Hỗ trợ trực tiếp để giảm nghèo bền vững

Để thực hiện giảm nghèo đa chiều bền vững, kinh nghiệm từ huyện Quốc Oai là đồng bộ các chính sách, tăng nguồn đầu tư xã hội hóa và hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo.

Chủ động xây dựng kế hoạch

Trong căn nhà cấp 4 tuềnh toàng ở xóm Cống, thôn Ngọc Than, xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, chị Bùi Thị Oanh chia sẻ: “Gia đình tôi rất mừng vì tháng 8/2016 được huyện hỗ trợ con bò sinh sản. Đây là thứ tài sản có giá trị nhất, cũng là cứu cánh để chúng tôi thoát nghèo”. Gia đình chị Oanh thuộc hộ nghèo, bản thân chị bị thấp khớp và sỏi thận, đi lại rất khó khăn. Ngoài 4 sào ruộng trồng lúa mỗi năm 2 vụ, chị nuôi thêm con lợn gây giống. Thời gian rảnh, nếu sức khỏe tạm ổn, chị đi dọn dẹp thuê. Vậy nhưng, cái đói nghèo vẫn đeo bám gia đình 4 người. Cũng bởi chồng chị bị tai biến, không thể làm được việc gì. Một mình chị vừa đi làm vừa nuôi chăm chồng và 2 con nhỏ.

Chị Bùi Thị Oanh đang chăm chút cho con bò được hỗ trợ nuôi để thoát nghèo bền vững.

Không chỉ gia đình chị Oanh mà nhiều hộ nghèo của huyện Quốc Oai đã được hỗ trợ để thoát nghèo. Sở LĐTB&XH Hà Nội đánh giá cao các hoạt động hỗ trợ giảm nghèo của huyện Quốc Oai bởi các chỉ tiêu đề ra đến cuối năm 2016 đều đạt và vượt kế hoạch. Bà Phạm Thị Thanh Huyền - Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Quốc Oai cho hay: “Chúng tôi xác định chính sách an sinh xã hội tốt thì đời sống mới tốt được. Vì thế, khi TP chưa có kế hoạch giảm nghèo giai đoạn 2016 – 2020, huyện đã chủ động xây dựng”. Theo kế hoạch Hỗ trợ hộ nghèo và thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020, huyện đưa ra các mục tiêu cụ thể: Tháng 8/2016, toàn huyện có 2.030 hộ nghèo, phấn đấu đến hết năm 2017 giảm còn 280 hộ, tỷ lệ 0,5%. Để thực hiện mục tiêu, huyện tập trung vào những chính sách như tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề giải quyết việc làm, tiếp cận các dịch vụ xã hội.

Hỗ trợ trực tiếp, đúng đối tượng

Trước khi thực hiện các giải pháp giảm nghèo, huyện Quốc Oai phân tích nguyên nhân nghèo và phân loại theo nhóm để hỗ trợ cho phù hợp. Theo kế hoạch, năm 2016, huyện hỗ trợ 40 xe máy (18 triệu đồng/xe) cho các hộ nghèo. Nhưng khi rà soát lại, chỉ 28 hộ nghèo đủ điều kiện sử dụng xe máy (có đủ sức khỏe, bằng lái xe) để đi chở hàng. Thế nên 12 hộ còn lại không đủ điều kiện, huyện có hình thức hỗ trợ khác. Từ năm 2016 đến cuối tháng 2/2017, huyện đã hỗ trợ sổ tiết kiệm cho 747 hộ gia đình trị giá 3,735 tỷ đồng. “Những hộ gia đình vì lý do sức khỏe sẽ được cấp sổ tiết kiệm trị giá 5 triệu đồng, họ sẽ dùng số tiền đó để mua gà, lợn giống để chăn nuôi hoặc có thể mở cửa hàng bán rau. Cộng với việc chịu khó làm ăn, chắc chắn sẽ nâng cao được thu nhập góp phần cải thiện được cuộc sống” – bà Huyền kỳ vọng. Hay hộ gia đình có nhà xuống cấp cần sửa chữa được hỗ trợ 20 triệu đồng, xây mới được cấp 40 triệu đồng, giúp họ yên tâm lao động sản xuất. Trong năm 2016 đã có 48 hộ gia đình nghèo được hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở với số tiền 1,3 tỷ đồng. Rồi những hộ gia đình ở vùng đồi gò, sức khỏe không tốt thì được cấp bò sinh sản trị giá 20 triệu đồng/con để nuôi gây giống. Đã có 186 con bò được cấp cho các hộ nghèo chăn nuôi gần đến thời kỳ sinh sản. Ngoài cấp vốn, vật nuôi, các hộ nghèo còn được trang bị kiến thức chăn nuôi hay cách buôn bán để giảm thiểu rủi ro.

Tuy nhiên, theo bà Huyền, để việc hỗ trợ giảm nghèo bền vững, điều quan trọng nhất vẫn là nguồn nội lực của người nghèo. Họ phải chịu thương chịu khó, khi được hỗ trợ phải nỗ lực nhiều hơn để sử dụng vốn có hiệu quả, thay vì trông chờ ỷ lại vào chính sách. Thông tin về chỉ tiêu giảm nghèo bền vững của huyện Quốc Oai năm 2017, bà Huyền cho hay: Năm nay sẽ hỗ trợ 200 con bò, xây mới và sửa chữa 113 ngôi nhà. UBND huyện ban hành riêng một Kế hoạch Hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo năm 2017, trong đó đề ra các mốc thời gian thực hiện. Hiện, huyện đã có nguồn kinh phí để thực hiện kế hoạch này, trong đó chủ yếu là xã hội hóa.

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/ho-tro-truc-tiep-de-giam-ngheo-ben-vung-283404.html