Hoàn cảnh đáng thương của người bà 76 tuổi nuôi 3 cháu ngoại mồ côi

Đứa thì vừa mới sinh ra bố đã bỏ đi, đứa được hai năm thì bố mất, bốn mẹ con dắt díu nhau về quê được gần 3 tháng thì mẹ cũng bỏ các em mà đi để lại gánh nặng trên vai người bà đã hơn 70 tuổi.

Đó là hoàn cảnh đáng thương của bà Trần Thị Nhọ, 76 tuổi ở đội 8 xã Cát Quế- Hoài Đức- Hà Nội khiến nhiều người không khỏi xót xa.

Bà Nhọ bên 3 đữa cháu ngoại của mình

Thương đứa con gái số khổ

Bà Nhọ sinh được 4 người con ba trai và một gái, năm 1987 chồng bà mất, một mình bà nuôi 4 người con trưởng thành đến nay đều đã lập gia đình hết nhưng đứa nào cũng nghèo khổ lại đông con, nhà đứa nào ít thì 3 đứa, còn lại đều là 4 với 5 đứa đã nghèo lại thêm nghèo hơn.

Thương nhất là cô con gái Trần Thị Thịu (1965) là đứa con thứ hai và cũng là cô con gái duy nhất trong số 4 người con, có sức khỏe yếu lại đi làm trong tận miền nam nên đến tận năm 39 tuổi mới lấy chồng trong Nam nhưng làm vợ lẽ người ta, sau khi sinh đứa con gái đầu lòng, người chồng lại bỏ đi theo người khác. Cô ở vậy nuôi con gái được 7 năm thì đi bước nữa với người đàn ông đã mất vợ lại nhiều tuổi. Sau khi cưới, cô sinh được một bé gái, một năm sau lại thêm một bé trai, hai năm sau đó chồng cô một phần vì bị bệnh, một phần già nên mất. Bốn mẹ con dắt díu nhau về nhà ngoại.

Căn nhà bừa bộn không có thứ gì giá trị của bốn bà cháu.

Về quê được gần 3 tháng, một buổi tối sau khi tắm xong vào đi ngủ, chị Thịu bị cảm và mất.

Bà Nhọ buồn rầu kể lại: “Buổi chiều hôm ấy nó vẫn đi ăn cỗ bình thường, buổi tối về tắm rửa rồi sang nhà cậu xem ti vi về ngủ bình thường. Đến đêm con vào gọi không thấy mẹ trả lời, tôi mới vào xem sao thì Thịu đã đi rồi, tháng 1 vừa rồi là tròn 3 năm, ai vào nhà nhìn ảnh thờ cũng bảo đang còn trẻ, đẹp mà mất sớm để lại 3 đứa con của nó cho tôi. May sao nó về đây mới mất chứ nó mà mất trong đấy không biết tiền đâu mà đưa mẹ con nó về, trong đấy không có nhà ở phải đi ở nhờ khổ lắm”.

Khi con gái bà mất, toàn bộ chi phí mai táng đều được nhà nước hỗ trợ. Những đứa con khác của bà cũng không thể phụ giúp được bà vì ai cũng nghèo khổ.

Bao nhiêu tiền cũng không cho cháu

Giấy khai sinh của 3 đứa trẻ đều không có bố, không có mẹ, được làm thông qua tờ giấy trích lục khai tử của người mẹ đã mất, cả ba đứa đều theo họ mẹ. Đứa lớn nhất năm nay 13 tuổi là Trần Thị Thương đang học lớp 6, đứa thứ hai 6 tuổi đang học lớp 1, còn đứa bé nhất là Trần Đình Thành 5 tuổi.

Ba chị em luôn yêu thương đùm bọc lẫn nhau

Khi nói về những đứa cháu tội nghiệp của mình, bà lại rơm rớm nước mắt: "Cái Thương nó học giỏi lắm. Từ khi mẹ mất đến nay năm nào nó cúũng được học sinh giỏi, được nhà trường miễn cho tiền học phí và tiền học thêm, không mất đồng nào cô giáo rất quý và giúp đỡ nhiều, cứ mỗi khi đi học về lại phụ giúp bà đóng gói tăm cho người ta và lúc tối học bài xong lại làm để kiếm thêm thu nhập. Còn đứa cháu gái thứ hai năm ngoái cho đi học lớp mẫu giáo được một cô nuôi cho nửa năm nhưng sau đó cô về hưu bà lại chăm cháu để đủ điều kiện vào lớp một. Thằng cháu út nó thích đi học lắm trước đây đi học được 3 tháng nhưng một tháng hết nhiều tiền quá, nên lại nghỉ ở nhà, nó cứ đòi đi học nhưng đành chịu thôi, sang năm là phải lên lớp 1 rồi nhưng biết phải làm sao ”.

