Hòa giải, đối thoại tại tòa án - Phương thức giải quyết tranh chấp, bất đồng một cách văn minh

Triển khai Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án (HGĐTTTA), tòa án nhân dân (TAND) hai cấp đã thu hút, huy động nguồn nhân lực có kiến thức và kinh nghiệm trong xã hội tham gia phối hợp 'xóa tan' các vụ việc tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Sóc Trăng đã có cuộc phỏng vấn với đồng chí Nguyễn Hoàng Lâm - Phó Chánh án TAND tỉnh Sóc Trăng.

Phóng viên: Thưa đồng chí, Luật HGĐTTTA có ý nghĩa như thế nào đối với hoạt động xét xử?

Đồng chí Nguyễn Hoàng Lâm: Luật HGĐTTTA chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2021. Đây là chính sách mới, quan trọng và hết sức có ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay, đánh dấu bước tiến mới về quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam và hội nhập quốc tế, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Với cách thức thân thiện, đồng thuận trên nguyên tắc chia sẻ, cảm thông, trên thực tế, hòa giải, đối thoại góp phần hàn gắn những mâu thuẫn, rạn nứt, nâng cao ý thức pháp luật người dân, ngăn ngừa các tranh chấp trong tương lai, tạo sự đồng thuận, xây dựng khối đại đoàn kết trong nhân dân, góp phần bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Hòa giải, đối thoại thành giúp giải quyết triệt để, có hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử. Kết quả hòa giải, đối thoại thành thì phần lớn được các bên tự nguyện thi hành; vụ việc không phải trải qua thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm theo quy định của luật tố tụng dân sự, hành chính. Qua đó, tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước; hạn chế tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong dư luận. Đối với tòa án, đổi mới, tăng cường và nâng cao hiệu quả hòa giải, đối thoại là một trong những giải pháp căn cơ, giúp giải quyết khối lượng công việc ngày càng nặng nề, trong bối cảnh hàng năm các tranh chấp, khiếu kiện trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng không ngừng tăng lên cả về số lượng và tính chất phức tạp.

Phóng viên:Thưa đồng chí, TAND tỉnh Sóc Trăng đã quan tâm triển khai thực hiện Luật HGĐTTTA như thế nào?

Đồng chí Nguyễn Hoàng Lâm:Khi luật có hiệu lực, TAND tỉnh Sóc Trăng đã thành lập Ban Chỉ đạo thi hành Luật HGĐTTTA; tổ chức tập huấn, quán triệt trong hai cấp, nhất là đẩy mạnh tuyên truyền trên các kênh thông tin đại chúng về ý nghĩa, lợi ích và các quy định của luật đến người dân. Từ đó, Luật HGĐTTTA dần đi vào cuộc sống, được nhiều người dân biết đến, lựa chọn và xem là phương thức giải quyết tranh chấp, bất đồng văn minh nhất.

Bên cạnh đó, hai cấp còn chú trọng cân nhắc và lựa chọn, tuyển chọn hòa giải viên, bởi đây là lực lượng chủ yếu, quyết định đến sự thành công của cơ chế HGĐTTTA. TAND tỉnh Sóc Trăng đã thông báo nhu cầu tuyển dụng hòa giải viên trên trang thông tin điện tử của đơn vị từ ngày 9-11-2020 và niêm yết công khai tại trụ sở tòa án hai cấp trong tỉnh. Kết quả, đã tuyển chọn, bổ nhiệm được 17 hòa giải viên (có 14 người đã từng làm thẩm phán, thẩm tra viên chính, kiểm sát viên và thanh tra viên) và hiện nay, đơn vị cũng đã nhận được rất nhiều hồ sơ đăng ký làm hòa giải viên.

Phóng viên: Đồng chí nhận định thế nào sau hơn 1 năm triển khai Luật HGĐTTTA?

