Hồ Văn có điện thờ Mẫu không?

Sáng 12/10, UBND phường Quốc Tử Giám (quận Đống Đa, TP. Hà Nội) phối hợp với các đơn vị chức năng tiến hành xử lý công trình xây dựng trái phép ở khu vực Hồ Văn thuộc di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Đây là thông tin được TS. Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Trung tâm) chia sẻ với Báo NNVN.

Khu vực Hồ Văn - nơi xây dựng điện thờ trái phép

Tự ý cải tạo... điện thờ

Đêm 13/9/2016, một số người dân thường trú tại phường Quốc Tử Giám đã tự ý chở vật liệu xây dựng vào gò Kim Châu trong Hồ Văn để nâng nền của một am thờ nhỏ đã tồn tại ở khu vực này từ những năm 1990.

Khi phát hiện ra sự việc, Trung tâm đã ngăn chặn và báo cáo lên Sở VH-TT Hà Nội và đề nghị UBND quận Đống Đa phối hợp giúp đỡ ngăn chặn hành vi vi phạm tại di tích lịch sử quốc gia đặc biệt này. Ngay sau đó, các lực lượng chức năng đã ngăn chặn, yêu cầu chấm dứt mọi hoạt động vi phạm di tích nhưng hành vi này vẫn tái diễn trong đêm 13/9. Sau đó, am thờ đã được tôn lên cao lên 70 cm so với trước.

Trước sự việc trên, ngày 22/9/2016, ông Ngô Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ký văn bản chỉ đạo số 5471/UBND-KGVX yêu cầu đảm bảo công tác an ninh trật tự, bảo vệ khu vực gò Kim Châu. Đồng thời, UBND TP Hà Nội giao Chủ tịch UBND quận Đống Đa chủ trì, phối hợp với Sở VH-TT, Công an TP Hà Nội, Sở Xây dựng, Ban Tôn giáo thành phố xây dựng và thực hiện ngay phương án đảm bảo công tác an ninh, trật tự, giải quyết triệt để tình trạng xâm hại di tích, giải tỏa, chấm dứt hoạt động xây dựng trái quy định tại khu vực gò Kim Châu trong tháng 10/2016.

Ngày 29/9, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, UBND quận Đống Đa phối hợp với Sở VH-TT Hà Nội và các đơn vị liên quan đã tổ chức cuộc họp để đi đến thống nhất: Giao UBND phường Quốc Tử Giám chủ trì xử lý công trình xây dựng không phép trên gò Kim Châu theo đúng quy định. Hoàn thành trước ngày 10/10/2016.

Tuy nhiên, đến ngày 11/10, theo ghi nhận của PV Báo NNVN, công trình xây dựng trái phép tại khu vực Hồ Văn vẫn tồn tại, chưa có bất cứ một động thái xử lý nào.

Trao đổi với PV, ông Phan Hồng Việt - Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa cho biết, đã giao cho UBND phường Quốc Tử Giám xử lý theo đúng tinh thần chỉ đạo của UBND TP Hà Nội. Việc chậm trễ có thể do một số nguyên nhân khách quan nào đó.

Nêu câu hỏi này với TS. Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Văn Miếu - Quốc Tử Giám, ông cho biết, lý do khách quan khiến việc xử lý sai phạm tại đây bị chậm 2 ngày so với dự kiến là đơn vị thi công được thuê chưa bố trí xong lực lượng triển khai trong ngày 10/10. Vì vậy, ngày 12/10, các đơn vị sẽ triển khai xử lý.

“Việc xử lý vi phạm tại khu vực Hồ Văn sẽ thực hiện trên tinh thần người dân tự nguyện tháo dỡ. Ngày 12/10, Trung tâm sẽ yêu cầu người dân hạ độ cao điện thờ, trả lại nguyên trạng trước ngày 13/9 cho khu di tích Hồ Văn”, TS. Lê Xuân Kiêu bày tỏ.

Hồ Văn có điện thờ Mẫu không?

Chia sẻ thông tin với báo chí, bà Đỗ Thị Tám - Phó Giám đốc Trung tâm Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết thêm, tại gò Kim Châu đã tồn tại một bát hương thờ, do cụ Nguyễn Thị Huỳnh (thường gọi là cụ Hội) một người dân sống gần di tích đặt để hương khói cho những người xấu số từng chết đuối tại Hồ Văn.

Khu vực Hồ Văn - nơi xây dựng điện thờ trái phép

Dù đặt bát hương nhưng cụ Hội không có hành động gì thể hiện những sinh hoạt mê tín dị đoan. Ngày rằm, mùng 1 cụ chỉ ra đó thắp hương, tranh thủ dọn rác ven hồ. Mỗi khi làm việc đó cụ đều xin phép. Cách đây vài tháng, tuổi cao sức yếu, cụ Hội qua đời.

Việc một số người dân tự ý vận chuyển nguyên vật liệu vào để xây dựng điện thờ là hành vi trái phép, xâm phạm nghiêm trọng di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Do nguyên nhân khách quan, khu vực Hồ Văn từng thuộc nhiều đơn vị khác quản lý như Công ty công viên cây xanh Hà Nội, BQL Dự án Hà Nội... Năm 2006, Hồ Văn mới được giao về Trung tâm. Vì thế, việc tồn tại một am thờ nhỏ trước đó là tự phát. Nay nhân dân muốn cải tạo thành nơi thờ cúng tâm linh trong vùng thì có nên không?

Theo chúng tôi là không nên. Bởi vì, Hồ Văn tức hồ Minh Đường, dân gian thường gọi là Hồ Giám nằm phía nam, trước mặt Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Giữa hồ có gò Kim Châu. Từ thời Nguyễn về trước, trên gò dựng Phán Thủy đường, là nơi diễn ra các buổi bình văn thơ của nho sĩ trong kinh thành xưa. Theo ý đồ kiến trúc, đây vốn là “tiểu minh đường” của Văn Miếu, là một bộ phận khăng khít của toàn bộ công trình kiến trúc chung Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Quần thể di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám là nơi thờ Khổng Tử cùng các tiên hiền – biểu tượng của Nho học. Đây quyết không thể tùy tiện biến thành nơi thờ tự tâm linh. Thêm vào đó, trong hồ sơ di tích quốc gia đặc biệt không có hạng mục điện thờ tại gò Kim Châu.

Bài học nhãn tiền là việc để tự phát miếu Hai Cô đầu đường Tôn Đức Thắng giao với Nguyễn Thái Học đã khiến Hà Nội phải tốn nhiều công sức mới giải quyết được chưa phải là lâu để chúng ta quên.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/ho-van-co-dien-tho-mau-khong-post177359.html