Bé Thanh và bé Thành là 2 chị em cùng bố.

Không có ruộng, lại không nuôi con vật gì, cuộc sống hiện tại của bốn bà cháu chỉ trông cậy vào việc làm đóng hộp tăm cho một xưởng trong xóm với thu nhập gần 20 nghìn đồng một ngày. Trước đây khi chưa có tiền hỗ trợ của nhà nước cuộc sống của bốn bà cháu là những bữa cơm và bữa cháo đạm bạc, hôm nay ăn cơm thì mai ăn cháo phải vay tiền của anh em, họ hàng để lo cho các cháu.

“Một ngày 4 bà cháu ăn hết 1 cân gạo với giá là 10.500 đồng, nên đành ăn xen kẽ nhau, rau cháo qua ngày. Nhưng rất may 6 tháng nay, hai đứa bé nhất được nhà nước hỗ trợ cho mỗi tháng 700 nghìn đồng nên cũng đỡ hơn trước. Bọn trẻ có da có thịt hơn nhưng vẫn không thấm vào đâu, còn quần áo thì người ta cho không có mua một bộ nào hết”.

Bà kể rằng, có rất nhiều người đến xin các cháu về nuôi nhưng bà không đồng ý.

“Có rất nhiều người ở các nơi đến đưa cho mình 3 triệu 5 triệu rồi xin các cháu về nuôi, nhất là cu Thành nhưng tôi không đồng ý. Tôi sẽ cố nuôi các cháu đến 18 tuổi để các cháu lúc ấy có thể tự lo được cho mình, giờ tôi sống ngày nào thì tôi chăm lo cho chúng đến lúc nào chết thì thôi”.

Mặc dù mới 13 tuổi thôi nhưng cô bé Trần Thị Thương đã rất biết suy nghĩ, chịu thương chịu khó và thương yêu các em của mình. Thương bắt đầu làm thêm công việc đóng tăm khi mẹ em mất để đỡ đần bà nuôi các em nhưng không vì thế mà em học hành chểnh mảng 3 năm liền em luôn được học sinh giỏi và còn kèm dạy các em học bài, đọc bảng chữ cái. Khi được hỏi ước mơ sau này của em là gì cô bé nói rằng ước mơ sau làm cô giáo để sau này dạy các em nhỏ có hoàn cảnh giống mình.

Mặc dù mới 13 tuổi nhưng Thương rất hiểu chuyện, Thương bà và thương các em

Bước chân ra đến ngõ, bé Thành vẫn không chịu để tôi đi, trong suốt cuộc nói chuyện, ghi âm với bà và chị của bé thì em mồm lúc nào cũng đọc bảng chữ cái... vào chiếc điện thoại đang ghi âm của tôi với một sự tò mò xen lẫn thích thú nhưng giờ em lại nhìn tôi với một ánh mắt buồn, rưng rưng nước mắt như không muốn tôi đi. Trên đường về ánh mắt ấy vẫn luôn ám ảnh tôi, thương xót nhưng bất lực không biết phải làm gì để giúp đỡ các em.

Tương lai của 3 đứa trẻ ấy sẽ sao khi bà ngoại ngày càng già yếu và một ngày nào đó sẽ mang bà của chúng đi giống như đã từng mang mẹ của chúng đi vậy, còn ai sẽ lo cho chúng miếng cơm manh áo vào mỗi mai thức dậy, để ước mơ nơi ghế nhà trường sẽ được tiếp tục thắp lên? Điều đó cần lắm sự sẻ chia của những tấm lòng rộng mở ở tất cả chúng ta.

Mọi sự chung tay góp sức của các nhà hảo tâm, quý độc giả xin gửi về địa chỉ:
- Bà Trần Thị Nhọ - đội 8- xã Cát Quế- Huyện Hoài Đức – Hà Nội.

Mai Linh

Nguồn : Tin Nhanh Online

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/hoan-canh-dang-thuong-cua-nguoi-ba-76-tuoi-nuoi-3-chau-ngoai-mo-coi-p46287.html