡng, vị trí tàu dừng đỗ, tầng B1 của ga ngầm nhà hát thành phố. Ðây là phương tiện giao thông công cộng hiện đại đầu tiên của thành phố được người dân hào hứng chờ đợi được sử dụng vào một ngày không xa.

Cùng với việc khẩn trương hoàn thiện tuyến metro số 1, công tác đền bù, bàn giao mặt bằng của tuyến Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) dài 11,3 km đạt được kết quả khả quan. Ban Quản lý đường sắt đô thị đã ban hành quyết định bồi thường cho 590 trong số 602 trường hợp (đạt 97,8%), trong đó quận 1, Tân Bình và Tân Phú đạt 100%. Tại các quận 3, 10, Tân Bình, người dân đồng thuận cao với chủ trương của thành phố nên sẵn sàng bàn giao mặt bằng; chính quyền rốt ráo bàn giao mặt bằng cho thành phố tổ chức thi công.

Thực hiện phong trào thi đua 200 ngày chào mừng đại hội đảng bộ các cấp, dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP Hồ Chí Minh có xét đến biến đổi khí hậu giai đoạn 1 đang tăng tốc "về đích" sau hơn ba năm thi công. Trong tháng 8, cống ngăn triều Cây Khô (huyện Nhà Bè), một hạng mục quan trọng thuộc dự án được lắp đặt thành công. Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ðầu tư xây dựng Trung Nam, chủ đầu tư dự án, cho biết, mặc dù gặp nhiều khó khăn về vốn, giải pháp thi công, nhất là khâu giải phóng mặt bằng, nhưng đến nay dự án đã đạt 88% tiến độ. Nếu huyện Nhà Bè tích cực bàn giao mặt bằng, dự án sẽ hoàn thành vào tháng 12 năm nay.

Ðược khởi công xây dựng giữa năm 2016, tổng mức đầu tư của dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP Hồ Chí Minh có xét đến biến đổi khí hậu giai đoạn 1 là 10.000 tỷ đồng. Mục tiêu dự án là hỗ trợ ngăn triều cường, ứng phó tác động của biến đổi khí hậu (tháo mặn cho ruộng đồng, kênh rạch; điều tiết nước trong kênh, rạch) cho vùng diện tích 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc địa bàn các quận 1, 4, 7, 8 và hai huyện Bình Chánh, Nhà Bè.

Mới đây, TP Hồ Chí Minh chính thức khánh thành toàn bộ công trình nút giao thông An Sương giao nhau giữa quận 12 và huyện Hóc Môn sau hơn ba năm thi công. Ðây là công trình được người dân thành phố kỳ vọng, vì đây là "điểm đen" về ùn tắc và tai nạn giao thông một thời gian dài. Ông Nguyễn Thế Lữ, lái xe tải, ngụ quận 12 phấn khởi cho biết, thành phố đưa nút giao thông An Sương vào hoạt động đã giải tỏa vấn nạn kẹt xe nghiêm trọng, nhất là tai nạn rình rập bất cứ lúc nào. Theo Sở Giao thông vận tải thành phố, công trình nút giao thông An Sương là dự án trọng điểm của TP Hồ Chí Minh nhằm giải quyết tình trạng kẹt xe, hạn chế tai nạn giao thông, đồng thời giúp thông thương vận chuyển hàng hóa ở cửa ngõ tây bắc thành phố. Với tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài sắp được xây dựng, nút giao thông này sẽ giúp khơi thông cửa ngõ phía tây bắc, kết nối với trung tâm TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Ðông Nam Bộ.

Ngày 3-10, Ban Quản lý dự án đầu tư công trình giao thông TP Hồ Chí Minh đã đưa công trình nâng cấp, mở rộng đường Tô Ký (đoạn từ đường Ðặng Thúc Vịnh đến Ngã Ba Bầu), huyện Hóc Môn vào hoạt động. Ðoạn đường trước đây có bề rộng 6 đến 7 m cho hai làn xe, nay được nâng cấp, mở rộng lên 25 m cho bốn làn xe với chiều dài 2,4 km; đồng thời lắp đặt hệ thống thoát nước, cải tạo rạch Hóc Môn. Theo Ban Quản lý dự án đầu tư công trình giao thông TP Hồ Chí Minh, dự án này hoàn thành, đưa vào sử dụng đã giải quyết tình trạng ngập nước cho khu vực đường Tô Ký, một phần đường Ðặng Thúc Vịnh, đồng thời góp phần chỉnh trang đô thị khi triển khai ngầm hóa các công trình hạ tầng kỹ thuật, góp phần nâng cao năng lực giao thông đi lại giữa huyện Hóc Môn và các quận lân cận, kết nối khu vực trung tâm thành phố với huyện ngoại thành thuận tiện hơn.

Bài, ảnh: QUÝ HIỀN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-chung1/hoan-thanh-nhieu-cong-trinh-du-an-ha-tang-quan-trong-619651/