Hòa Vang mãi một 'chấm son'

Hướng đến kỷ niệm 20 năm TP Đà Nẵng trực thuộc Trung ương (1-1-1997 - 1-1-2017), UBND H. Hòa Vang đã và đang triển khai các hoạt động tuyên truyền về những thành tựu đạt được trên các lĩnh vực phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN và các chính sách an sinh xã hội...

Hướng đến kỷ niệm 20 năm TP Đà Nẵng trực thuộc Trung ương (1-1-1997 - 1-1-2017), UBND H. Hòa Vang đã và đang triển khai các hoạt động tuyên truyền về những thành tựu đạt được trên các lĩnh vực phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN và các chính sách an sinh xã hội...

Theo sử liệu, cái tên Hòa Vang xuất hiện vào đầu đời các chúa Nguyễn (khoảng năm 1605) với địa giới của huyện kéo dài từ phía Nam chân đèo Hải Vân đến giáp xã Điện Thắng (TX Điện Bàn, Quảng Nam). Người Hòa Vang lao động cần cù, học hành chăm chỉ, có lòng yêu nước nồng nàn, siêng làm việc nghĩa, sốt sắng việc công, thắm tình người... Xuyên suốt bề dày lịch sử văn hóa của người dân địa phương là truyền thống yêu nước, yêu quê hương. Biểu hiện cô đọng của truyền thống đó là ý chí quật cường và lòng quả cảm, có thể nói Hòa Vang cùng với Đà Nẵng đã thay mặt nhân dân cả nước nổ những phát súng đầu tiên vào các đội quân xâm lược. Kết thúc chiến tranh, Hòa Vang được Đảng, Nhà nước ghi công 636 Bà mẹ VNAH, 7.114 liệt sĩ, 2.615 thương bệnh binh. Những chiến công vang dội của quân và dân toàn huyện đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, Anh hùng LLVTANND.

Phó Bí thư Thành ủy Võ Công Trí thăm hỏi một gia đình chính sách trên địa bàn huyện.

Tiếp đến, năm 2004, Hòa Vang một lần nữa đạt thêm danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới. Hòa Vang cũng là huyện đầu tiên được tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng trao cờ công nhận Đảng bộ trong sạch vững mạnh và chọn làm điểm phát thẻ đảng viên đợt I... Sau ngày quê hương giải phóng, vùng đất Bình-Khuê-Cẩm (Cẩm Bình-Khuê Trung-Cẩm Lệ) đã gắn liền với trụ sở hành chính của H. Hòa Vang. Và cũng tại đây, năm 1997, Hòa Vang được chia tách thành 3 đơn vị hành chính trực thuộc TP, gồm các Q. Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn và H. Hòa Vang; đến năm 2005, Hòa Vang lại tách thêm 1 đơn vị hành chính mới là Q. Cẩm Lệ. Chia tách Hòa Vang để thành lập các quận, huyện là yêu cầu phù hợp cho sự phát triển chung của TP ngày càng giàu mạnh, văn minh, hiện đại. Hơn ai hết, người dân Hòa Vang đều nhận thức được rằng, chia tách là cách để mỗi quận, huyện thể hiện, khẳng định vị thế của mình trong xu thế hội nhập.

Nhìn lại các chặng đường đã qua, H. Hòa Vang đã trải qua bao lần tách, nhập. Song, dù trong hoàn cảnh nào, cán bộ, nhân dân của 4 quận, huyện vẫn luôn sát cánh bên nhau, khơi dậy truyền thống, phấn đấu xây dựng quê hương ở tầm cao mới; các quận, huyện đều có những bước tiến nhảy vọt trong các lĩnh vực đời sống, phát triển cơ sở hạ tầng... Có thể thấy, cái được trong 20 năm qua của các quận, huyện chính là tạo được sự đồng thuận cao với nhân dân để hôm nay, gặp gỡ bất cứ người dân nào ở Hòa Vang, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ, dù vùng cận thành hay miền núi xa xôi, đâu đâu cũng thấy những niềm vui rạng rỡ. Các thế hệ mai sau sẽ mãi mãi không quên một Hòa Vang xưa đã vươn lên với một ý chí mạnh mẽ, một nghị lực phi thường, quyết tâm đổi mới, tiến tới tương lai tươi đẹp bằng chính sự nỗ lực cống hiến quên mình để cùng nhau viết nên trang sử mới, tạo nên những thành tựu rất đỗi tự hào cho lịch sử TP nói chung và các quận, huyện nói riêng về một "núm ruột" Hòa Vang.

Ngày nay, trong công cuộc chỉnh trang, Hòa Vang là vành đai xanh để nới rộng không gian địa giới cho TP về phía Tây. Nói điều đó để thấy rằng, Đà Nẵng mở rộng không gian đô thị thì Hòa Vang nhanh hơn trong việc đô thị hóa nông thôn mà bằng chứng là bằng nhiều cách làm đầy sáng tạo, quyết liệt, nên chỉ sau một thời gian triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), Hòa Vang đã trở thành một trong những huyện NTM đầu tiên của cả nước. Bộ mặt nông thôn vùng ven TP này thay đổi rõ rệt, đời sống người dân ngày càng được nâng lên.

Xã Hòa Khương bê-tông hóa giao thông nội đồng để nông dân đi lại, sản xuất thuận lợi.

Nếu năm 2010 thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 15 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo 12.6% thì đến năm 2015 đạt 27,75 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,3%. Đến nay, số xã đạt chuẩn NTM là 11/11 xã, hầu hết 19 tiêu chí, 39 chỉ tiêu NTM theo Bộ tiêu chí do Trung ương ban hành đều tăng so với năm 2010, nhiều tiêu chí, chỉ tiêu tăng cao, đạt sớm, đạt bền vững so với quy định. Hai xã NTM tiêu biểu Hòa Tiến, Hòa Phú được Chính phủ tặng thưởng mỗi xã 1 công trình phúc lợi tương đương 1 tỷ đồng... Về Hòa Vang những ngày này, đi, tìm hiểu và nghe cư dân địa phương kể chuyện đã đọng lại trong chúng tôi biết bao niềm vui, người nông dân đã bước đầu làm chủ được xu hướng sản xuất, duy trì mô hình kinh tế bền vững. Song, cái chính là họ biết suy tính, chịu khó "dầm mưa, dãi nắng" gắn bó với ruộng vườn, mạnh dạn phá bỏ nếp nghĩ cũ và biết tích lũy, thể hiện tinh thần vì xóm làng, vì vùng đất mình đang sống.

Nhìn lại các chặng đường đã qua, Hòa Vang đã trải qua bao lần tách, nhập. Song, dù trong hoàn cảnh nào, nhân dân và cán bộ trên địa bàn huyện vẫn luôn phấn đấu thực hiện theo lời dạy của Bác: "Hãy cố gắng làm cho Hòa Vang trở thành một "chấm son" trên bản đồ Tổ quốc" - lời động viên ân cần đó đã được đồng chí Mai Ngọc Châu (Huyện ủy viên, Chính trị viên Huyện đội) truyền đạt lại với Huyện ủy sau khi đồng chí được cử ra Hà Nội để báo cáo với Bác Hồ và Bộ Chính trị về tình hình đánh Mỹ của quân, dân huyện nhà vào năm 1965... Và, Hòa Vang đã khắc ghi lời dạy của Bác không chỉ 50 năm qua mà còn mãi đến mai sau.

Vy Hậu

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/65_157563_ho-a-vang-ma-i-mo-t-cha-m-son-.aspx