Hoài niệm bên dòng Ngòi Bo

Hơn 30 năm sau khi đất nước Liên Xô tan rã (năm 1991), dấu ấn về sự giúp đỡ chí tình của người 'anh em cộng sản' vẫn hết sức nổi bật, trong đó có các công trình, dự án liên quan đến Mỏ apatit Lào Cai. Một ngày trung tuần tháng 6, chúng tôi đã tìm về một công trình đặc biệt như thế, khu nhà ở dành cho các chuyên gia Liên Xô tại thôn Bản Bay, xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng.

Hoài niệm từ phế tích

Tổ hợp các công trình nhà ở dành cho chuyên gia Liên Xô được xây dựng khép kín trong khuôn viên với tường rào, cổng vào, 3 tòa nhà hợp khối 2 tầng và công trình phụ trợ như khu nhà ở của trung đội cảnh sát bảo vệ đoàn chuyên gia, khu bếp ăn, khu kỹ thuật với máy phát điện, máy bơm nước. Bên ngoài và ngay sát cổng vào một dãy nhà tập thể của các cán bộ làm nhiệm vụ phục vụ đoàn chuyên gia đến nay vẫn được sử dụng.

Trong khi tìm hiểu thông tin về công trình, may mắn tôi được gặp, trò chuyện với bà Nguyễn Thị Vững, 64 tuổi, gia đình bà vẫn ở tại khu tập thể suốt hơn 40 năm qua. Bà Vững có khoảng 15 năm phục vụ đoàn với các công việc như buồng, phòng, dọn vệ sinh các khu nhà chuyên gia. Chồng của bà Vững - ông Nguyễn Chiến Thắng, 67 tuổi, vốn là đầu bếp số 1 phục vụ đoàn chuyên gia, hiện là Bí thư Chi bộ thôn Bản Bay.

Nặng lòng với những hoài niệm một thời công tác, nên bà Vững, ông Thắng vẫn lựa chọn không gian sống là gian nhà tập thể tại Bản Bay cho dù 3 người con là cán bộ nhà nước, công tác trong ngành ngân hàng, đều rất thành đạt tại thành phố Lào Cai và Hà Nội. Không chỉ gia đình bà Vững, thôn Bản Bay hiện nay có nhiều hộ là cán bộ, công nhân, lao động từng công tác tại Mỏ apatit và trực tiếp tham gia phục vụ đoàn chuyên gia Liên Xô.

Khi tôi đề cập việc đi tham quan khu nhà ở, bà Vững đồng ý ngay với thái độ phấn khởi, niềm nở. Vẻ cổ kính hiện ra ngay từ cổng ra vào, đó là cánh cổng bằng “sắt Tây” đúng nghĩa với chất liệu thép tốt nên hơn 40 năm phơi mưa nắng vẫn không bị gỉ sét, ăn mòn. Đường dẫn vào các tòa nhà của chuyên gia khá thoáng rộng, mặt đường lát gạch bê tông đúc sẵn hoặc thảm nhựa mỏng, nay bị bào mòn trơ hoen những đá hộc lộc ngộc. Khu nhà ở của chuyên gia Liên Xô được xây dựng năm 1980, đến năm 1990, do khủng hoảng kinh tế, chính trị nên các chuyên gia rút dần về nước, tới khoảng năm 1992 thì bàn giao khu nhà lại cho Công ty TNHH Một thành viên Apatit Việt Nam. Khu nhà nay đã bị phá dỡ 1 hợp khối, còn lại 2 tòa nhà kết cấu 2 tầng, nham nhở, sứt sẹo, các cánh, khuôn bao, song cửa sổ, mái chống nóng đều bị tháo dỡ, xung quanh cỏ mọc um tùm, công trình đúng nghĩa là phế tích.

Chúng tôi bước vào một tòa nhà, tại tầng 1, toàn bộ phần nền đã bị cạy tung để lấy đi phần gạch lát. Bằng hoài cảm, bà Vững kể: “Thời điểm đó, chúng tôi được cấp trên nhắc nhở việc phục vụ đoàn chuyên gia là đặc biệt quan trọng, phải chu đáo, cẩn trọng. Chiến tranh biên giới mới xảy ra, có lẽ vì thế mà an ninh tại đây rất nghiêm ngặt. Không ngờ có ngày, nơi đây thành ra thế này”.

