Hỗ trợ xây dựng, đăng ký bảo hộ thương hiệu các sản phẩm

Năm qua, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh đã đẩy mạnh hỗ trợ xây dựng và đăng ký bảo hộ thương hiệu các sản phẩm công nghiệp nông thôn, giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn có vị thế vững chắc trên thị trường, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.

Gian hàng trưng bày các sản phẩm nông sản tiêu biểu của tỉnh trên địa bàn huyện Mộc Châu.

Đề án “Hỗ trợ xây dựng và đăng ký bảo hộ thương hiệu các sản phẩm công nghiệp nông thôn” được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh triển khai từ năm 2013 đến nay. Mỗi năm, hỗ trợ xây dựng và đăng ký bảo hộ thương hiệu cho từ 5-10 sản phẩm công nghiệp. Mỗi đơn vị được hỗ trợ 35 triệu đồng, gồm: Tư vấn, thiết kế logo sản phẩm với Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam; cấp văn bằng bảo hộ, đăng ký mã số, mã vạch cho sản phẩm; xây dựng quy trình, quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa; thiết kế, sản xuất mẫu bộ nhận diện in trên bao bì, sản phẩm. Đến nay có gần 80 cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong tỉnh được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa.

Ông Lừ Việt Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh, cho biết: Trong năm 2021, Trung tâm đã hỗ trợ xây dựng, đăng ký bảo hộ thương hiệu cho 5 cơ sở, gồm các hộ kinh doanh: Trần Diệu Linh, tiểu khu 3/2, thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm sữa chua; Lê Kim Oanh, tiểu khu 3, Thị trấn Thuận Châu, huyện Thuận Châu, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm thịt khô; Trần Thị Thân, đường Hoàng Quốc Việt, bản Giảng Lắc, phường Quyết Thắng, thành phố Sơn La, đăng ký nhãn hiệu các sản phẩm chế biến từ thịt, cá; hộ kinh doanh Bảo Long, bản Lầu, phường Chiềng Lề, Thành phố Sơn La, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thịt khô; cơ sở sản xuất Quàng Văn Dương, bản Hôm, xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La, đăng ký bảo hộ các sản phẩm làm từ tre, song mây... với tổng kinh phí 175 triệu đồng.

Trung tâm làm việc với Phòng Kinh tế hạ tầng các huyện khảo sát và lựa chọn các đơn vị đảm bảo các điều kiện, đối tượng thụ hưởng hỗ trợ xây dựng, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm theo quy định; thống nhất các nội dung triển khai đề án và ký kết hợp đồng hỗ trợ kinh phí khuyến công địa phương với các đơn vị thụ hưởng. Bà Trần Diệu Linh, tiểu khu 3/2, thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, thông tin: Cơ sở chúng tôi được hướng dẫn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm sữa chua, giúp cho sản phẩm sữa chua được nhiều người tiêu dùng biết đến, doanh số bán hàng tăng cao. Ngoài phục vụ khách hàng trên địa bàn huyện, chúng tôi còn cung cấp sản phẩm đi các huyện lân cận, thành phố Sơn La và Hà Nội.

Điểm trưng bày các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và sản phẩm OCOP của tỉnh.

Ảnh: PV

Còn chị Lê Thị Kim Oanh, tiểu khu 3, thị trấn Thuận Châu, huyện Thuận Châu, cho biết: Gia đình tôi làm thịt khô đã gần chục năm nay, được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh tin dùng. Tham gia Đề án, chúng tôi được hỗ trợ 35 triệu đồng xây dựng thương hiệu. Các cơ quan chuyên môn tư vấn, hướng dẫn xây dựng thương hiệu. Hy vọng thương hiệu “Thịt khô Kim Oanh” sẽ ngày càng được nhiều khách hàng biết đến và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa sẽ nâng uy tín sản phẩm của các đơn vị; tạo được sự tin tưởng cho người tiêu dùng; góp phần tích cực kích thích sản xuất, mở rộng thị trường, mở rộng sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm mới và làm tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, tăng thu nhập cho người lao động. Để giữ vững và khẳng định thương hiệu sản phẩm, các cơ sở tuân thủ và thực hiện nghiêm các quy định, quy trình sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm. Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh tiếp tục hỗ trợ bao bì, nhãn mác, công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; hỗ trợ tham gia quảng bá, xúc tiến thương mại, mở rộng thị phần, tăng thu nhập, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương.

Minh Thu

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/ho-tro-xay-dung-dang-ky-bao-ho-thuong-hieu-cac-san-pham-47866