Hòa Bình tạo đà đưa du lịch 'cất cánh'

Để khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh, tạo đà đưa du lịch 'cất cánh', tỉnh Hòa Bình đang chú trọng phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm theo hướng chủ động hội nhập, nâng cao hiệu quả và tính chuyên nghiệp, bảo đảm sản phẩm du lịch có thương hiệu, tính cạnh tranh cao, đáp ứng yêu cầu của các thị trường mục tiêu.

Khai thác tối đa tiềm năng phát triển

Hội tụ đầy đủ các yếu tố: tài nguyên thiên nhiên phong phú; nền văn hóa đậm đà bản sắc gắn với “miền đất sử thi”; vị trí địa lý gần thủ đô, Hòa Bình là một trong những điểm đến thu hút đông khách du lịch trong nước và quốc tế. Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã chủ động khai thác tối đa thế mạnh về tài nguyên du lịch. Đơn cử, thành phố Hòa Bình đã xây dựng sản phẩm du lịch mới trải nghiệm dù lượn tại xã Quang Tiến, du lịch thể thao sân golf tại phường Kỳ Sơn; huyện Lương Sơn phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp thể thao chất lượng cao; huyện Tân Lạc đang thực hiện đề án “Xây dựng các xã vùng cao trở thành khu du lịch cấp tỉnh”; huyện Lạc Sơn phát triển mô hình du lịch cộng đồng và từng bước hình thành các điểm đến du lịch sinh thái nghỉ dưỡng…

Khu du lịch hồ Hòa Bình đang thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch chất lượng cao, phục vụ nhu cầu du khách. Ảnh: Đ. Hòa

Cùng với đó, tỉnh đã tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động lớn nhằm thu hút, kích cầu du lịch; tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển du lịch, nhất là về hạ tầng, gắn du lịch với bảo tồn văn hóa. Đồng thời, tăng cường liên kết du lịch với các lĩnh vực khác như: hỗ trợ khôi phục phát triển các làng nghề truyền thống; phát triển sản phẩm nông nghiệp sạch, xây dựng sản phẩm OCOP; phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát triển nông thôn mới; hỗ trợ xây dựng khu dân cư kiểu mẫu tạo điều kiện phát triển các điểm du lịch cộng đồng... Hiện, toàn tỉnh có hơn 10 làng nghề truyền thống với trên 1.000 nghề, sản phẩm của các làng nghề đã được bán tại các điểm du lịch trên địa bàn, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Nhờ vậy, ngành du lịch tiếp tục có bước phục hồi ấn tượng.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bùi Thị Niềm cho biết, những năm gần đây, du lịch Hòa Bình có tốc độ tăng trưởng nhanh và ổn định về lượng khách. Những tháng đầu năm, ngành du lịch đã đón 2.360.000 lượt khách; tổng thu khoảng 2.300 tỷ đồng. Hiệp hội Du lịch tỉnh cũng huy động các doanh nghiệp mở rộng liên doanh, liên kết đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch tiềm năng, nhiều cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn, như: Lương Sơn Retreat, Eco Bùi Trám, Trang viên Đồng Gội (Lương Sơn); homestay Thung Mây, Tím (Cao Phong); thung lũng Cúc Thảo (thành phố Hòa Bình); Mai Đà Lodge, Xoan Retreat (Đà Bắc)…

Lấy điểm đến, sản phẩm, thương hiệu làm tiêu điểm

Nhằm thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, ngành du lịch tỉnh Hòa Bình đã và đang triển khai đồng bộ, quyết liệt các chiến lược, giải pháp. Nhất là gia tăng chuỗi liên kết giữa các cấp, các ngành, giữa địa phương và doanh nghiệp, góp phần phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp và hiện đại.

Tỉnh đã đôn đốc thực hiện kế hoạch, quy hoạch tổng thể, chi tiết phát triển du lịch; ưu tiên các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường giao thông liên tỉnh, đường giao thông kết nối các điểm, khu có tiềm năng. Tăng cường xúc tiến thương mại, tập trung vào mục tiêu lấy điểm đến, sản phẩm và thương hiệu du lịch làm tiêu điểm. Thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý cấp huyện, xã để nâng cao hiệu quả quản lý về du lịch cấp cơ sở.

Đặc biệt, để thích nghi với xu hướng phát triển mới của du lịch tại địa phương, các hộ kinh doanh cũng thường xuyên cập nhật, đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ; anh Hà Công Minh - chủ Homestay Minh Thơ (xã Mai Hịch, Mai Châu) cho biết: do lượng khách quốc tế đến lưu trú ngày một đông nên từ chủ sở hữu đến nhân viên homestay đều phải tìm hiểu văn hóa, con người của nhiều quốc gia tiêu biểu để đón tiếp khách quốc tế được chu đáo nhất. Trong phần biểu diễn văn nghệ, ngoài chủ đạo là các tiết mục mang bản sắc địa phương, các diễn viên trong đội văn nghệ của homestay Minh Thơ còn gây bất ngờ khi biểu diễn thuần thục các điệu nhảy quốc tế phổ biến và chủ động mời du khách nước ngoài cùng tham gia, tạo không khí vui tươi, gần gũi.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Toàn khẳng định: Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ 17 (2020 - 2025) nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ trọng tâm là khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng Hòa Bình thành điểm đến hấp dẫn với các sản phẩm du lịch đặc trưng, là trung tâm du lịch lớn của khu vực trung du và miền núi phía Bắc.

Trong giai đoạn phát triển mới, để tiếp tục nâng cao chất lượng phát triển du lịch, tỉnh Hòa Bình sẽ chú trọng công tác quy hoạch phát triển du lịch, ưu tiên đầu tư hạ tầng du lịch trong Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình; tập trung cơ cấu lại ngành du lịch, bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển đồng bộ, bền vững gắn với hội nhập quốc tế. Chú trọng khai thác thị trường vùng thủ đô Hà Nội song song với mở rộng thị trường trong nước và quốc tế.

Tỉnh cũng tiếp tục thực hiện nhiều chính sách ưu đãi đặc thù; xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc theo hướng sáng tạo, chuyển từ “cung cấp cái mình có” sang “cung cấp dịch vụ và sản phẩm mà khách hàng cần”; phát triển ngành du lịch nhanh, bền vững. Hướng tới mục tiêu đến năm 2025 đón 4,9 triệu lượt khách, doanh thu du lịch đạt 5,4 nghìn tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 26.000 lao động.

Trần Tâm

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dia-phuong/hoa-binh-tao-da-dua-du-lich-cat-canh-i345536/