Những mẩu chuyện về các chuyên gia Liên Xô

Chiến tranh biên giới khiến Mỏ apatit Lào Cai và Nhà máy làm giàu quặng tại Tằng Loỏng bị tàn phá và hỏng nặng, nhưng tiếng súng vừa ngớt, những người bạn Liên Xô anh em đã quay trở lại, bắt tay giúp đỡ Việt Nam. Không lựa chọn nơi ở cũ là thị xã Cam Đường, cũng không chọn Tằng Loỏng, nơi đang có sẵn hạ tầng tốt hơn, các chuyên gia đã lựa chọn thôn Bản Bay vốn là vùng sâu, có lẽ đó là tính toán chiến lược chứ không chọn tiện ích.

Bà Nguyễn Thị Vững nhớ lại, cách đây chừng hơn 10 năm, khi Công ty TNHH Một thành viên Apatit Việt Nam khai thác cụm công trình vào mục đích dịch vụ nghỉ dưỡng, khách đến nườm nượp suốt ngày đêm, phần đông là khách nước ngoài. Sau khi hoạt động dịch vụ dừng lại, việc quản lý lơi lỏng khiến công trình xuống cấp rất nhanh.

Nham nhở, rêu phong, hoang hoải, nhưng các khối nhà vẫn hiện rõ nét uy nghi, đồ sộ, tư duy kiến trúc khoa học, không gian sống hòa quyện với thiên nhiên. Điều dễ nhận thấy là các căn phòng của tòa nhà luôn có hướng mở, nhiều cửa sổ và thoáng rộng, khoảng cách giữa các tòa nhà vừa đủ cho khoảng sân rộng, cũng là điểm hoạt động thể thao, dạo chơi sau giờ làm việc. Từ trên tầng hai của một khối nhà bỏ hoang, qua các ô cửa sổ tôi nhận ra các căn phòng rất gần với dòng Ngòi Bo quanh năm trong xanh, hiền hòa. Ngay sau khi công trình nhà ở hoàn thành, các chuyên gia Liên Xô đã tính dọn phong quang một điểm nước sâu ở lòng suối ngay cạnh làm nơi tắm và xây kè, bậc lên xuống. “Khí hậu đất nước nhiệt đới, đặc biệt là ngày hè khiến nhiều chuyên gia không dễ thích nghi nên vào buổi chiều có đông người ngâm mình vào dòng nước mát Ngòi Bo”, bà Vững kể.

Cách xa Việt Nam hàng chục giờ bay, khác biệt hoàn toàn về ngôn ngữ, văn hóa, không gian sống, chế độ làm việc nhưng những người bạn hữu luôn thân thiện, cởi mở, gần gũi. Cũng cư trú tại thôn Bản Bay, xã Gia Phú từ hơn 40 năm qua, anh Đỗ Mạnh Tuấn, sinh năm 1962, nguyên công nhân cơ điện Mỏ apatit bồi hồi: “Các chuyên gia Liên Xô dễ gần, tình cảm như người Việt Nam mình. Buổi chiều chúng tôi tới khu chuyên gia giao lưu bóng chuyền, buổi tối đến xem nhờ ti-vi. Các chuyên gia có máy phát điện, có trạm thu sóng từ vệ tinh nên xem được uôn-cúp”. Trong trí nhớ của anh Tuấn, các chuyên gia Liên Xô tại Bản Bay khi đó có khoảng 30 đến 40 người, chưa kể một số mang cả vợ, con sang đây. “Trẻ em Liên Xô tóc vàng, óng ánh như cước, mắt nâu trông rất dễ thương, chúng thích lân la chơi với trẻ Việt Nam dù ngôn ngữ bất đồng”, anh Tuấn kể.