Đồng chí Nguyễn Hoàng Lâm: Sau hơn 1 năm thực hiện, hai cấp đã đạt được những kết quả rất tích cực, trong số 6.553 hồ sơ khởi kiện thì có 598 hồ sơ chuyển qua hòa giải, đối thoại và đã hòa giải, đối thoại thành đạt trên 56%. Các tòa án huyện có số lượng vụ việc chuyển qua hòa giải, đối thoại tương đối nhiều như: TAND huyện Long Phú (chiếm 11,5%); TAND huyện Thạnh Trị (chiếm 10,4%); TAND huyện Mỹ Xuyên (chiếm 8,35%). Còn các tòa có tỷ lệ hòa giải, đối thoại thành cao là: TAND huyện Cù Lao Dung (đạt tỷ lệ 100%); TAND huyện Long Phú (tỷ lệ 98,3%); TAND huyện Thạnh Trị (đạt tỷ lệ 77,6%)… Khi hòa giải, đối thoại, các hòa giải viên đã thể hiện tốt vai trò của mình là người trung gian, hàn gắn những mâu thuẫn, rạn nứt giữa các bên tranh chấp và hướng dẫn, giúp đỡ, thuyết phục các bên tranh chấp tự nguyện thỏa thuận giải quyết một cách ổn thỏa. Từ đó, chấm dứt mâu thuẫn, xung đột, tăng cường sự đoàn kết trong nhân dân, góp phần giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương.

Phóng viên: Trong quá trình thực hiện Luật HGĐTTTA, hai cấp gặp khó khăn gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Hoàng Lâm: Bên cạnh những kết quả đạt được thì quá trình thực hiện, các đơn vị tòa án cũng gặp không ít khó khăn. Trước hết, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho hòa giải, đối thoại chưa đáp ứng được yêu cầu. TAND Tối cao chưa tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ và cấp chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ hòa giải viên kịp thời cho những người đăng ký làm hòa giải viên nên chưa đủ điều kiện để bổ nhiệm. Số vụ việc người khởi kiện đồng ý chuyển qua hòa giải, đối thoại tại tòa án cũng còn thấp (chỉ chiếm khoảng 5% trên tổng số đơn khởi kiện) mà đa số họ lựa chọn con đường yêu cầu tòa án thụ lý, giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự hoặc hành chính để giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện. Quy định về quản lý, sử dụng kinh phí hoạt động HGĐTTTA chưa thật sự phù hợp…

Phóng viên: TAND tỉnh Sóc Trăng có giải pháp gì để nâng cao hiệu quả công tác HGĐTTTA?

Đồng chí Nguyễn Hoàng Lâm:Đơn vị tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật HGĐTTTA và các quy định có liên quan để người dân hiểu rõ hơn ý nghĩa nhân văn sâu sắc của hoạt động này. Từ đó, đưa Luật HGĐTTTA thực sự đi vào cuộc sống, trở thành phương thức giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp tốt nhất, hiệu quả nhất trong đời sống, xã hội. TAND tỉnh Sóc Trăng sẽ có văn bản đề nghị TAND Tối cao sớm mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải viên; thường xuyên tổ chức tập huấn bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải, đối thoại, giải đáp vướng mắc cho TAND các cấp; sớm đầu tư cơ sở vật chất, cấp trang thiết bị phục vụ và cấp thêm kinh phí cho công tác hòa giải, đối thoại…

TAND tỉnh sẽ quan tâm tổ chức hội nghị trao đổi, tọa đàm nghiệp vụ để tạo điều kiện cho thẩm phán, thư ký, hòa giải viên nắm chắc các quy định pháp luật, đặc biệt là kỹ năng hòa giải các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính. Tăng cường công tác lãnh đạo, kiểm tra đối với các TAND cấp huyện trong việc triển khai, thực hiện Luật HGĐTTTA, kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót, nâng cao số lượng, chất lượng hòa giải, đối thoại. Thường xuyên tổ chức sơ kết, đánh giá, biểu dương, khen thưởng và đề nghị khen thưởng kịp thời đối với các đơn vị, thẩm phán, hòa giải viên có thành tích xuất sắc trong thực hiện Luật HGĐTTTA. Song song đó, đơn vị cũng có hình thức xử lý trách nhiệm đối với các đơn vị, cá nhân chưa thực hiện tốt luật này, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu từng đơn vị.

Phóng viên: Xin chân thành cảm ơn đồng chí!

SỚM MAI

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/phap-luat-ban-doc/hoa-giai-doi-thoai-tai-toa-an-phuong-thuc-giai-quyet-tranh-chap-bat-dong-mot-cach-van-minh-56725.html