Ông Thắng - chồng bà Vững làm đầu bếp cho các chuyên gia hàng chục năm nên bà Vững nhớ rõ lắm. Bà nhớ ban đầu thực phẩm của các chuyên gia là đồ hộp mang từ Liên Xô sang. Sau đó họ chuyển hẳn sang dùng thực phẩm chế biến từ thịt bò, thịt lợn, gà, cá mua từ chợ Bến Đền (xã Gia Phú). Các món súp bắp cải, cà rốt, món sa-lát cũng chế biến hoàn toàn từ rau mua tại chợ, đặc biệt dù có rượu vốt-ca Nga nổi danh thế giới nhưng các chuyên gia lại chọn rượu gạo “nút lá chuối khô” của bà con trong vùng nấu thủ công.

Để tìm hiểu thêm các câu chuyện về chế độ làm việc của các chuyên gia Liên Xô, tôi tìm gặp ông Đỗ Văn Thanh, 65 tuổi, phường Bình Minh, thành phố Lào Cai, người có nhiều năm làm phiên dịch viên. Ông Thanh đến nay vẫn kể vanh vách tên những chuyên gia mà ông từng làm phiên dịch, đó là ông Vờ-la-đi-mia Bôm-bốp, chuyên gia địa chất; ông Ka-chét-xi-ki, chuyên gia điện; ông Xi-ma-lúp, chuyên gia khoan nổ mìn; ông Ka-ra-tuyn, chuyên gia khai thác mỏ lộ thiên...

Ông Thanh từng có 4 năm học chuyên ngành cơ điện tại Liên Xô, khi trở về nước, do có trình độ ngoại ngữ, khả năng giao tiếp tốt nên ông được lựa chọn làm phiên dịch viên kỹ thuật. Các vị trí, khâu sản xuất quan trọng của Mỏ apatit đều có chuyên gia Liên Xô hỗ trợ, trực tiếp cố vấn, tham mưu tổ chức sản xuất. “Các chuyên gia Liên Xô đều dễ mến, dễ gần. Cách đây hơn 40 năm nhưng họ có tác phong công nghiệp tuyệt vời, đúng giờ, cách sắp xếp công việc khoa học, coi trọng hiệu quả. Chuyên gia không giấu nghề, không giấu kỹ thuật, gần họ chúng tôi học được nhiều điều”, ông Thanh kể.

Kỷ niệm khiến vợ chồng ông Thanh đến nay vẫn còn nguyên vẹn là đầu những năm 1980 điều kiện kinh tế nước ta hết sức khó khăn, đám cưới của cán bộ, công nhân mỏ chỉ liên hoan ngọt một nhóm người với vài thứ bánh kẹo và nước chè, đám cưới “không phong bì, không quà mừng”. Khi biết ông Thanh cưới vợ, các chuyên gia Liên Xô đã tới dự liên hoan và tặng quà là ấm đun nước, quạt điện (dù khi đó nơi ở chưa có điện), bàn là than, vỏ chăn. Ông Thanh cũng kể, chuyên gia Liên Xô rất yêu động vật, họ nuôi giống chó Việt Nam, hết nhiệm kỳ về nước tặng lại cho các phiên dịch, anh em phục vụ đoàn kèm theo dặn dò: “Chúng tôi không ăn thịt động vật nuôi trong nhà, mọi người có thể thịt nó nhưng hãy chờ sau khi chúng tôi lên máy bay”.

Những câu chuyện, ký ức của những người từng làm việc bên cạnh các chuyên gia Liên Xô theo năm tháng đang thưa dần, chỉ còn lại những công trình, dự án, trong đó có khu nhà ở của chuyên gia bên dòng Ngòi Bo. Điều khiến các cán bộ làm việc với chuyên gia, nhiều cán bộ Mỏ apatit xưa, những người dân thôn Bản Bay tiếc nuối là khu nhà ở của chuyên gia Liên Xô có ý nghĩa lịch sử lớn nhưng không được xếp hạng để bảo vệ, giữ gìn như di tích khiến ngày càng hoang phế.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/358623-hoai-niem-ben-dong-ngoi-bo